Trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục trở nên tồi tệ sau sự kiện ngày 18/6/2017 liên quân do Mỹ chỉ huy bắn rơi máy bay chiến đấu Su-22 của Syria đang thực thi nhiệm vụ chống khủng bố, Washington áp đặt thêm các biện pháp cấm vận mới nhằm vào Matxcơva, theo đó 38 cá nhân và các tổ chức của Nga bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt mà theo Washington là do Nga không hoàn thành trách nhiệm trong việc thực thi Thỏa thuận Minsk-2 nhằm hóa giải cuộc xung đột tại Ukraine.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến công du đến châu Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng tuyên bố sẽ tiếp tục cùng với Liên minh châu Âu gây sức ép buộc Nga tuân thủ nghiêm các nội dung trong Thỏa thuận Minsk-2. Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết, các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì cho tới khi nào Nga rút khỏi miền đông Ukraine và đáp ứng các yêu cầu trong Thỏa thuận Minsk-2.
Nga có trách nhiệm gì trong việc Thực thi Thỏa thuận Minsk-2?
Phản ứng trước các biện pháp cấm vận mới của Washington nhằm vào Matxcơva liên quan tới Thỏa thuận Minsk-2, phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc hội đàm với Bộ trưởng ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Dreen, Bộ trưởng ngoại giao Nga Xergey Lavrov nhận định, người Mỹ và châu Âu trước khi đưa ra quyết định cấm vận Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine thì nên đọc kỹ nội dung Thỏa thuận Minsk-2 bởi trong đó đã ghi rất rõ ai cần phải làm gì và làm như thế nào, theo trình tự ra sao. Lẽ ra, bên cần phải chịu trừng phạt là chính quyền Ukraine bởi họ chịu trách nghiệm chủ yếu và quan trọng nhất nhưng đã không thực hiện những điều khoản then chốt trong Thỏa thuận Minsk-2 [1].
Tổng thể các biện pháp thực thi Thỏa thuận Minsk-2 ký ngày 12/2/2015 có chữ ký của Đại diện Ủy ban hợp tác và an ninh châu Âu (OSCE) Heidi Tagliavini, Cựu Tổng thống Ucraina L.Kuchma đại diện cho chính quyền Kiev, Đại sứ Nga ở Ukraine M.Zurabov, Đại diện của Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donhesk (DPR) A.Zakharchenko và Đại diện của Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR) I.Plotniskij, bao gồm 13 điểm, trong đó có 3 điểm then chốt sau:
(1) Chính quyền Ukraine tiến hành cải cách Hiến pháp Ucraina để đến hạn cuối năm 2015 một bản Hiến pháp mới được thông qua và có hiệu lực, trong đó phân quyền rõ ràng cho hai tỉnh Donhesk và Lugansk và thông qua đạo luật về Qui chế đặc biệt dành cho các khu vực nhất định thuộc hai tỉnh này.
(2) Trên cơ sở Đạo luật Ukraine “Về qui định tạm thời tự quản địa phương tại một số khu vực nhất định của các tỉnh Donhesk và Lugansk”, các vấn đề liên quan tới bầu cử địa phương sẽ được thảo luận và thống nhất với các đại diện khu vực nhất định thuộc hai tỉnh Donhesk và Lugansk trong khuôn khổ Nhóm tiếp xúc về Ucraina gồm đại diện của OSCE, Nga, Ukraine và DPR và LPR.
(3) Trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký Thỏa thuận Minsk-2, Quốc hội Ukraine sẽ thông qua Nghị quyết về lãnh thổ, theo đó áp dụng quy chế đặc biệt phù hợp với Đạo luật Ucraina “Về qui định tạm thời tự quảnđịa phương tại một số khu vực nhất định của các tỉnh Donhesk và Lugansk” [2].
Ý nghĩa của Thỏa thuận Minsk-2
Thỏa thuận Minsk-2 có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm cho tiến trình hòa bình hỏa giải cuộc khủng hoảng Ukraine.
Một là, các bên khẳng định tôn trọng đầy đủ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Trên cơ sở nội dung này, Nga đã đệ trình Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc dự thảo Nghị quyết về tình hình Ukraine và ngày 17/02/2015 đã được Hội đồng thông qua Nghị quyết ủng hộ các biện pháp thực thi Thỏa thuận Minsk-2, trong đó ghi nhận “tôn trọng đầy đủ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Nghị quyết này đã hoàn toàn bác bỏ mọi luận điệu của Mỹ và các nước phương Tây và Chính quyền Kiev về cái gọi là “Nga xâm lược Ukraine” bởi chính Matxcơva chứ không phải ai khác luôn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và chủ trương đó đã được Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc ghi nhận thành nghị quyết.
Hai là, các bên bày tỏ sự tin tưởng chắc chắn rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua các giải pháp hòa bình. Nội dung này cũng được Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc ngày 17/02/2015 ghi nhận thông qua việc ủng hộ “Tổng thể các biện pháp thực thi Thỏa thuận Minsk-2”. Tuyên bố này vừa khẳng định Nga không có ý đồ “xâm lược Ukraine”, vừa bác bỏ mọi khả năng của Mỹ tiếp tục viện trợ vũ khí nóng cho quân đội Ukraine và ngăn chặn cuộc nội chiến ở quốc gia này leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện như Tổng thống Pháp F.Hollande đã từng cảnh báo.
Ba là, thể hiện quan điểm sẽ cam kết xây dựng không gian kinh tế và nhân đạo chung từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương trên cơ sở tôn trọng đầy đủ luật quốc tế và các nguyên tắc của OSCE. Nội dung này mở ra triển vọng cải thiện quan hệ EU-Nga hướng tới xây dựng không gian kinh tế thống nhất trên lục địa Á-Âu trên cơ sở liên kết Liên minh kinh tế Á-Âu với Liên minh châu Âu (EU) vì sự phát triển ổn định và thịnh vượng của Nga và các quốc gia châu Âu.
Bốn là, Điều 1 trong tổng thể các biện pháp thực thi Thỏa thuận Minsk-2 yêu cầu ngừng bắn toàn diện và ngay lập tức tại các khu vực nhất định thuộc các tỉnh Donhesk và Lugansk của Ukraine; thực thi nghiêm túc lệnh này vào 00h00 (giờ Kiev) ngày 15/02/2015, tạo điều kiện để tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine như đã được khẳng định trong Tuyên bố chung của Bộ tứ Normandi.
Năm là, mặc dù trong Tổng thể các biện pháp thực thi Thỏa thuận Minsk-2 không có bất cứ câu chữ nào nói về yêu cầu “liên bang hóa Ukraine” hay trao quyền độc lập cho Donhesk và Lugansk nhưng Điều 4 đã quy định rất rõ “hai bên sẽ bắt đầu đối thoại về phương thức tiến hành các cuộc bầu cử địa phương phù hợp với Luật Ukraine và Đạo luật Ukraine “Về qui định tạm thời tự quản địa phương ở các khu vực nhất định thuộc tỉnh Donhesk và Lugansk” dựa trên cơ sở ranh giới quy định trong Bản ghi nhớ Minsk ngày 19/02/2014. Chính nội dung này đã trao quyền độc lập tự trị nhiều hơn cho Donhesk và Lugansk. Quyền này còn được khẳng định tại Điều 9 của Tổng thể các biện pháp thực thi Thỏa thuận Minsk-2 nhằm sửa đổi Hiến pháp Ukraine vào cuối năm 2015.
Sáu là, Điều 10 trong tổng thể các biện pháp thực thi Thỏa thuận Minsk-2 quy định rút tất cả các đơn vị vũ trang, phương tiện quân sự nước ngoài cũng như lính đánh thuê khỏi lãnh thổ Ukraine dưới sự giám sát của OSCE và giải giáp tất cả các nhóm vũ trang bất hợp pháp. Điều này rất quan trọng đối với việc lập lại hòa bình ở Ukraine vì Tổng thống Nga V.Putin đã từng tuyên bố, ở Ukraine hiện nay đang có đội quân đánh thuê của NATO chiến đấu không vì lợi ích của Ukraine mà chỉ phục vụ các toan tính đầy tham vọng của các thế lực bên ngoài.
Triển vọng thực thi Thỏa thuận Minsk-2
Tối ngày 14/2/2014, nhà lãnh đạo DPR A.Zakharchenko ký Sắc lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ 0 giờ (giờ Kiev) ngày 15/02/2015 và chỉ thị cho Bộ Quốc phòng DPR tổ chức cùng kiểm tra thực thi lệnh ngừng bắn với phái bộ OSCE. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn phía Đông Ukraine bị phá vỡ sau nửa giờ có hiệu lực, trước hết do sự gây hấn từ phía Ukraine.
Trước những thông tin về việc lực lượng của Chính quyền Ukraine tấn công lực lượng ly khai sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nêu rõ: “Các đại diện chính thức của Ukraine và một số nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, về cơ bản đã đồng tình với quan điểm của những nhân vật cực đoan theo đường lối dân tộc chủ nghĩa trong Quốc hội Ukraine và đã bắt đầu bóp méo nội dung của Thỏa thuận Minsk-2”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga dựa trên một thực tế đáng lo ngại là, ngay sau khi Thỏa thuận Minsk-2 được công bố, nhiều chính trị gia và chỉ huy quân sự của Ukraine đã lên tiếng khẳng định rằng, không thể thực hiện các thỏa thuận vừa đạt được, trước hết liên quan đến sự thay đổi Hiến pháp Ukraine và các bên rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự. Tổng thống Ukraine Peter Poroshenco một mực khẳng định: “Ukraine đã, đang và sẽ là một nhà nước đơn nhất. Sẽ không thể có chuyện liên bang hóa”.
Thủ tướng Ukraine A.Yatsenyuk cũng nhấn mạnh: “Ở Ukraine chỉ có một ngôn ngữ duy nhất là tiếng Ukraine, không có tiếng Nga”. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine A.Klimkin tuyên bố: “Chúng ta sẽ giải phóng toàn bộ lãnh thổ Ukraine và sẽ phục hồi hoàn toàn quyền kiểm soát đối với Donhesk và Lugansk”. V.Groisman, Chủ tịch Quốc hội Ukraine nói: “Sẽ không bao giờ có chuyện liên bang hóa Ukraine, hoặc quyền tự trị độc lập cho bất cứ vùng đất nào. Cũng sẽ không có chuyện ân xá nào đối với những kẻ đứng đầu lực lượng dân quân ở Donhesk và Lugansk”.
Trong điều kiện đó, Thỏa thuận Minsk-2 đứng trước nguy cơ bị phá vỡ ngay sau khi được ký kết mà nguyên nhân sâu xa là ngay từ khi Chính quyền Kiev tuyên bố thực hiện “chiến dịch chống khủng bố” ở miền Đông, Mỹ là bên ủng hộ và tiếp tay cho chiến dịch này và đã mượn tay lực lượng đội quân đánh thuê để gây ra cuộc chiến tranh nhằm chống Nga đến người Ukraine cuối cùng. Đại diện của OSCE tham gia giám sát Thỏa thuận Minsk-2 thông báo với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng, nguy cơ xảy ra chiến tranh tại Ukraine có thể nổ ra bất kỳ lúc nào.
Khoảng lặng giữa cơn bão lớn?
Từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát, Mỹ theo đuổi chủ trương sử dụng cuộc khủng hoảng này để bao vây cấm vận Nga với toan tính sẽ khiến chính quyền của Tổng thống Nga V.Putin sụp đổ hoặc chí ít cũng khiến Nga tụt hậu không thể khôi phục lại sức mạnh như một cường quốc đang trỗi dậy. Vì thế, Mỹ đã và đang làm tất cả để tiếp tục duy trì cuộc nội chiến ở Ukraine và cáo buộc Nga “xâm lược” thông qua hoạt động cung cấp vũ khí và cố vấn quân sự cho các lực lượng đánh thuê.
Theo nhận định của chuyên gia phân tích chính trị ở Mỹ, Stephen Lendman, thành viên của Trung tâm nghiên cứu toàn cầu ở Washington, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói dối người dân Mỹ. Chính Washington đã cung cấp vũ khí cho Kiev ngay từ khi cuộc nội chiến bắt đầu chứ không phải đang cân nhắc khả năng này như ông Obama tuyên bố.
Ông Stephen Lendman cũng phê phán tuyên bố của Chính phủ Mỹ khi họ cho rằng “chỉ cung cấp vũ khí cho Ukraine với mục đích giúp Kiev tự vệ”. Theo Stephen Lendman, vũ khí hạng nặng chẳng bao giờ được sử dụng để phòng thủ, mà thay vào đó là chủ động tấn công. Điều này giải thích lý do tại sao Thỏa thuận Minsk-2 liên tục bị phá vỡ. Quân đội Ukraine đã nã pháo vào các khu dân cư. Vì thế, Washington sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev trong thời gian tới.
Tình hình Ukraine hiện nay tương đồng với tình hình nước Đức đầu những năm 1930. Hiện nay các tập đoàn tài phiệt ở Mỹ cũng đang nuôi dưỡng và ủng hộ toàn diện cho các thế lực đi theo chủ nghĩa quốc xã mới đang trỗi dậy ở Ukraine để tiến hành cuộc chiến tranh phức hợp chống lại Nga, đang đẩy châu Âu tới trước nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới mới với tham vọng duy trì trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo.
Báo Granma, Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Cuba, trong bài viết với tiêu đề “Nước Nga: chiến lược của Putin”, đã đưa ra nhận định: “Công lao lớn nhất của nước Nga hiện nay cũng như Tổng thống V.Putin là đã ngăn chặn được nguy cơ bùng nổ Thế chiến III trong điều kiện nước Nga bị bao vây, cấm vận buộc Matxcơva phải có hành động đáp trả thích đáng” [4].
Tài liệu tham khảo
[1]"Русофобская одержимость": Лавров объяснил новые санкции со стороны США. https://ria.ru/world/20170621/1496972390.html
[2]Полный текст Минских соглашений.https://ria.ru/world/20150212/1047311428.html
[3] US-NATO Delivering Arms to Ukraine. The Planning of Aggression against Russia. http://www.globalresearch.ca/us-nato-delivering-arms-to-ukraine-the-planning-of-aggression-against-russia/5419850
[3]Flashpoint in Ukraine: US Drive for Hegemony Risks WW III. Flashpoint in Ukraine. How the US Drive for Hegemony Risks World War III
[4] Главная газета Кубы подчеркнула заслугу Путина в предотвращении мировой войны. http://vz.ru/news/2015/1/24/725964.html
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu