Mỹ - Trung một năm thương chiến, ai thắng ai thua...

VietTimes-- Hôm Thứ Bảy vừa qua là ngày kỷ niệm tròn một năm cuộc chiến thương mại Mỹ với Trung Quốc. Vào ngày 6/7 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã chính thức áp thuế 25% đối với 34 tỷ đô la Mỹ (USD) hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Tính đến cuối tháng 4 năm 2019, Trung Quốc và Mỹ đã áp đặt ba vòng thuế quan đối với hàng hóa của nhau. Kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước đã giảm khoảng 20 tỷ USD so với trước khi xảy ra thương chiến. Truyền thông Nhật cho rằng, qua 1 năm thương chiến, phía Mỹ bị thiệt hại lớn hơn Trung Quốc và cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của các công ty Trung Quốc và Mỹ, cục diện thương mại toàn cầu cũng thay đổi rất lớn.
Sau một năm thương chiến, cả hai bên Mỹ - Trung đều thiệt hại nặng nề
Sau một năm thương chiến, cả hai bên Mỹ - Trung đều thiệt hại nặng nề

Mỹ mới là bên thua thiệt nhiều hơn?

Tờ Nihon Keizai Shinbun (Tin tức kinh tế Nhật Bản) chỉ rõ, sau khi Mỹ tiến hành cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc, Trung Quốc cũng đưa ra một số biện pháp đối phó. Mặc dù giữa chừng có các cuộc đàm phán giữa hai bên, nhưng vẫn có bất đồng về một số vấn đề then chốt. Căn cứ số liệu thương mại của hai nước, người ta có thể thấy rõ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại lớn thế nào.

Các số liệu cho thấy lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 14%, tương ứng giảm 18 tỷ USD, chiếm 3% xuất khẩu cả năm sang Mỹ; còn xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 38% về khối lượng thương mại và giảm 23 tỷ USD, chiếm khoảng 15% xuất khẩu cả năm sang Trung Quốc.

Bài báo mô tả những thiệt hại của Mỹ thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Sau khi Trung Quốc phản kích, tăng thuế đối với hàng Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, xuất khẩu của Mỹ đã ngay lập tức bị giảm. Cuối năm 2018, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm gần 4 tỷ USD so với năm 2017. Tác động của xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ 4 tháng sau mới hiện rõ, nhưng tới đầu năm nay đã giảm hơn 4 tỷ USD.

Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hồi tháng 6, tổng giá trị mậu dịch của Trung Quốc với Mỹ trong 5 tháng đầu năm nay đã giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 11,7% tổng kim ngạch ngoại thương quốc gia, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2018. Do nhập khẩu từ Mỹ giảm nhiều hơn mức xuất khẩu sang Mỹ, đã làm tăng thặng dư thương mại với Mỹ lên 110,55 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm trước.

Một số chuyên gia chỉ ra rằng Trung Quốc tăng thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp và nhiên liệu của Mỹ, có thể thay đổi sang nhập khẩu từ các nước khác. Ngược lại, hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đều là những sản phẩm đặc biệt, người Mỹ không dễ mua từ các nước khác, bao gồm các vật liệu công nghiệp như bảng mạch. Giới quản lý của các công ty điện tử và hóa chất Mỹ nói với Nihon Keizai Shimbun: do bối cảnh tranh chấp thương mại Trung-Mỹ, nhiều công ty đều giữ thái độ chờ đợi, có công ty phải điều chỉnh chuỗi cung ứng và có kế hoạch di chuyển dây chuyền sản xuất của họ ở Trung Quốc sang các nước khác.

Đàm phán mậu dịch Mỹ - Trung sẽ được khởi động lại nhưng dự đoán sẽ vẫn khó khăn chồng chất
Đàm phán mậu dịch Mỹ - Trung sẽ được khởi động lại nhưng dự đoán sẽ vẫn khó khăn chồng chất

Với việc hai nhà lãnh đạo tiến hành hội đàm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, cuộc đàm phán mậu dịch sẽ được khởi động lại, vòng đánh thuế thứ 4 được tạm thời dừng lại; nhưng trong bối cảnh cuộc đàm phán chưa đi đến bước cuối cùng, có vẻ cục diện sẽ phát triển theo bước đi của Trung Quốc.

Hôm 1/7, ông Donald Trump đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc nhượng bộ và nói: “Không thể có cuộc thỏa thuận chia đều 50:50 với Trung Quốc, thỏa thuận phải có lợi cho Mỹ”. Còn phía Trung Quốc  thì vẫn chủ trương “bình đẳng”, kiên quyết không chấp nhận nội dung một bản hiệp nghị không bình đẳng. Vì thế cuộc đàm phán Mỹ - Trung sẽ vẫn khó khăn chống chất.

Tuy chính phủ Donald Trump kiên trì đòi đạt được một hiệp nghị có lợi cho Mỹ, nhưng giới doanh nghiệp Mỹ đã xuất hiện nhiều tiếng nói đòi chính phủ chấm dứt thương chiến và khôi phục mọi quan hệ với Trung Quốc.

Hôm 3/7, hàng trăm chuyên gia về vấn đề châu Á của Mỹ đã cùng ký tên vào bức thư ngỏ gửi chính phủ nhan đề “Making China a U.S. enemy is counterproductive” (Biến Trung Quốc thành kẻ thù của Mỹ là phản tác dụng). Bức thư được đăng trên tờ The Washington Post, thể hiện sự lo ngại về việc quan hệ Mỹ - Trung không ngừng xấu đi.

Ngoài ra, The Wall Strett Journal ngày 5/7 cũng đưa tin, ông Jim Sutter, Giám đốc điều hành Hiệp hội xuất khẩu đậu tương Mỹ đang tìm cách cứu vãn quan hệ nông nghiệp Mỹ - Trung, hy vọng khách hàng Trung Quốc tin rằng nông dân Mỹ không có ác ý với Trung Quốc; nếu thương chiến kết thúc thì các hộ nông dân Mỹ mong được khôi phục việc làm ăn với Trung Quốc.

Ông Timothy Stratford: 40% số công ty Mỹ ở Trung Quốc muốn di chuyển khỏi Trung Quốc
Ông Timothy Stratford: 40% số công ty Mỹ ở Trung Quốc muốn di chuyển khỏi Trung Quốc

Ai là người hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung

“Một tháng trước, chúng tôi đã khảo sát các công ty Mỹ ở Trung Quốc, 40% số công ty nói rằng họ đang chuyển năng lực sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc đang xem xét chuyển năng lực sản xuất ra khỏi Trung Quốc” - ông Timothy Stratford, Chủ tịch American Chamber of Commerce in China (Hiệp hội Thương mại Mỹ ở Trung Quốc), cựu Trợ lý Đại diên Thương Mại Mỹ  nói và cho rằng đây là vấn đề mà các công ty phải xem xét. Nếu là một công ty công nghệ cao, họ buộc phải suy nghĩ về những chính sách nào chính phủ Mỹ sẽ đưa ra trong vài tháng tới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình.

Ông Lý Tiểu Gia (Li Xiaojia), Giám đốc điều hành của Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông, cho biết tất cả các doanh nghiệp có thể di chuyển đã bắt đầu di chuyển và tất cả những công ty không liên quan đến chuỗi cung ứng lớn có thể di chuyển riêng rẽ đều đã xem xét việc di chuyển.

Các công ty đa quốc gia chuyển năng lực sản xuất khỏi Trung Quốc, các điểm đến thường chọn là các nước Đông Nam Á có lợi thế về giá thành lao động như Việt Nam và Malaysia. Bà Mari Elka Pangestu, Giáo sư Đại học Indonesia, cựu Bộ trưởng Thương mại Indonesia tin rằng Việt Nam đã trở thành quốc gia hưởng lợi chính trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong nửa đầu năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng tới 27%. Điều này cũng khiến mức tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức cao gần 7%.

Bà Mari Elka Pangestu: cần tỉnh táo nhìn nhận những lợi ích ngắn hạn của thương chiến; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là con dao hai lưỡi đối với các nước Đông Nam Á.
Bà Mari Elka Pangestu: cần tỉnh táo nhìn nhận những lợi ích ngắn hạn của thương chiến; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là con dao hai lưỡi đối với các nước Đông Nam Á.

Tuy nhiên, bà Mari Pangestu cho rằng cần tỉnh táo nhìn nhận những lợi ích ngắn hạn này. Cuộc chiến thương mại là con dao hai lưỡi đối với các nước Đông Nam Á. Bà nói rằng đối với Mỹ, các nước Đông Nam Á đang phải đối mặt với mối đe dọa “tiếp theo sẽ đến lượt các vị” và khi đối mặt với chính sách đơn phương của Mỹ, các nước nhỏ sẽ không ở vị thế bình đẳng. Trường hợp tốt nhất là quay trở lại khuôn khổ thương mại dựa trên các quy tắc và hệ thống đa phương. 

Thực tế, ngày 2/7, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố mức thuế trừng phạt lên tới 456% đối với các sản phẩm thép từ Việt Nam. Nguyên nhân là một số công ty Hàn Quốc và Đài Loan chuyển khẩu tới Mỹ qua Việt Nam để trốn thuế.

Lĩnh vực công nghệ đã xấu càng xấu thêm

Mỹ và Trung Quốc giống như hai con Voi đang vật lộn không chỉ về thương mại, mà còn về công nghệ và an ninh.

Ông Timothy Stratford nói, tuy cộng đồng doanh nghiệp Mỹ rất vui mừng Trung – Mỹ khi quay trở lại bàn đàm phán, nhưng họ vẫn lo lắng về những bất ổn còn lại, bởi vì đàm phán thương mại cũng liên quan đến an ninh quốc gia khiến cho các cuộc đàm phán trở nên khó khăn hơn.

Ông Timothy Stratford nói: “Chính sách thương mại và an ninh quốc gia là hai lĩnh vực khác nhau; chúng có mục tiêu khác nhau, những quy tắc khác nhau phải tuân theo và những thể chế khác nhau để thực hiện. Vì vậy, việc trộn lẫn chúng sẽ khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn. Tôi cho rằng chúng nên được xử lý riêng. Bạn không thể sử dụng cái này để thay cho cái khác”.

Đối với các nước Đông Nam Á, bà Mari Elka Pangestu nói: “Trong lĩnh vực công nghệ, xem hai con voi đấu nhau, điều khiến chúng tôi lo lắng nhất là, nếu chúng ta buộc phải lựa chọn thì sao? Đối với Indonesia, 60% cơ sở hạ tầng viễn thông sử dụng của Huawei. Nếu Mỹ gây áp lực cho chúng tôi thì làm thế nào? Điều này đã vượt ra ngoài các quy tắc và thương mại truyền thống của WTO và chưa có ai đưa ra các quy tắc về nó”.

Giám đốc điều hành Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông Lý Tiểu Gia: đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ là một quá trình lâu dài.
Giám đốc điều hành  Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông Lý Tiểu Gia: đàm phán thương mại Mỹ - Trung  sẽ là một quá trình lâu dài.

Cuối cùng chiến tranh thương mại sẽ kết thúc như thế nào?

Giám đốc điều hành Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông Lý Tiểu Gia phát biểu tại Diễn đàn Davos mùa Hè rằng điều này phụ thuộc vào những gì Mỹ muốn và những gì Trung Quốc làm.

Ông Lý Tiểu Gia nói, thương mại thực chất là vấn đề tiền bạc. Vấn đề có thể giải quyết bằng tiền không phải là vấn đề lớn, có thể đạt được một hiệp nghị. Cấp độ thứ hai là thay đổi hành vi. Mỹ muốn buộc Trung Quốc thay đổi các hành vi kiểu như trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ, sẽ khó khăn hơn nhiều như buộc người Trung Quốc ngừng hút thuốc và uống rượu. Nhưng về mặt lý trí lâu dài, Trung Quốc có thể ý thức được rằng hút thuốc và uống rượu là không tốt. "Dừng lại là một điều tốt, nhưng hãy cho chúng tôi một chút thời gian". Nếu đó là điều Mỹ muốn thì khả năng đạt được thỏa thuận là có thể; tuy nhiên sẽ đau đớn và hơi lâu. Nhưng những gì người Mỹ muốn là cấp độ thứ ba có thể được ví như bạn phải đi nhà thờ, con bạn phải được giáo dục theo một cách khác, bạn phải ngừng ăn bữa trưa. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.

Ông Lý Tiểu Gia cho rằng: “Nếu Trung Quốc tiếp tục cải cách mở cửa, mọi người cuối cùng sẽ tập trung vào cấp độ thứ nhất, có thể liên quan một chút đến cấp độ thứ hai, không ai thảo luận về cấp độ thứ ba. Vấn đề là, nếu Trung Quốc không còn đẩy mạnh cải cách mở cửa, yêu cầu về cấp độ thứ ba sẽ được đặt lên bàn đàm phán; cấp độ thứ hai cũng luôn ở trên bàn đàm phán, chuyện sẽ trở nên khó giải quyết hơn nhiều. Bất kể thế nào, đây cũng sẽ là một quá trình lâu dài”.

Do tác động của thương chiến Mỹ - Trung, nhiều công ty thuộc ngành chế tạo đã phải di chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á
Do tác động của thương chiến Mỹ - Trung, nhiều công ty thuộc ngành chế tạo đã phải di chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á

Bà Mari Elka Pangestu cho rằng sự không chắc chắn gây ra bởi cuộc chiến thương mại đã khiến nhiều quyết định đầu tư bị trì hoãn. Thời gian trì hoãn sẽ là bao lâu? Vẫn cứ đưa đầu ra gánh chịu rủi ro sao? Trong mọi trường hợp, nó sẽ đều gây ra thiệt hại kinh tế. Cuối cùng, chính người tiêu dùng phải chịu thiệt hại. Nếu nền kinh tế Mỹ thực sự bắt đầu suy giảm, người tiêu dùng sẽ bắt đầu phản đối và điều này sẽ có thể đóng vai trò quyết định việc chấm dứt thương chiến./.