Mỹ tố Iran phát triển vũ khí hóa học bằng loại độc chất được mệnh danh “thuốc xác sống”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Theo hãng truyền thông Mỹ, Iran được cho là đã vũ khí hóa một loại dược phẩm để giết hoặc vô hiệu hóa các mục tiêu.

Mỹ tố Iran đã vũ khí hóa các loại dược phẩm để chế tạo vũ khí như pháo và lựu đạn (Ảnh: Getty)
Mỹ tố Iran đã vũ khí hóa các loại dược phẩm để chế tạo vũ khí như pháo và lựu đạn (Ảnh: Getty)

Iran đã phát triển vũ khí hóa học dựa trên các loại ma túy tổng hợp như fentanyl, Business Insider dẫn lời cảnh báo của một chuyên gia Mỹ. Đây là loại ma túy cực mạnh có thể làm suy yếu khả năng chiến đấu của binh lính hoặc dân thường khi được gắn vào lựu đạn hoặc đạn pháo.

Các chất dược phẩm làm vũ khí (PBA) thực chất là các loại thuốc được biến thành vũ khí, có thể gây suy yếu hoặc giết chết nạn nhân tùy theo mức độ tiếp xúc. Iran có thể đã cung cấp PBA cho các tổ chức đồng minh như Hezbollah, và các nhóm này có thể sử dụng chúng để bắt cóc binh lính và dân thường Israel.

Fentanyl còn được gọi là " thuốc xác sống" vì nó mạnh hơn heroin 50 lần, và mạnh gấp 100 lần so với morphine, là loại ma túy nguy hiểm nhất, trong khi giá rất rẻ.

"Trong thời điểm tình hình khu vực Trung Đông ngày càng bất ổn, phần lớn do hành động của các đồng minh Iran, mối đe dọa từ chương trình vũ khí PBA của Iran không thể bị bỏ qua", ông Matthew Levitt đã viết trong một bài báo cho Trung tâm Chống Khủng Bố tại West Point.

Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ định nghĩa PBA là "các chất hóa học dựa trên các hợp chất dược phẩm, có thể hoặc không có công dụng y tế hợp pháp, và có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong khi bị lạm dụng". Các chất này bao gồm các loại ma túy như fentanyl và thuốc an thần dành cho động vật.

Những loại thuốc này ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của nạn nhân. "Khi hít phải, các chất này khiến nạn nhân hoàn toàn mất ý thức, cho phép lực lượng sử dụng chúng tiến tới nhanh chóng và lặng lẽ bắt giữ các nạn nhân đang bất tỉnh", ông Levitt giải thích.

Iran từng là nạn nhân của chiến tranh hóa học trong cuộc chiến Iran-Iraq những năm 1980, khi các cuộc tấn công hóa học của Iraq – bao gồm các khí thần kinh như Sarin và khí mù tạt – đã gây ra 1 triệu thương vong cho người dân Iran. Tuy nhiên, Iran cũng từng sử dụng khí hóa học vài lần trong chiến tranh. Israel tin rằng Iran đã sử dụng PBA để chống lại các lực lượng nổi dậy trong cuộc nội chiến Syria, và có báo cáo rằng các lực lượng dân quân thân Iran ở Iraq có thể đã dùng chúng chống lại người biểu tình.

"Vấn đề là Iran đã đúng khi họ nói rằng mình từng là nạn nhân của vũ khí hóa học trong cuộc chiến Iran-Iraq", ông Levitt, một chuyên viên cao cấp tại viện nghiên cứu Washington Institute, nói với Business Insider. "Nhưng thực tế là chính họ cũng đã sử dụng chúng".

Mỹ và các đồng minh đã cảnh báo trong nhiều năm rằng Iran đang phát triển vũ khí hóa học, vi phạm Công ước Vũ khí Hóa học 1997. Các quốc gia ký kết — bao gồm Iran — có nghĩa vụ tiêu hủy các kho dự trữ hiện có.

Theo Mỹ, có bằng chứng cho thấy Iran đang theo đuổi PBA. "Năm 2014, Khoa Hóa học của Đại học Imam Hossein (IHU) ở Iran đã tìm mua số lượng lớn medetomidine – một loại thuốc an thần dành cho ngành thú y mà họ đã nghiên cứu để sử dụng dưới dạng khí gây suy yếu, theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2023.

Tháng 9/2023, các hacker chống chính phủ Iran đã "công bố các tài liệu mật mô tả chi tiết việc một trường đại học quân sự Iran phát triển các loại lựu đạn để phát tán medetomidine", theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Việc kiểm soát PBA gặp khó khăn do chúng có các ứng dụng hợp pháp trong lĩnh vực an ninh và y tế. Ví dụ, hơi cay đã được sử dụng để kiểm soát đám đông từ Thế chiến I, và quân đội Mỹ cũng dùng nó trong các cuộc chiến để bơm vào đường hầm của địch. Hơi cay vẫn được phép sử dụng để kiểm soát bạo loạn, nhưng không được phép dùng trên chiến trường.

Ngăn chặn các quốc gia sản xuất PBA là điều "rất, rất khó khăn, vì vậy chúng ta kiểm soát chủ yếu bằng cách ngoại giao, cấm vận và một số hành động thực thi pháp luật", ông Levitt nói.

PBA của Iran đặc biệt là một vấn đề nếu Tehran đã cung cấp chúng cho các nhóm như Hezbollah. "Việc triển khai vũ khí được sản xuất từ các vật liệu có mục đích sử dụng kép, rồi cung cấp các vũ khí này cho các đồng minh, cho phép Iran có nhiều lớp che đậy và có thể phủ nhận hợp lý việc mình đã làm điều này", bài viết của Trung tâm Chống Khủng bố cho hay.

Israel lo ngại rằng Hezbollah sẽ sử dụng vũ khí PBA như một phần trong kế hoạch chiếm khu vực Galilee ở miền bắc Israel và bắt cóc công dân Israel. "Họ có thể dùng chúng để làm suy yếu các lính biên phòng và tiếp cận dân thường không được bảo vệ", ông Levitt nói. "Hoặc, họ có thể nhắm vào và làm suy yếu các binh lính để có thể bắt giữ họ".

Các chiến dịch quân sự gần đây của Israel tại Lebanon đã gây thiệt hại nặng nề cho Hezbollah, bao gồm cả kho tên lửa khổng lồ của họ. Tuy nhiên, PBA có thể được gắn vào lựu đạn và đạn cối mà Hezbollah vẫn còn nhiều. Và vẫn có khả năng lực lượng Mỹ có thể đối đầu với Iran và các đồng minh của nước này, và phải đối mặt với loại vũ khí này.

Tuy nhiên, ông Levitt nhấn mạnh rằng PBA không thuộc loại vũ khí hủy diệt hàng loạt như khí độc thần kinh, thứ đủ mạnh để giết chết hàng loạt trong phạm vi tiếp xúc. "Đây không phải là mối đe dọa chiến lược. Nó là một loại vũ khí chiến thuật", ông nói.

Theo Business Insider