National Interest cho rằng Mỹ có các công cụ thích hợp để đối phó với các khu vực chống tiếp cận A2/AD của Nga ở châu Âu, nhưng Mỹ lại không đủ năng lực để đối phó với những pháo đài mới của Mátxcơva. Hơn nữa, quân đội Mỹ đã quá phụ thuộc vào không quân khi xử lý các mối đe dọa đang trỗi dậy này.
“Chúng ta có công cụ, nhưng chúng ta không có đủ số lượng những công cụ này”, tướng Philip Breedlove, cựu chỉ huy Tư lệnh châu Âu trả lời CSIS. “Giờ đây, chúng ta gần như hoàn toàn phụ thuộc vào không quân và các thiết bị không quân để tấn công các khu vực chống tiếp cận".
Nhưng chỉ riêng không lực thì có thể sẽ không đủ. Ông Breedlove cho rằng lục quân Mỹ cũng nên đóng vai trò trong việc đối phó với mối đe dọa chống tiếp cận của Nga. “Chúng ta cần khả năng tấn công chính xác tầm xa từ mặt đất. Chúng ta cần lực lượng dày, giống như mạng lưới A2/AD dày đặc mà chúng ta phải đối mặt".
Tuy nhiên, ông Breedlove không bàn luận gì về việc liệu khả năng trên bộ mà ông tìm kiếm có phù hợp với Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) hay không. Hiệp ước này cấm các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500-5.500km. Do đó có thể ông Breedlove đã gợi ý loại vũ khí nằm trong giới hạn của hiệp ước này, tương tự như tên lửa Iskander-M của Nga.
Ông Breedlove cũng gợi ý NATO nên kiểm tra khả năng thiết lập các khu vực chống tiếp cận mang tính tấn công. Ông coi các khu vực chống tiếp cận của Nga về bản chất là mang tính tấn công và cho rằng Mỹ nên đáp trả lại tương tự. “Liệu chúng ta có tạo ra khu vực chống tiếp cận riêng hay không? Đây sẽ là một quyết định hệ trọng", ông Breedlove đặt câu hỏi.
Bà Evelyn Farkas, người mới đây từng là trợ lý phó của Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách Nga, Ukraine và Á-Âu cho biết, cho dù Mátxcơva hiện đang hiện đại hóa quân đội thì so với Mỹ, khoản tiền đầu tư 700 tỷ USD trong vòng 10 năm có vẻ vẫn tương đối ít. Tuy nhiên Nga tiêu tiền một cách hết sức chiến lược.
“Họ không hiện đại hóa toàn bộ quân đội mà thực hiện một cách hết sức khôn ngoan, và do đó họ đang tằng cường khả năng trong một số khu vực truyền thống quan trọng nhất định gồm tên lửa hành trình, các hệ thống phòng không. Điều này gây ra một rắc rối không nhỏ với chúng ta (Mỹ)”, bà Farkas quan ngại.
Bà Lisa Sawyer Samp, thành viên cao cấp của Chương trình An ninh Quốc tế của CSIS, nhận định rằng khoảng cách về khả năng giữa Mỹ và Nga là có thật, nhưng nó tập trung ở khu vực Trung và Đông Âu. Mátxcơva hiện nay không thể cạnh tranh với Mỹ ở mọi khu vực như Liên Xô trước đây. “Nga không thể vượt mặt Mỹ trên mọi mặt trận trên toàn cầu. Tuy nhiên, Nga sở hữu năng lực tân tiến, có thể thách thức Mỹ và các đồng minh ở khu vực", bà Lisa khẳng định.
Bà Samp cho rằng có ba lĩnh vực chính mà Nga đã hoặc đang bắt đầu giành được lợi thế. Một là lĩnh vực chống tiếp cận, thứ hai là chiến tranh sử dụng vũ khí kết hợp và thứ ba là tác chiến điện tử và không gian mạng. "Những khả năng này sẽ phải được tính toán trong các ưu tiên mua sắm và lên kế hoạch của Quân đội Mỹ trong tương lai”.
Trong khi các quan chức Mỹ và châu Âu đã lên tiếng báo động về lực lượng hạt nhân của Nga, bà Farkas cho rằng bà không tin học thuyết “leo thang để ngừng leo thang” của Nga tập trung vào việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật. “Thực sự không phải như vậy, nó khiến kẻ thù không thể can thiệp vào hoạt động quân sự mà chính phủ Nga muốn thực hiện. Do đó Nga có thể sử dụng các công cụ không gian mạng, vũ trụ hoặc làm bất kỳ điều gì để có thể đẩy tình hình leo thang đến mức mà Mỹ và các đồng minh châu Âu phải thốt lên rằng: Ồ, chúng ta phải tránh xa ra thôi".
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu