Mới đây, Reuters đã đưa tin Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đang thảo luận về một giải pháp thay thế cho sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán về tăng cường hợp tác giữa 4 nền dân chủ, còn được gọi là “Bộ Tứ” hay Đối thoại an ninh 4 bên, chỉ mới được khôi phục vào tháng 11/2017. Trong bối cảnh thiếu vắng một tuyên bố chung, các tuyên bố riêng rẽ được 4 nước đưa ra sau cuộc họp đầu tiên đều đồng ý rằng 4 quốc gia chia sẻ những tầm nhìn và lợi ích giống nhau để đảm bảo cho một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Lần đầu tiên Bộ Tứ tập hợp là để ứng phó với thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004, khi đó hải quân 4 nước đã hợp tác thực hiện các hoạt động cứu trợ. Được ông Shinzo Abe khởi xướng trong lần đầu tiên ông giữ chức Thủ tướng Nhật Bản. Bộ Tứ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất, cũng như tham gia một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn ở Vịnh Bengal hồi tháng 9/2007. Tuy nhiên, Bộ Tứ đã sớm sụp đổ khi chính phủ Úc của Kevin Rudd rút lui do sức ép từ phía Trung Quốc.
Đã có nhiều suy đoán về Bộ Tứ mới hồi sinh là gì và những gì nhóm dự định đạt được.
Cũng như trước đây, Bắc Kinh cho rằng hình thành nhóm Bộ Tứ là một phần trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc và điều này đã ngay lập tức làm dấy lên lo ngại từ Bắc Kinh. Các học giả Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh nên cảnh giác với một liên minh an ninh có thể định hình lại cảnh quan địa chính trị khu vực.
Mặc dù các tuyên bố đều cẩn thận tránh không nhắc đến tên Trung Quốc, sự hồi sinh của Bộ Tứ chắc chắn được thúc đẩy bởi mối lo ngại ngày càng lớn trước sự quyết đoán và tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc đang xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở các vùng có tranh chấp trên Biển Đông để củng cố cho các tuyên bố bất chấp luật pháp quốc tế của họ, đồng thời bác bỏ phán quyết ủng hộ Philippines của tòa án quốc tế ở Hague mà không chịu bất kỳ hậu quả thực sự nào. Đáng lo ngại là có vẻ Trung Quốc cũng không ngại sử dụng đòn bẩy kinh tế để thực hiện các mục đích chính trị.
Tuy nhiên, Bộ Tứ 2.0 không phải là bước đi đầu tiên để tiến tới hình thành một "NATO châu Á". Mặc dù cả Nhật Bản và Úc đều là đồng minh của Mỹ, song 2 nước này vẫn chưa tỏ ra sẵn lòng thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ (FONOPs) ở khu vực 12 hải lý quanh các đảo tranh chấp.
Bên cạnh đó, mặc dù ông Abe đã thành công trong việc thúc đẩy thông qua một dự luật vào năm 2015 để diễn giải lại Điều 9 bản Hiến pháp hòa bình của Nhật và cho phép nước này có quyền phòng vệ tập thể, ông vẫn phải đối mặt với những hạn chế pháp lý đáng kể về những việc quân đội Nhật được phép thực hiện để hỗ trợ đồng minh, cùng với những lời phản đối và chỉ trích công khai rộng rãi.
Vì vậy, thật khó để tưởng tượng rằng Nhật Bản có thể giúp Ấn Độ bảo vệ vùng biên giới tranh chấp với Trung Quốc, và Ấn Độ sẽ làm gì đó ở biển Hoa Đông để hỗ trợ Nhật Bản. Cũng không chắc là Úc sẽ cam kết với một liên minh có thể kéo nước này vào các cuộc xung đột ở những nơi xa cách về mặt địa lý và đem đến rủi ro cho quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc.
Nhóm bốn bên có thể sẽ vẫn là một quan hệ đối tác lỏng lẻo và linh hoạt, liên quan đến việc hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực hải quân, như các cuộc tập trận chung, chia sẻ thông tin và hội ý. Về mặt hành chính, việc thống nhất một loạt thỏa thuận ba bên hiện có giữa các thành viên Bộ Tứ có lẽ có hiệu quả hơn, nhưng sẽ không bao giờ đạt đến tầm một liên minh quân sự được thể chế hóa như NATO. Thay vì đối đầu với Trung Quốc, Bộ Tứ hoạt động như một tín hiệu ngoại giao của tình đoàn kết và là lời cảnh báo chống lại bất kỳ thách thức nào đặt ra cho tình hình hiện tại. Hơn nữa, ý tưởng về giải pháp thay thế "Vành đai và Con đường" cho thấy sự ưu tiên của các thành viên dành cho chiến lược phòng vệ mềm.
Bộ Tứ 2.0 không cần chịu chung số phận như Bộ Tứ 1.0 nếu có thể vượt ra khỏi những lời tuyên bố và tái khẳng định các nguyên tắc. Mặc dù không cần phải thể chế hóa, nhưng Bộ Tứ 2.0 nên làm việc theo một lộ trình với các mục tiêu có thể thực hiện được và cho thấy các kết quả hữu hình, ví dụ bằng cách tăng cường hợp tác trong chống khủng bố, an ninh mạng và giảm nhẹ thiên tai.
Bốn nước phải xác định mục tiêu của Bộ Tứ và nêu rõ những gì có thể làm thêm mà hiện vẫn chưa đạt được thông qua các hiệp định song phương và 3 bên. Hiện giờ, các cuộc đối thoại 3 bên Mỹ-Nhật Bản-Úc, Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ và Ấn Độ-Nhật Bản-Úc đã tiến triển hơn nhiều so với 10 năm trước.
Đồng thời, Bộ Tứ tan rã trong lần đầu tiên khi Úc rút lui, điều này được cho là đã khiến Ấn Độ hoài nghi về việc tham gia vào Bộ Tứ 2.0. Trong khi Úc đã tỏ thái độ quan tâm đến việc tham gia cuộc tập trận Malabar cùng với Mỹ và Nhật Bản, vẫn còn phải xem liệu Ấn Độ có chấp nhận lời đề nghị tham gia cuộc tập trận năm nay của Úc không. Học hỏi từ những thất bại trong quá khứ, Bộ Tứ sẽ trở nên mạnh hơn nếu Úc và Ấn Độ cố gắng củng cố quan hệ sâu sắc hơn để gia tăng sự tin tưởng.
Đề ra chương trình nghị sự rõ ràng và duy trì mức độ minh bạch có thể giúp xua tan những nghi ngờ của Trung Quốc, nếu Bộ Tứ muốn tránh bị xem là kết liên minh để chống Trung Quốc.
Nhật Bản và Úc đều phụ thuộc vào Trung Quốc khoảng 22% thương mại cả nước và sẽ tránh không để nền kinh tế rơi vào nguy hiểm. Ấn Độ, sau khi trải qua khủng hoảng căng thẳng kéo dài 73 ngày với Trung Quốc trên dãy Himalaya vào năm 2017, sẽ không muốn khủng hoảng tái diễn, cũng như cạnh tranh gay gắt ở Ấn Độ Dương, khu vực mà Ấn Độ xem là thuộc phạm vi ảnh hưởng của nước này. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với 1,18 nghìn tỷ USD vào năm 2017. Hơn nữa, Mỹ đang bận tâm với các vấn đề trong nước và có thể sẽ chú ý đến đối nội hơn, nên hiện giờ gần như không phải là thời điểm hoàn hảo để Mỹ thách đấu với Trung Quốc.
Đồng thời, Bộ Tứ sẽ nhớ rằng việc thích nghi với sự nhạy cảm của Trung Quốc trong quá khứ có lẽ chỉ làm dịu đi chút ít những khẳng định của Trung Quốc trong khu vực, hoặc làm tăng sự nhạy cảm của Trung Quốc với các mối quan tâm an ninh của các nước láng giềng. Do đó, Bộ Tứ có thể theo đuổi các chính sách giúp tránh được sự phụ thuộc quá mức vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đặc biệt là khi Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng đòn bẩy kinh tế để đạt được các mục đích chính trị.
Nhìn chung, sự tồn tại lâu dài của Bộ Tứ 2.0 sẽ phụ thuộc vào việc 4 nước thành viên giữ vững lập trường trước sức ép từ Trung Quốc, cũng như những cú đẩy lùi về chính trị hoặc kinh tế có thể xảy ra đến mức độ nào.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu