Khởi động đàm phán thương mại
Trong hội đàm, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhất trí tiếp tục tăng cường thương mại và đầu tư song phương, đồng ý triển khai đối thoại, đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do, công bằng và cùng có lợi - đây là cơ chế cuộc đàm phán thương mại cấp Bộ trưởng. Nếu đạt được thỏa thuận mới, Mỹ cam kết sẽ miễn thuế cho hàng thép, nhôm của Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản thuyết phục ông Donald Trump quay trở lại với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, nay đổi tên là CPTPP), nhưng ông Donald Trump đặt điều kiện phải đàm phán lại để TPP có lợi hơn cho Mỹ. Ông Donald Trump còn khẳng định thêm là ông thích các thỏa thuận thương mại tự do song phương hơn.
Theo đánh giá của chuyên gia Vương Hạo, Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Đại học Phục Đán, Trung Quốc, Mỹ thực ra cũng có ý quay trở lại TPP với một số mục đích như giảm sức ép khi xảy ra va chạm thương mại với Trung Quốc. Nếu quay lại TPP thì ông Donald Trump sẽ có thêm “quân bài mạnh” để tiến hành “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, đáp ứng lợi ích kinh tế của nhóm cử tri cốt lõi.
Trong tương lai, Nhật Bản sẽ tiếp tục tận dụng các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ để thuyết phục Mỹ quay lại với TPP, tạo ra một bộ khung thương mại tự do tiêu chuẩn cao cho các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà không có Trung Quốc. Điều này thống nhất với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ và đồng minh hiện nay.
Mở rộng mua bán vũ khí
Tại bữa ăn làm việc với Thủ tướng Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói về Nhật Bản, cho biết: “Tôi biết họ (Nhật Bản) muốn đặt mua rất nhiều máy bay”, trị giá vài chục tỷ USD. Đơn đặt hàng sẽ gồm có máy bay chiến đấu và các máy bay khác. Điều này sẽ có lợi cho cân bằng thương mại.
Ngày 18/4, sau cuộc hội đàm với ông Shinzo Abe, ông Donald Trump còn nhấn mạnh “Mỹ ủng hộ các nỗ lực tăng cường năng lực phòng vệ của Nhật Bản”, đồng thời cho biết Mỹ có kế hoạch đơn giản hóa thủ tục bán vũ khí cho Nhật Bản và các nước đồng minh khác, từ đó việc làm thủ tục sẽ rút ngắn từ vài năm xuống còn vài ngày. Điều này giúp cho các đồng minh của Mỹ có được vũ khí rất nhanh chóng.
Trang web của Nhà Trắng Mỹ ngày 19/4 đã công bố phương án mới “chính sách chuyển nhượng vũ khí thông thường của Mỹ”. Peter Navarro, Giám đốc Hội đồng thương mại quốc gia Mỹ cho biết Mỹ đơn giản hóa quy định xuất khẩu vũ khí thông thường để giảm mức độ lệ thuộc của các nước đối tác vào vũ khí Trung Quốc và Nga.
Mỹ là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới, năm tài khóa 2017 có tổng mức bán vũ khí là 41,93 tỷ USD, tăng 25%. Nga đứng thứ hai với trên 15 tỷ USD. Từ khi lên cầm quyền đến nay, ông Donald Trump đã chào bán được nhiều vũ khí của Mỹ.
Mặc dù Tổng thống Donald Trump thúc đẩy cân bằng thương mại với Nhật Bản, nhưng trên thực tế, các hợp đồng vũ khí đã đại diện cho quan hệ đồng minh chặt chẽ Mỹ - Nhật, có lợi cho Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự, tiếp tục gây khó khăn cho Trung Quốc trong việc ứng phó với Nhật Bản ở khu vực biển Hoa Đông.
Cùng phòng thủ đảo Senkaku
Ngoài mua bán vũ khí, tối ngày 18/4, Nhà Trắng Mỹ cho biết cùng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tái khẳng định đảo Senkaku được áp dụng cho Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ - Nhật.
Mỹ tiếp tục cam kết quân đội Mỹ sẽ làm nghĩa vụ phòng vệ toàn diện cho Nhật Bản. Tổng thống Donald Trump cũng tái khẳng định, Mỹ cam kết cung cấp các vũ khí trong đó có hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và tiếp tục cung cấp trang bị phòng vệ để đảm bảo sự sẵn sàng và hiệu suất về trang bị của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Ngoài ra, ông Donald Trump hoan nghênh Nhật Bản tiếp tục nỗ lực mở rộng vai trò trong đồng minh Mỹ - Nhật, tăng cường năng lực của mình. Ông Donald Trump và ông Shinzo Abe còn tái khẳng định cam kết điều chỉnh kế hoạch song phương để giảm mức độ ảnh hưởng của quân đồn trú Mỹ đối với khu dân cư tại các địa phương của Nhật Bản, đồng thời giúp cho Nhật Bản có thể duy trì khả năng tác chiến và răn đe.
Yêu cầu không quân sự hóa Biển Đông
Theo hãng tin CNA Đài Loan ngày 18/4, ông Donald Trump và ông Shinzo Abe nhấn mạnh, cần tuần thủ cam kết bảo vệ hoạt động thương mại hợp pháp trên biển không bị cản trở, tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm tự do hàng hải và hàng không cùng các hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác.
Hai bên cho rằng Trung Quốc và các nước liên quan khác cần quản lý và giải quyết hòa bình tranh chấp dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, đồng thời tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý như trọng tài, cần sử dụng những nguyên tắc này trong Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) do Trung Quốc và ASEAN đang đàm phán. Hành vi ngoại giao này không phải là hành vi quân sự hóa các đảo, đá ngầm, bảo đảm cho Biển Đông có được hòa bình và mở cửa.
Những tuyên bố của hai bên cho thấy Mỹ và Nhật Bản tiếp tục lo ngại các hành động “quân sự hóa” của Trung Quốc ở Biển Đông và sẽ tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trong thời gian tới.
Cứng rắn với Triều Tiên
Báo chí Trung Quốc cho rằng những hoạt động tiếp xúc, đối thoại liên tiếp giữa Triều Tiên với Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ gần đây đã gây áp lực cho Nhật Bản. Nhật Bản lo ngại bị cho “ra rìa” trong vấn đề Triều Tiên, nên vấn đề Triều Tiên được coi là một vấn đề rất quan trọng được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tập trung đưa ra trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Mỹ lần này.
Theo các nguồn tin, ông Shinzo Abe đã đề nghị Mỹ đưa vấn đề Triều Tiên bắt cóc con tin và các loại tên lửa đạn đạo có thể tấn công Nhật Bản của Triều Tiên vào hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên sắp tới. Ông Donald Trump đã đồng ý với các quan điểm và đề nghị của ông Shinzo Abe trong vấn đề Triều Tiên.
Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 5 hoặc chậm nhất là đầu tháng 6/2018. Phía Mỹ thông báo đang sắp xếp chi tiết cho hội nghị lịch sử này, có 5 địa điểm tổ chức đang được cân nhắc lựa chọn, nhưng không bao gồm Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump còn thông báo, đầu tháng 4/2018, Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm bí mật đến Triều Tiên thành công, khi đó ông Mike Pompeo đã có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ngoài ra, lãnh đạo hai đồng minh này còn nhất trí sẽ tiếp tục gây áp lực tối đa lên Triều Tiên cho đến khi Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa theo cách “hoàn toàn, có thể xác nhận và không thể đảo ngược”.
Phía Mỹ nhấn mạnh rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không phải lo lắng gì, vì Tổng thống Donald Trump sẽ không nhượng bộ Triều Tiên. Bản thân ông Donald Trump cũng tuyên bố rằng nếu cảm thấy không đạt được kết quả gì trong hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sắp tới thì ông Donald Trump sẽ không tham dự hội nghị này.