Nội dung báo cáo đề cập tới sự thay đổi cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ như giữa hai quốc gia – Mỹ sẽ tiếp tục duy trì ưu thế quân sự hiển nhiên trước Trung Quốc trong thời gian dài. Tuy nhiên rõ ràng, Trung Quốc khẩn trương đẩy nhanh tiềm lực vũ trang hơn việc Mỹ tái cân đối lực lượng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Mỹ vẫn chưa thoát khỏi các khủng hoảng quân sự kéo dài ở Syria và Iraq, đồng thời khó từ chối các cam kết quân sự mới trước một số nước Trung và Đông Âu được thực hiện sau khủng hoảng Ukraine. Với vị thế siêu cường duy nhất, Mỹ buộc phải hoạch định hành động xuất phát từ sự suy giảm liên tục tình hình tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có khu vực Bắc Phi, nơi IS đã lập ra một mặt trận mới. Ở Afghanistan, chính phủ được chính thức công nhận đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng được từ cả IS lẫn Taliban.
Tình hình tại Tây Âu cũng nhiều phức tạp. Liên minh châu Âu bộc lộ rõ sự kém hiệu quả và thiếu năng lực trong các vấn đề an ninh. Bất kỳ khủng hoảng nghiêm trọng ảnh hưởng đến nền an ninh của châu Âu, sớm muộn đều cần tới sự can thiệp của Quân đội và các cơ quan đặc nhiệm Mỹ. Sự tham gia của Mỹ trong các vấn đề khu vực là cơ sở làm cho dòng người tị nạn đổ vào EU càng tăng lên.
Sự sa lầy của Mỹ trong một loạt xung đột kéo dài và vô triển vọng tạo cơ hội cho Trung Quốc từng bước củng cố vị thế quân sự và kinh tế ở Đông Á. Tuy nhiên, các bước hành động của Triều Tiên trong lĩnh vực quân sự, ví dụ như thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, là trở ngại cho chính sách của Trung Quốc. Nguy cơ trực tiếp về tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên được Mỹ đáp lại bằng các biện pháp triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Bắc Á, củng cố liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhưng đồng thời, Triều Tiên đang ngày càng là yếu tố gây mất uy tín và làm suy yếu các chính sách của Mỹ trong khu vực. Washington đã mất mọi công cụ hiệu quả có khả năng tác động Bình Nhưỡng.
Hôm nay, chỉ Bắc Kinh là có thể ảnh hưởng tới chính sách của Bình Nhưỡng bằng những đòn bẩy phi quân sự nếu họ ngừng mua hàng của Bắc Triều Tiên (ví dụ, than đá) và ngừng cung cấp sang nước láng giềng những sản phẩm thiết yếu. Nhưng Bắc Kinh không thể làm như vậy, sự bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên đe dọa phá hoại chính nền an ninh Trung Quốc. Triều Tiên đang không ngừng củng cố kinh tế và đạt những tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng quân đội. Chính sách của Mỹ đối với đất nước này lâm vào bế tắc. Tới lúc nào đó, các đồng minh của Mỹ có thể nhận thức chính sách này như một phần của vấn đề chứ không phải là một phần của giải pháp.
T.H