Đồng loạt báo lãi
Việc đàm phán cổ đông chiến lược giữa Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) và một đối tác hàng không hàng đầu Nhật Bản dự kiến kết thúc trong tháng 1/2016 vừa có thêm cú hích đáng kể khi ngay năm đầu tiên hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Vietnam Airlines đã gặt hái các kỷ lục tổng doanh thu và lợi nhuận.
“Các chỉ tiêu quan trọng liên quan sản lượng và thu bán đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra”, ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines thông tin.
Cụ thể, tính đến ngày 30/12/2015, với đội tàu bay gồm 94 chiếc, trong đó có 2 dòng máy bay hiện đại vừa được đưa vào khai thác là Airbus A350 và Boeing 787-9, Vietnam Airlines đã vận chuyển được 17,4 triệu lượt khách, vượt 4,8% kế hoạch năm 2015; thực hiện hơn 127.500 chuyến bay an toàn, vượt 3,5% so với kế hoạch.
Tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt hơn 69.300 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt trên 1.400 tỷ đồng, tăng 194% so với năm 2014, nộp ngân sách nhà nước hơn 4.400 tỷ đồng. Đây là các chỉ tiêu kinh doanh cao nhất từ trước đến nay của Vietnam Airlines kể từ khi thành lập cách đây 20 năm.
Có lẽ sản lượng vận tải hành khách của Vietnam Airlines sẽ còn cao hơn nếu không tiến hành chuyển giao 3 đường bay đang khai trong nước cho Jetstar Pacific trong giai đoạn nửa cuối năm 2015.
Trong khi đó, sau gần 4 năm “vật vã” tái cơ cấu, các cổ đông của Jetstar Pacific Airlines (JPA) là Vietnam Airlines (67,8% vốn điều lệ), Qantas – Australia (30%) và Saigontourist (2,14%) đã bắt đầu thu được những thành quả đầu tiên.
Tính đến đầu tháng 11/2015, doanh thu thuần của JPA đã đạt 3.410 tỷ đồng, vượt năm 2014 hơn 200 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 80 tỷ đồng. Với đội tàu bay gồm 12 chiếc (tăng 7 chiếc so với năm 2012), trong đó có 2 chiếc A321, 10 chiếc A320 khai thác 32 đường bay nội địa và quốc tế (ghế suất bình quân từ 89 – 90%), sản lượng vận chuyển khách của JPA năm 2015 có thể đạt khoảng 4,5 triệu khách, tăng 2,3 lần so với năm 2012.
Vietjet – đối thủ cạnh tranh chính của Vietnam Airlines tại thị trường hàng không nội địa cũng đã cán mốc 9 triệu lượt khách được chuyên chở trong năm 2015. Mặc dù vẫn đang “ẩn” những chỉ số kinh doanh quan trọng nhất, đặc biệt là lợi nhuận, với lý do quen thuộc là “đang trong giai đoạn kiểm toán” nhưng ông Lưu Đức Khánh – CEO Vietjet khẳng định, kết quả này đủ để làm hài lòng những cổ đông khó tính nhất.
Hiện Vietjet sở hữu đội tàu bay gồm 30 chiếc Airbus 320, Airbus321 với 180 chuyến bay mỗi ngày phủ khắp các điểm đến Việt Nam và 6 quốc gia trong khu vực châu Á.
Theo xác nhận Cục Thuế Hà Nội, Vietjet bắt đầu phát sinh lợi nhuận kể từ năm 2014, chỉ sau 3 năm hoạt động. Chiểu theo những ưu đãi về đầu tư, hãng hàng không tư nhân này vẫn còn được miễn thuế thu nhập trong năm 2015, trước khi phải nộp 50% trong vòng 3 năm tới.
Số liệu thống kê do Cục Hàng không Việt Nam đưa ra hồi giữa tháng 12/2015 cho thấy, tổng thị trường vận chuyển khách cả năm ước đạt 40,1 triệu lượt hành khách; tăng 21,2% so với năm 2014. Trong đó, vận chuyển của các hãng hàng không trong nước là 31,1 triệu lượt hành khách, tăng 21%.
Chỉ số tăng trưởng tích cực này cùng với việc giá nhiên liệu bay trong năm 2015 giảm sâu (giá nhiên liệu bình quân năm 2015 mà Vietnam Airlines phải chi trả là 78 USD/thùng, so với giá kế hoạch 90 USD/thùng) đã tạo nền cho các hãng hàng không có được kết quả kinh doanh tích cực.
Đợi chờ “bùng nổ”
Với đà tăng trưởng GDP đã được Quốc hội thông qua là 6,7% trong năm 2016, mức cao nhất trong 6 năm gần đây, giá nhiên liệu bay dự kiến ở mức 60 USD/thùng (giảm 11% so với mức trung bình giao dịch năm 2015 là 67,45 USD/thùng), thị trường hàng không năm 2016 được kỳ vọng sẽ tiếp tục tốc độ bùng nổ và đạt 45 triệu lượt khách, tăng 19% so với ước thực hiện năm 2015.
Ở thị trường nội địa, tổng thị trường dự kiến đạt 26,2 triệu lượt khách, tăng 23,4% so ước thực hiện năm 2015, tương đương khoảng 5 triệu khách. Tất cả các nhóm đường bay đều tăng trưởng, trong đó nhóm đường địa phương tăng trưởng mạnh do các hãng hàng không chi phí thấp sẽ đổ tải mạnh vào nhóm này.
Trên thị trường quốc tế, sẽ không có nhiều biến động lớn ngay cả khi Hiệp định Bầu trời mở (Open Sky) ASEAN có hiệu lực từ 1/1/2016, do hầu hết những thương quyền quan trọng liên quan tới việc khai thác thị trường nội địa vẫn được các nước tiếp tục bảo hộ.
Trong khi đó, trên các đường bay tới một số thị trường lớn trong khối ASEAN như Thái Lan, Singapore… mức độ ảnh hưởng là không nhiều, do các hãng hàng không Việt Nam đã hoàn thiện sản phẩm của mình và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm bay vòng sử dụng thương quyền 5 (quyền nhận hành khách, hàng hoá, thư tín từ nước thứ hai để chở đến nước thứ ba và quyền nhận hành khách, hàng hoá, thư tín từ nước thứ ba để chở đến nước thứ hai)
Theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng cao 20% không phải là gam màu sáng duy nhất của thị trường hàng không nội địa năm 2015.
“Tính cạnh tranh của thị trường đã tăng lên đáng kể với việc Vietjet tiếp tục mở rộng thị phần hàng không nội địa thông qua việc mở rộng đội bay, đường bay”, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Theo nhận định của một chuyên gia, nhiều khả năng thị trường vận chuyển hàng không nội địa năm 2016 sẽ chứng kiến một cuộc so kè quyết liệt giành khách giữa Vietnam Airlines và Vietjet.
Trước đó, với việc chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh để bung sức cho các đường bay quốc tế đường dài, có thời điểm trong năm 2015, Vietnam Airlines cùng Vietjet đã chia đều thị phần ở nội địa với tỷ lệ dao động khoảng 40% cho mỗi hãng.
Ngay trong năm 2016, Vietnam Airlines cũng chỉ chốt kế hoạch giữ thị phần ở nội địa ở mức 40,8% (chưa tính thị phần của 2 công ty có vốn góp khác là JPA và VASCO).
Dự báo khả năng Vietjet vượt qua Vietnam Airlines để giữ vị trí số 1 sẽ khó xảy ra trong vòng 3-5 năm tới. Ngoài việc sở hữu đội tàu bay lớn gấp 3 lần; là cổ đông lớn tại hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific; Vietnam Airlines còn có lợi thế rất lớn từ việc sở hữu các dịch vụ hậu cần hoàn chỉnh với nhiều lĩnh vực đang cho lợi nhuận cao. Hãng cũng đang tái cơ cấu quyết liệt để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần.
“Bất chấp quan ngại về nguy cơ dư thừa cung tải, người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc cạnh tranh thú vị này ”, ông Thanh đánh giá.
Dẫu vậy, trong khi chính sách hàng không trong năm 2016 không có thay đổi đáng kể thì điều kiện hạ tầng sân bay chậm được cải thiện sẽ là một trong những rào cản lớn cho các hãng.
Theo kế hoạch, không có nhiều khác biệt so với năm 2015, ngoại trừ việc sân bay Cam Ranh sẽ mở rộng sân đỗ từ tháng 1/2016 và sân bay Cát Bi sẽ hoàn thành cải tạo trong tháng 4/2016. Như vậy, tình trạng quá tải tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của các hãng trong năm 2016.
Theo Đầu tư