Mỹ tái thành lập Hạm đội 2 để đối phó Nga, Trung Quốc

Hải quân Mỹ đã tuyên bố thành lập lại Hạm đội 2 để đối phó với “mối uy hiếp của Nga và Trung Quốc trong khu vực”. Buổi lễ tái lập Hạm đội 2 đã được tổ chức hôm 24/8; hạm đội này sẽ được bố trí tại vùng biển từ Bờ biển phía Đông nước Mỹ, biển Barents và khu vực duyên hải nằm giữa Na Uy và Nga nhằm tăng cường lực lượng của quân đội Mỹ ở Bắc Đại Tây Dương, trực tiếp đối phó với mối uy hiếp quân sự của Nga tại khu vực này.
Hạm đội 2 được Mỹ thành lập nhằm đối phó với hải quân Nga và Trung Quốc
Hạm đội 2 được Mỹ thành lập nhằm đối phó với hải quân Nga và Trung Quốc

Hãng AP cho biết, buổi Lễ thành lập Hạm đội 2 đã được tổ chức tại căn cứ hải quân Norfolk, bang Virginia. Ông John Richardson, Bộ trưởng tác chiến Hải quân Mỹ (Chief of Naval Operations - CNO) đã phát biểu trên tàu sân bay USS George H.W. Bush: “Chúng ta không tìm kiếm chiến tranh mà là né tránh chiến tranh, nhưng cách tốt nhất là có lực lượng hải quân mạnh nhất, thiện chiến nhất và có sức cạnh tranh nhất”. Richardson nói: “An ninh quốc gia của Mỹ gồm hai nhân tố quan trọng: khả năng kiểm soát trên biển và khả năng bắn ném của quân đội hiện đang bị thách thức bởi sự trỗi dậy của Nga và Trung Quốc”. Ông còn nói thêm, nếu tham gia chiến tranh, Hạm đội 7 “sẽ tiến hành hành động chiến đấu mang tính quyết định để đánh bại bất cứ kẻ thù nào”.

Đô đốc Jonh Richardson, Bộ trưởng Tác chiến Hải quân Mỹ tuyên bố tái lập Hạm đội 2
Đô đốc Jonh Richardson, Bộ trưởng Tác chiến Hải quân Mỹ tuyên bố tái lập Hạm đội 2

Việc hải quân Mỹ chính thức đưa Hạm đội 2 quay trở lại hoạt động phản ánh sự thay đổi về chiến lược quân sự của Mỹ, cho thấy quân đội Mỹ đang chuyển trọng tâm từ cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông sang đối phó với các đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Mỹ là Nga và Trung Quốc.

Ông cho rằng, hiện nay Nga và Trung Quốc đều đang mở rộng hải quân nhằm tăng cường sức ảnh hưởng trên toàn cầu. Hoạt động của Nga ở Bắc Đại Tây Dương đã đạt tới đỉnh cao kể từ sau khi kết thúc chiến tranh Lạnh; Nga đang ra sức gia tăng các hoạt động tuần tra biển xa của tàu ngầm và các hoạt động quân sự khác.

Ông John Richardson cho biết, phạm vi hành động của Hạm đội 2 không chỉ giới hạn ở hoạt động của các tàu chiến, máy bay và các đơn vị đổ bộ ở Bờ biển phía Đông và Bắc Đại Tây Dương. Ông nói: “Hạm đội 2 sẽ tăng cường tính mềm dẻo chiến lược của chúng ta trong việc đối phó với tình  hình từ Bờ biển phía Đông đến biển Barents; đồng thời giúp tăng cường sức cơ động và khả năng tác chiến của chúng ta ở Đại Tây Dương để giúp duy trì ưu thế trên biển của Mỹ, đem lại an ninh, sức ảnh hưởng và phồn vinh của quốc gia”.

Tàu sân bay USS George H.W. Bush nơi diễn ra lễ tái lập Hạm đội 2 sẽ là một thành phần của hạm đội
Tàu sân bay USS George H.W. Bush nơi diễn ra lễ tái lập Hạm đội 2 sẽ là một thành phần của hạm đội

Trung tướng (Phó đô đốc) Andrew Lewis, người được bổ nhiệm chức Tư lệnh Hạm đội 2 đã phát biểu, nhấn mạnh: “Chỉ có chuẩn bị tốt chiến đấu, chúng ta mới tránh được chiến tranh”.

Bàn về việc tái lập Hạm đội 2, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Bob Work cho rằng: “Việc tái lập Hạm đội 2 nhằm chứng tỏ với các nước lớn khác rằng quân đội Mỹ có thể hoạt động ở vùng biển cận kề họ bất cứ lúc nào. Trung Quốc có lực lượng hải quân với khả năng toàn diện, còn Nga thì là kẻ cạnh tranh dưới mặt nước (tức lực lượng tàu ngầm). Cách đối phó với họ tốt nhất là hoạt động ở khu vực cận kề Nga và Trung Quốc, không cho hai nước này đột phá đi ra vùng biển quốc tế”.

Hạm đội 2 của hải quân Mỹ được thành lập năm 1950, phụ trách việc phòng vệ Bờ biển phía Đông và Bắc Đại Tây Dương, thời kỳ “cực thịnh” nó có tới 126 hạm tàu, 4,500 máy bay và 90 ngàn quân. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi tiêu và tái cơ cấu lực lượng, năm 2011 hải quân Mỹ đã giải thể biên chế Hạm đội 2, đưa toàn bộ lực lượng của nó nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Tác chiến Hải quân. Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, Hạm đội 2 phụ trách bảo vệ tuyến hàng hải chi viện cho Tây Âu. Nó đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có chiến dịch phong tỏa Cuba năm 1962 và xâm lược Panama năm 1989.

Phó đô đốc Andrew Lewis, người được bổ nhiệm chức Tư lệnh Hạm đội 2 nhấn mạnh: “Chỉ có chuẩn bị tốt chiến đấu, chúng ta mới tránh được chiến tranh”.
Phó đô đốc Andrew Lewis, người được bổ nhiệm chức Tư lệnh Hạm đội 2 nhấn mạnh: “Chỉ có chuẩn bị tốt chiến đấu, chúng ta mới tránh được chiến tranh”.

Mấy năm gần đây, Nga đã gia tăng rõ rệt các hoạt động trong khu vực, thể hiện rõ sức mạnh quân sự trong các cuộc xung đột quân sự ở Ukraina và Syria, bị Mỹ coi là gây thành mối uy hiếp đối với họ ở khu vực Đại Tây Dương. Từ khi quân đội Nga tiến vào Crimea năm 2014 và quan hệ giữa Nga và các nước NATO ngày càng xấu đi, các hoạt động trên biển của Nga ở Bắc Cực và Bắc Đại Tây Dương đều gia tăng rất nhanh, tạo thành mối uy hiếp ngày càng lớn đối với Mỹ. Điều này đã thôi thúc Mỹ phải tái lập Hạm đội 2 để kiềm chế việc Nga phục hưng sức mạnh quân sự. Ngày 4/5/2018, Bộ trưởng tác chiến Hải quân Richardson tuyên bố sẽ thành lập lại Hạm đội 2 để ứng phó với tình hình căng thẳng ngày một gia tăng giữa Nga và NATO. Tuy nhiên, điều giới quan sát quốc tế dễ dàng nhận ra là, lần này sau khi “sống lại”, khu vực tác chiến của Hạm đội 2 đã mở rộng hơn nhiều so với thời kỳ chiến tranh Lạnh: phạm vi quản hạt của nó đã đến tận biển Barents, hải quân Mỹ đã khai triển phạm vi thế lực đến tận cửa ngõ nước Nga.

Tuy Hạm đội 2 đã được tái lập, nhưng cho đến nay quân đội Mỹ vẫn chưa công bố các chi tiết về tổ chức hạm đội cũng như số lượng tàu cùng biên chế, quân số. Hiện nó mới có cơ quan Bộ Tư lệnh với 256 người, gồm 85 sĩ quan, 164 binh sĩ và 7 thường dân.

Huy hiệu mới của Hạm đội 2 với mũi Đinh ba chĩa vào Bắc cực và biển Barents
Huy hiệu mới của Hạm đội 2 với mũi Đinh ba chĩa vào Bắc cực và biển Barents

Đô đốc về hưu Gary Roughead, cựu Bộ trưởng tác chiến Hải quân khi trả lời phỏng vấn của báo chí đã nói: “Việc tái lập Hạm đội 2 sẽ giúp sự hợp tác giữa Mỹ với các nước đồng minh càng chặt chẽ và hiệu quả hơn. Họ sẽ chuẩn bị tốt sự đối phó với mối đe dọa tiềm tại của người Nga”.

Cựu Đô đốc Gary Roughead, người hiện là nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Hoover (The Hoover Institution on War, Revolution, and Peace) đặt tại Đại học Stanford, nói: “Tôi cho rằng việc tái lập Hạm đội 2 là việc vô cùng sáng suốt”.

Trong Báo cáo về chiến lược quốc phòng mới của quân đội Mỹ công bố hồi tháng 1 năm nay đã coi đối phó với sự cạnh tranh chiến lược lâu dài với Nga và Trung Quốc là nhiệm vụ hàng đầu của quân đội Mỹ. Sau đó, quân đội Mỹ đã áp dụng hàng loạt biện pháp để dần dần thực hiện chiến lược quốc phòng  mới đó. Sau 7 năm, việc Mỹ tái thành lập lại Hạm đội 2 chính là một bước quan trọng của chiến lược này.

Tàu ngầm Nga bị hải quân Mỹ coi là lực lượng cạnh tranh dưới nước chủ yếu của họ
Tàu ngầm Nga bị hải quân Mỹ coi là lực lượng cạnh tranh dưới nước chủ yếu của họ

Trước việc Mỹ thành lập lại Hạm đội 2, ông Alexei Saprakov, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và an ninh Liên bang Nga đã phát biểu, cho rằng: “việc Mỹ tái lập Hạm đội 2 đã đe dọa các cơ sở thông tin của hải quân Nga ở miền Bắc; vì vậy Nga sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng để đảm bảo cho an ninh của khu vực Bắc Cực”.