Mỹ ‘biếu không’ bí mật tên lửa cho Nga, Trung Quốc, Triều Tiên

Một tên lửa Hellfire đã bị gửi nhầm sang Cuba. Mỹ lo ngại bí mật của tên lửa này sẽ lọt vào tay Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.
Tên lửa chống tăng có điều khiển AGM-114К Hellfire II ở dạng cắt bổ (defenseindustrydaily.com)
Tên lửa chống tăng có điều khiển AGM-114К Hellfire II ở dạng cắt bổ (defenseindustrydaily.com)

Theo tờ Wall Street Journal, năm 2014, một tên lửa AGM-114 Hellfire không lắp đầu đạn do nhà sản xuất Lockheed Martin gửi sang Tây Ban Nha tập trận đã bị chuyển nhầm sang Cuba. Từ đó, Mỹ nỗ lực vô hiệu quả nhằm lấy lại quả tên lửa và đang điều tra nguyên nhân tên lửa lọt sang Cuba.

Việc thất lạc tên lửa trùng với một thời gian rất quan trọng trong quan hệ Mỹ-Cuba. Mỹ biết việc chuyển nhầm tên lửa Hellfire vào thời điểm Bộ Ngoại giao Mỹ đang bí mật đàm phán ở La Habana nằm chấm dứt đối đầu đã kéo dài hơn nửa thế kỷ.

Trong khi đó, các điều tra viên Mỹ tìm cách xác định làm thế nào tên lửa lại lọt sang Cuba, do hoạt động gián điệp hay do một loạt sai lầm.

Các nguồn thạo tin cho hay, việc điều tra diễn ra chậm chạp vì những chứng cứ quan trọng nhất nằm ở châu Âu và sẽ mất nhiều năm nữa Washington mới có thể nhận được sự cho phép thu thập chúng. Được biết, quả tên lửa được xếp lên một xe tải thuộc công ty Air France và đưa đến sân bay Roissy-Charles-de-Gaulle, từ đó một chuyến bay của Air France chở quả tên lửa sang Cuba. Nhà sản xuất đã thông báo vụ thất lạc cho Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 6/2014.

Hellfire là tên lửa không đối đất, thường được trực thăng sử dụng. Nó được thiết kế từ mấy chục năm trước làm vũ khí chống tăng. Sau này, tên lửa được hiện đại hóa và trở thành một bộ phận quan trọng của kho vũ khí chống khủng bố. Các máy bay không người lái Mỹ đang sử dụng Hellfire trong các cuộc không kích ở Yemen và Pakistan.

Quả tên lửa hiện trong tay Cuba không có thuốc nổ, nhưng Mỹ lo ngại Cuba có thể cung cấp các công nghệ liên quan đến các sensor và hệ dẫn của Hellfire cho Trung Quốc, Triều Tiên hay Nga.

Ở Washington, người ta cho rằng, vụ chuyển nhầm tên lửa phản ánh sự lo ngại từ lâu về an toàn vận chuyển tàu biển quốc tế. “Những vụ chuyển nhầm địa chỉ diễn ra thường xuyên do quy mô các giao dịch thương mại quân sự”, một quan chức Mỹ thừa nhận. Tuy nhiên, không chuyên gia nào được hỏi nhớ được một vụ tương tự khi một quả tên lửa Mỹ bị gửi nhầm đến một quốc gia đang bị Mỹ trừng phạt.

Theo VND