Không tăng so với 2014
Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Kienlongbank cho hay, lợi nhuận trước thuế năm qua của Ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 419 tỷ đồng, song chỉ tiêu cho năm 2015, theo ông Châu, sẽ được Ngân hàng cân nhắc.
Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2014 đạt mức tương đối khả thi, nhưng Sacombank cũng dự kiến kế hoạch trình ĐHCĐ năm nay chỉ bằng mức thực hiện của năm 2014 là 3.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đặt ra năm nay là 13%; tăng trưởng huy động vốn là 15%.
Lý giải cho việc dự kiến đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận 2015 không vượt trội so với năm trước, lãnh đạo Sacombank cho biết, mặc dù tình hình thị trường năm 2015 được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực, nhưng rủi ro nợ xấu vẫn tiềm ẩn. Vì thế, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phải luôn đi kèm kiểm soát chặt rủi ro nợ xấu để giảm dự phòng. Bên cạnh đó, dù bán nợ xấu cho VAMC, nhưng ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu đặc biệt nhận lại.
Đây cũng là một trong những lý do buộc các nhà băng thận trọng khi xây dựng chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2015.
Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc Eximbank cũng cho hay, nếu không trích dự phòng, lợi nhuận đạt được năm rồi của Ngân hàng gần chạm với kế hoạch đưa ra 1.800 tỷ đồng trước thuế. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong hoạt động, đặc biệt làm “sạch” đối với nợ xấu, tạo đà tăng trưởng cho năm 2015 nên Eximbank đã mạnh tay trích dự phòng rủi ro. Vì thế, con số lợi nhuận sau dự phòng của Eximbank có thể thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Do đó, chỉ tiêu lợi nhuận năm nay Ngân hàng đưa ra chỉ ở mức 1.000 tỷ đồng trước thuế.
“Khó kỳ vọng được mức lợi nhuận cao khi hoạt động ngân hàng vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là tín dụng tăng khó, nhưng nợ xấu vẫn chưa dừng lại”, ông Phú nói.
Theo tổng giám đốc một ngân hàng, đã có một thời kỳ, thị trường, cổ đông kỳ vọng lợi nhuận ngân hàng quá cao và cho rằng hoạt động ngân hàng “ăn” trên lưng doanh nghiệp. Điều này đã tạo áp lực không nhỏ cho các ngân hàng, tuy nhiên, cũng nhờ đó các nhà băng đã nhận ra được những khoảng hổng trong quản trị và cân nhắc kỹ hơn với bài toán lợi nhuận.
Đặc biệt, trước tình hình nợ xấu vẫn chưa được kiểm soát hiện nay, vị tổng giám đốc trên cho rằng, nếu không thận trọng và kiểm soát được rủi ro tín dụng, thì lợi nhuận làm ra nhiều cũng bằng không. Trên thực tế, trong 2 năm qua, nguồn lợi nhuận thu về chủ yếu được các ngân hàng dành trích lập dự phòng rủi ro theo yêu cầu của NHNN.
Sẽ ảnh hưởng đến cổ phiếu
Lợi nhuận sụt giảm do phải trích dự phòng cao, trong khi tín dụng khó tăng, nên cổ đông của ngân hàng cũng khó kỳ vọng sẽ có cổ tức - một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc DongA Bank cho biết, tăng trưởng tín dụng của DongA Bank đến cuối năm 2014 chỉ mới “vượt khỏi mặt đất”, trong khi, nợ xấu lại tăng gấp đôi so với mức 3% quy định của ngành. Vì thế, mọi nguồn lực đạt được, trong đó có lợi nhuận (ước đạt hơn 500 tỷ đồng trước thuế) đều được Ngân hàng dành để trích dự phòng. Chính sách cổ tức năm 2014 được DongA Bank để ngỏ.
Được biết, cuối tháng 6/2014, DongA Bank đã có thông báo đến cổ đông về việc quyết định không chia cổ tức kỳ 1/2014, cho dù 2 quý đầu năm, Ngân hàng đạt hơn 50% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm. Vì thế, khả năng không có cổ tức 2014 của cổ đông ngân hàng này đã khá hiện hữu.
Không chỉ vấn đề cổ tức, thời gian gần đây, thị trường đang râm ran với thông tin DongA Bank sẽ sớm về chung một nhà với một ngân hàng cùng quy mô. Có lẽ, những thông tin này sẽ phần nào tác động đến cổ phiếu của ngân hàng này.
Trên thực tế, không chỉ với DongA Bank, không ít nhà băng khác cũng đang đối mặt với làn sóng M&A khi chủ trương của NHNN đưa ra là kiểm soát nợ xấu về 3% vào cuối năm. Chẳng hạn, Saigonbank phải sáp nhập vào Vietcombank; MHB vào BIDV hay Southern Bank vào Sacombank… Thêm vào đó, việc áp dụng các quy chuẩn mới của Thông tư 36 sẽ là khó khăn lớn đối với ngân hàng.
Đánh giá về vấn đề này, ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi Công ty Korea Investment & Securities cho rằng, mặc dù đến thời điểm này, NHNN chưa công bố cụ thể các thương vụ sáp nhập, hợp nhất nào được thông qua. Chủ trương của NHNN là đẩy mạnh sáp nhập, gom các ngân hàng nhỏ với nhau hoặc sáp nhập ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Còn vấn đề nợ xấu, phải cần một chính sách rõ ràng hơn mới có thể giải quyết được triệt để.
Lấy ví dụ một ngân hàng nhỏ có nợ xấu 1.000 tỷ đồng, khi gom 3 ngân hàng lại với nhau, nợ xấu sẽ tăng lên 3.000 tỷ đồng, khi đó liệu NHNN có bỏ tiền mua lại nợ xấu này để xử lý triệt để hay vẫn là giải pháp kéo giãn thời gian. Vì thế, kể cả sáp nhập ngân hàng nhỏ vào nhà băng lớn cũng chưa phải là giải pháp tốt nhất để xử lý triệt để nợ xấu của ngành.
Theo ông Yun, quá trình tái cấu trúc của ngành ngân hàng Việt Nam trong 3 năm qua đã có những thành công nhất định, nhưng điều đó chỉ mới tác động đến tâm lý của nhà đầu tư khi cho rằng, việc sáp nhập ngân hàng yếu lại với nhau hoặc ngân hàng yếu vào ngân hàng lớn để giảm số lượng, lành mạnh hệ thống. Còn thực tế, nếu so với việc tái cơ cấu thì chưa thể bằng. Vì sự quyết liệt trong quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam còn có khó khăn, nên nhà đầu tư vẫn còn bất an khi rót vốn vào cổ phiếu ngành này.
“Nhà đầu tư cũng nên thận trọng xem xét trước khi rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng nửa đầu năm 2015, nhưng cổ phiếu ngân hàng sẽ tốt hơn sau giai đoạn tái cơ cấu”, ông Yun nhận định và cho rằng, rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng phải có chiến lược dài hạn.
Theo Đầu tư