Cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu khi Tổng thống Bashar al-Assad đáp trả các cuộc biểu tình hòa bình bằng súng đạn. Sự hỗn loạn lan rộng như cánh cửa mở cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) lộng hành.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Tổng thống Nga Putin tại Moscow ngày 15/12 (Ảnh: Reuters) |
Đối mặt với cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm, Tổng thống Assad vẫn không thể giành thắng lợi, cho đến khi người Nga chính thức can thiệp quân sự vào cuối tháng 9. Moscow đã tiến hành nhiều đợt oanh kích, tấn công IS và cả các tổ chức mà Kremlin gọi là khủng bố trong khi Washington coi là quân nổi dậy ôn hòa chống Assad.
Phản ứng của Nhóm Obama lúc đầu là tặc lưỡi, tiếp đến là nhân nhượng - tìm cách đàm phán một mặt trận chung với Putin, hy vọng nhà lãnh đạo Nga sẽ tham gia nhiều hơn vào kế hoạch "làm suy yếu và cuối cùng là tiêu diệt IS" của Mỹ.
Nhưng cho đến ngày 15/12 vừa qua, sau cuộc gặp với Tổng thống Nga ở Moscow, Ngoại trưởng Kerry đã thông báo: "Mỹ và các đối tác sẽ không tìm kiếm cái gọi là sự thay đổi chế độ". Ông còn nói thêm rằng, trọng tâm của Mỹ giờ đây không đặt vào "những gì có thể hay không thể làm ngay tức khắc đối với Assad", mà thay vào đó là khơi thông một tiến trình hòa bình mà trong đó "người Syria sẽ quyết định tương lai của Syria".
Lần đầu tiên Mỹ kêu gọi ông Assad từ bỏ quyền lực là vào mùa hè năm 2011, với khẩu hiệu "Assad phải ra đi" liên tục được nhắc đến.
Giờ đây, nếu Mỹ chấp nhận điều kiện của ông Putin là để người Syria tự quyết định tương lai của ông Assad thì rõ ràng phía Nga đã thắng thế trong lập trường kiên định lâu nay, rằng không một chính phủ nước ngoài nào có thể yêu cầu Assad ra đi, và tự người Syria sẽ phải bàn bạc các vấn đề về ban lãnh đạo của họ.
Dù thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest vẫn khẳng định rằng, chính sách của Mỹ về Assad vẫn là ông này "phải ra đi". Nhưng không rõ khi nào điều này sẽ thành hiện thực?
Theo VNN