Mỹ và Trung Quốc đấu khẩu nhau xung quanh căn cứ Trung Quốc ở Djibouti chiếu tia laser vào máy bay Mỹ

VietTimes -- Vào lúc cuộc chiến thương mại giữa hai nước Trung – Mỹ đang ở vào thế giằng co, lại có những thông tin về sự xung đột giữa các căn cứ quân sự của quân đội hai nước tại Djibouti. Quan chức tình báo quân sự cao cấp của Mỹ chỉ trích quân đội Trung Quốc đã có những “hành động vô trách nhiệm” đối với máy bay của Mỹ; phía Bắc Kinh lập tức lên tiếng đáp lại.
Người phụ trách tình báo của Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Phi chỉ trích lính Trung Quốc ở căn cứ quân sự ở Djibouti chiếu tia laser vào máy bay của Mỹ.
Người phụ trách tình báo của Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Phi chỉ trích lính Trung Quốc ở căn cứ quân sự ở Djibouti chiếu tia laser vào máy bay của Mỹ.

Lại tái diễn việc máy bay quân sự Mỹ bị người Trung Quốc chiếu tia laser của tại Djibouti. Báo Mỹ Washington Times ngày 16/6 cho biết, một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ đã lên án quân đội Trung Quốc đã có “hành động vô trách nhiệm” đối với quân đội Mỹ đóng tại căn cứ quân sự Lemonnier ở Djibouti, vùng Sừng châu Phi.

Lemonnier là căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Djibouti, cũng là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Châu Phi. Nó nằm gần với căn cứ hỗ trợ hậu cần của quân đội Trung Quốc ở Djibouti.

Tờ Washington Times cho biết, Thiếu tướng Heidi Berger, chỉ huy tình báo của Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Phi, đã nói với một số phương tiện truyền thông châu Phi trong một hội nghị điện thoại rằng: căn cứ quân sự Trung Quốc đã mưu đồ hạn chế không phận quốc tế, cấm máy bay bay trên không phận căn cứ quân sự Trung Quốc và chiếu tia laser từ mặt đất vào các phi công quân sự Mỹ, thậm chí còn triển khai máy bay không người lái để phá rối các hoạt động bay của Mỹ.

Căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti - đối tượng tranh chấp với căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực
Căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti - đối tượng tranh chấp với căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực

Viên Thiếu tướng Hải quân Mỹ này cũng tuyên bố rằng các nhân viên Trung Quốc thậm chí đã cố gắng “xâm nhập doanh trại căn cứ Lemonnier”. “Hoạt động xâm nhập” là một thuật ngữ quân sự đề cập đến việc bí mật lẻn vào.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đưa tin về việc máy bay quân sự của họ bị chiếu tia laser từ căn cứ quân sự của Trung Quốc. Hồi tháng 5 năm 2018, các quan chức Mỹ cũng tuyên bố rằng máy bay quân sự của họ đã bị tia laser từ căn cứ Trung Quốc ở Djibouti chiếu lên. Khi đó Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bác bỏ, cho rằng phát biểu của các quan chức Mỹ hoàn toàn không phù hợp với thực tế.

Ngày 17/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản bác. Ông Lục Khảng, người phát ngôn của bộ này trong cuộc họp báo thường kỳ khi trả lời câu hỏi của các nhà báo đã nói: Trung Quốc luôn tuân thủ chặt chẽ pháp luật của nước sở tại, dốc sức giữ gìn an ninh và ổn định trong khu vực. Ông nói: “Về thông tin mà bạn đề cập đến, theo tôi tìm hiểu được từ Bộ Quốc phòng thì tin tức trên báo chí hoàn toàn không phù hợp với thực tế”.

Theo trang tin Đa Chiều, ông Trương Quân Xã ở Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc hôm 17/6 cũng lên tiếng cho rằng, những thông tin trên truyền thông Mỹ hoàn toàn do quan chức phía Mỹ bịa đặt. Ông nói y chang tin trên tờ “Thời báo Hoàn cầu” (Global Times) ngày hôm trước rằng, sự thật là máy bay Mỹ đã bay thấp trên căn cứ hỗ trợ hậu cần của Trung Quốc và do thám tình báo quân sự, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của căn cứ và các nhân viên Trung Quốc.

Hệ thống phát hiện, cảnh báo tia laser của Mỹ được lắp trên máy bay lên thẳng AH-64
Hệ thống phát hiện, cảnh báo tia laser của Mỹ được lắp trên máy bay lên thẳng AH-64

Vào tháng 6 năm 2018, các phi công quân sự Mỹ khi bay trên vùng trời biển Hoa Đông cũng bị “tấn công” bằng tia laser từ Trung Quốc. Các cơ quan truyền thông Mỹ nói rằng các tàu đánh cá Trung Quốc đã sử dụng vũ khí laser do quân đội Trung Quốc cung cấp để cảnh báo người Mỹ rằng họ là những người không được chào đón tại biển Hoa Đông. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc cho rằng các tàu đánh cá sử dụng vũ khí laser dùng cho cảnh sát có xạ trình gần, về cơ bản không thể gây nên mối đe dọa đối với máy bay trực thăng hoặc máy bay cánh cố định; các thông tin của Mỹ không đáng tin và chỉ có thể cổ súy cho “luận thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc” mà thôi.

Theo phân tích của Thời báo Hoàn cầu, thông tin liên quan trên báo chí Mỹ  hoàn toàn là sự bịa đặt ác ý của các quan chức Mỹ. Từ thông tin của truyền thông Mỹ, sự thật là máy bay Mỹ đã tiến hành các chuyến bay tầm thấp phía trên và do thám căn cứ hỗ trợ của quân đội Trung Quốc, đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn của căn cứ và các nhân viên Trung Quốc. Phía Mỹ cần xem xét và chấm dứt các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế như vậy.

Trước đây, một số học giả chuyên ngành cho biết, quân đội Mỹ rất coi trọng nghiên cứu vũ khí laser gây mù mắt và coi công nghệ laser chống cảm biến là một trong những công nghệ chiến lược của lục quân. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, hiện nay các cường quốc quân sự trên thế giới đang dần thay đổi hướng phát triển của vũ khí laser.

Tên lửa QW-3 của Trung Quốc đã bị hệ thống phát hiện cảnh báo laser vô hiệu hóa
Tên lửa QW-3 của Trung Quốc đã bị hệ thống phát hiện cảnh báo laser vô hiệu hóa

Theo phân tích, “Vũ khí tia laser năng lượng thấp gây mù không còn là trọng điểm phát triển vũ khí trang bị nữa. Ngoài các dự án phát hiện và chỉ thị mục tiêu, trọng tâm phát triển của công nghệ laser là vũ khí laser năng lượng cao. Phương pháp tấn công cũng đã thay đổi trực tiếp từ “sát thương mềm” thành “tiêu diệt”, vượt xa các yêu cầu về tính năng của vũ khí laser gây mù trước đây”.

Hiện nay, trên các máy bay cánh cố định và trực thăng của quân đội Mỹ đều được trang bị các thiết bị cảnh báo laser như là một phần của hệ thống tác chiến điện tử; ví dụ Hệ thống phát hiện cảnh báo laser (Laser Detecting Systems) AN/AVR-2A (V). Công dụng chính của chúng là đo đạc, cảnh báo và đối kháng đối với các tia laser được chiếu sáng bằng máy gia tốc laser. Các thiết bị đối kháng laser này rất hiệu quả, đến mức 20 năm trước đã khiến một loạt hệ thống tên lửa phòng không dẫn đường bằng tia laser, trong đó có QW-3 (Qianwei-3) của Trung Quốc, đã bị vô hiệu hóa./.