Mỹ bày trận tên lửa Đông Bắc Á nhằm vào ai?

Ông Kim Moo-sun, Chủ tịch đảng Saenuri cầm quyền ở Hàn Quốc, cho rằng, Hàn Quốc đồng ý với việc triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc Hệ thống đánh chặn tên lửa giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo ông Kim không thể phản ứng một cách thụ động tới nguy cơ hạt nhân từ phía CHDCND Triều Tiên.

Vấn đề triển khai hệ thống THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc đã được thảo luận trong thời gian dài, và hầu hết các chuyên gia không nghi ngờ rằng sớm hay muộn nó sẽ được bố trí trên lãnh thổ của Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc muốn mặc cả với Mỹ về vấn đề triển khai hệ thống THAAD. Chuyên viên Georgy Toloraya, Giám đốc chương trình Triều Tiên của Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga nhận định:

 "Trước hết, Seoul mặc cả với Mỹ về vấn đề này để nhận thêm những nhượng bộ trong mọi lĩnh vực quan hệ song phương, và đồng thời để Trung Quốc thấy được rằng Hàn Quốc có thể thực thi đường lối chính trị độc lập, không lệ thuộc vào Washington. Như được biết, Bắc Kinh kiên quyết chống lại việc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa trên bán đảo Triều Tiên. Hiện nay, sau khi Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân và đang chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo, cuộc tranh luận về nội dung triển khai hệ thống THAAD ở phía Nam bán đảo Triều Tiên đã trở nên sôi nổi hơn".

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo cũng rất tích cực ủng hộ kế hoạch bố trí các tên lửa THAAD. Theo ông, với hệ thống này Hàn Quốc có thể giáng trả hiệu quả hơn mối đe dọa tên lửa từ phía Triều Tiên. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc có cả những người phản đối việc triển khai hệ thống THAAD của Mỹ. Họ lo ngại rằng, sau khi triển khai các tên lửa THAAD  trên lãnh thổ Hàn Quốc, Washington sẽ cố gắng ép buộc Seoul tham gia vào việc thành lập một hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực Đông Bắc Á. Chuyên viên Georgy Toloraya nói, hầu hết các chuyên gia cho rằng, những lập luận này là thực tế hơn so với mối đe dọa từ phía Triều Tiên:

 "Đa số chuyên gia không tin vào những lời tuyên bố dường như THAAD chỉ phục vụ mục đích bảo vệ khỏi các tên lửa củaTriều Tiên. Trên thực tế, Triều Tiên không sở hữu nhiều tên lửa. Chắc là, hệ thống của Mỹ không chỉ nhằm ngăn chặn Bắc Triều Tiên. Mặt khác, những nỗ lực của Washington nhằm tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực Đông Bắc Á bắt đầu mang lại kết quả.  Tất nhiên, kế hoạch này là không tốt đối với Trung Quốc và không phải là rất tốt đối với Nga. Xin nói ngay, các chuyên gia không bác bỏ quan điểm rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở khu vực này là một bộ phận của chiến lược toàn cầu nhằm kiềm chế Trung Quốc và phần nào chống nước Nga".

Trung Quốc đang thực thi chính sách ngày càng hung hăng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Điều đó khiến Mỹ, Nhật Bản và các nước láng giềng với Trung Quốc hết sức lo ngại. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống THAAD  trên bán đảo Triều Tiên sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, trong khi chưa có bất kỳ cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng, tình trạng này có thể khuyến khích Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình tên lửa hạt nhân của mình.

Theo Sputnik