Mỹ tập trung hạ tầng công nghệ cho NSA và tấn công không gian mạng

VietTimes -- Ngày 01.11.2018, Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết rằng Bộ Tư lệnh Không gian mạng Mỹ cần phải có cơ sở hạ tầng riêng và không dựa quá nhiều vào hạ tầng Cơ quan An ninh Quốc gia NSA khi sử dụng một số công cụ tác chiến mạng. 
Trung tâm chỉ huy, điều hành tác chiến liên kết phối hợp NSA và Cyber ​​Command. Ảnh minh họa Defense. News
Trung tâm chỉ huy, điều hành tác chiến liên kết phối hợp NSA và Cyber ​​Command. Ảnh minh họa Defense. News

Đấy có thể là một tín hiệu báo trước sự phân tách giữa hai cơ quan trong chiến trường không gian mạng song trùng trực thuộc. Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng Cyber Command hoạt động trên hạ tầng của Cơ quan An ninh Quốc gia NSA kể từ khi thành lập năm 2009, hiện đang trong quá trình xây dựng hệ thống "mà chúng ta có thể thực hiện các chiến dịch của riêng mình và không sử dụng nhiều vào cơ sở hạ tầng của NSA", ông Ed Devinney, giám đốc quan hệ đối tác với các công ty và tiếp cận công nghệ tiên tiến tại Bộ tư lệnh không gian ảo Cyber Command cho biết.

Tại hội nghị CyberCon do Fifth Domain tổ chức ngày 01.11.2018, ông Devinney phát biểu: "Xây dựng cơ sở hạ tầng cho lực lượng tác chiến không gian mạng có lẽ là vấn đề lớn nhất tác động đến cơ cấu tổ chức của hai lực lượng".

Sự đòi hỏi phân chia hạ tầng cơ sở bắt nguồn từ các sứ mệnh khác nhau của hai cơ quan chỉ huy và 2 lực lượng. Cơ sở hạ tầng mạng của NSA được thiết kế nhằm thu thập thông tin, khả năng truy cập vào phần cứng của đối phương liên tục và bí mật, trong khi yêu cầu tác chiến của Cyber Command thường khác hơn và rõ nét hơn.

“Thông thường, Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng có thể không quan tâm đến việc truy cập liên tục và bí mật. Trong thực tế tác chiến, nhiều trường hợp, chúng tôi muốn công khai những việc đang làm, ví dụ như tấn công vào một cơ sở hạ tầng nào đó - chúng tôi muốn đảm bảo kẻ thù biết là chúng tôi đã tấn công, chiếm lĩnh và khống chế nơi đó".

Theo nguồn tin từ Washington Post, tháng 08.2018, Tướng Paul Nakasone, tư lệnh trưởng Cơ quan An ninh Quốc gia NSA và Bộ Tư lệnh tác chiến không giao mạng Mỹ, đề nghị hai tổ chức này vẫn chính thức thống nhất dưới một cơ cấu tổ chức trong ít nhất hai năm. Những kêu gọi đòi hỏi chấm dứt tình trang “song trùng trực thuộc” này đã có từ thời chính quyền Obama, nhưng bị trì hoãn kể khi Nakasone tiếp quản vị trí chỉ huy.

Một điều khá thú vị là ngày 04.05.2018, Cơ quan An ninh Quốc gia và Bộ tư lệnh tác chiến Mạng chính thức khai trương một tòa nhà mới trị giá 500 triệu USD, được thiết kế và xây dựng với hạ tầng cơ sở đủ mạnh để tích hợp các hoạt động mạng của chính phủ Mỹ và các đối tác nước ngoài.

Trụ sở tích hợp mới giữa Trung tâm tác chiến mạng (Cyber Center) và trung tâm chỉ huy điều hành chung, còn được gọi là ICC/JOC, là “công trình công nghệ chuyên dụng đầu tiên, bằng công nghệ tiên tiến nhất mở rộng khả năng chỉ huy và kiểm soát, khả năng hội nhập mạng toàn cầu để thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tác chiến không gian ảo”, Cựu tư lệnh Bộ tư lệnh Không gian mạng, đô đốc Michael Rogers phát biểu trong một buổi điều trần trước quốc hội.

Trung tâm chỉ huy điều hành tác chiến chung đã đưa Bộ tư lệnh không gian mạng (Cyber Command), NSA, các tổ chức chính phủ khác và đầu mối của các đối tác nước ngoài hoạt động trong cùng một tòa nhà, đảm bảo tiến trình hoạt động được đồng bộ hóa trên cấp độ cao nhất, điều hành liên kết phối hợp và các hoạt động mạng không bị xung đột từ nhiều hướng. Trung tâm ICC/JOC đã chính thức hoạt động vào tháng 08.2018.

Thiếu tướng Eugene Williams trong một buổi phỏng vấn đã phát biểu với các phóng viên: “ICC/JOC cho phép thiết lập kế hoạch hành động hiệu quả và phản công nhanh trong một khu vực hoặc một một hệ thống, nơi diễn ra các sự kiện hoặc các cuộc tấn công mạng gần như tức thời. Mặc dù USCYBERCOM và NSA có nhiệm vụ và quyền hạn riêng biệt, ICC/JOC cho phép thực hiện nhiệm vụ thành công do tập hợp những người tốt nhất và công nghệ mới nhất trong một hạ tầng cơ sở mạng được tích hợp đầy đủ tất cả các hệ thống”.

Các thành viên trong cộng đồng an ninh mạng quốc gia gọi trung tâm này như một nền tảng hạ tầng cơ sở vật lý công nghệ hiện đại.

"Tòa nhà đại diện cho một nền tảng vật lý, tại đây Bộ Tư lệnh Không gian mạng và NSA có thể cùng liên kết phối hợp", Ron Talarico, giám đốc xây dựng quân sự tại NSA trong một buổi phỏng vấn phát biểu với các phóng viên. Ông nói thêm rằng tòa nhà được NSA và CYBERCOM cung cấp chi phí riêng biệt, nhưng cơ sở hạ tầng được thiết kế để hoạt động như một thực thể vật lý đồng nhất.

Ông Talarico cho biết, Cyber Command chi khoảng 358 triệu USD trong khi NSA cung cấp vào khoảng 150-158 triệu USD cho tòa nhà.

Trung tâm điều hành chung thực tế là trung khu lập kế hoạch và đồng bộ hóa các hoạt động trinh sát, tình báo, tấn công và phòng ngự trong không gian mạng, mặc dù các hoạt động sẽ được thực hiện bởi các đơn vị tác chiến, hoạt động ở địa bàn khác.

Trong lễ cắt băng khánh thành, đô đốc Rogers cho biết, hai khu nhà riêng biệt cách xa nhau là dành cho NSA và Cyber Command, một nhà vòm ở tòa trung tâm sẽ điều phối hoạt động chung.

Mặc dù đã có những cuộc thảo luận nhằm chấm dứt tình trạng song trùng trực thuộc giữa NSA và Cyber Command , các quan chức cộng đồng an ninh mạng cho rằng, 2 cơ quan này vẫn phải liên kết chặt chẽ trong tương lai. Điều này là do giá trị những thông tin tình báo quan trọng mà NSA sẽ cung cấp về các mạng hạ tầng của kẻ thù trước khi Cyber Command tiến hành tấn công. Nếu không có thông tin tình báo cần thiết bên trong các mạng, chiến dịch không thể được lên kế hoạch và thực hiện thành công.

Tòa nhà trụ sở mới của NSA nằm một phần ở phía đông trong khuôn viên mới. Trong đó, có cả trụ sở mới của Bộ Tư Lệnh tác chiến không gian mạng của Lính thủy Đánh bộ.  Việc hoàn thành khuôn viên phía đông được lên kế hoạch đến năm 2028, bao gồm khoảng sáu tòa nhà với hơn 20.000 nhân viên, theo tuyên bố của NSA.

Điều đó có nghĩa là, mặc dù có nhiều lực lượng khác nhau, nhưng các bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng và NSA sẽ thống nhất về một hạ tầng cở sở vật lý nhằm tăng cường và đồng bộ hóa khả năng tác chiến không gian mạng trong những tình huống và khu vực cụ thể, nhằm tăng cường sức mạnh tấn công của Mỹ trong không gian ảo.