Việc Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn bán 32 máy bay chiến đấu tàng hình F-35A cho Ba Lan được cho là sự thách thức đối với Nga. Ảnh: Đa Chiều |
Tuyên bố của DSCA nói: “Kế hoạch cung cấp vũ khí thiết bị quân sự giúp cho việc đạt được các mục tiêu chính sách ngoại giao, có lợi cho an ninh quốc gia của nước Mỹ và sẽ cải thiện an ninh cho các đồng minh NATO”.
Bản tin trên Milblogging cho biết, Ủy ban An ninh Quốc phòng Mỹ đã thông báo cho Quốc hội về vụ bán vũ khí này. Được biết, tổng giá trị thương vụ này trị giá 6,5 tỷ USD, bao gồm 32 máy bay chiến đấu F-35, 33 động cơ Pratt & Whitney F-135 và các hệ thống tác chiến điện tử liên quan, bao gồm chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, thông tin tình báo và các thiết bị liên quan khác.
DSCA cho biết, vụ bán vũ khí này sẽ giúp tăng cường sức mạnh của Không quân Ba Lan, tăng cường khả năng tự vệ không đối không và không đối đất. Đội máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-22 hiện có của Không quân Ba Lan sẽ được thay thế bằng F-35. Phía Mỹ cũng nói, việc bán vũ khí “sẽ không thay đổi cán cân quân sự cơ bản của khu vực” và “giúp đạt được mục đích của chính sách đối ngoại của Mỹ, mang lại lợi ích cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và sẽ bảo đảm an ninh cho các đồng minh trong NATO”.
Ông Donald Trump và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda bắt tay nhau tại cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng hôm 12/6/2019
|
Theo các thông tin trước đó, Mỹ đã đạt được thỏa thuận khung với Ba Lan vào ngày 12 tháng 6 năm nay. Theo đó, Mỹ sẽ gửi thêm 1.000 lính Mỹ đến Ba Lan và Ba Lan đã đồng ý chi 2 tỷ USD tài trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng khác nhau cần thiết cho việc triển khai quân đội Mỹ tại Ba Lan. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cùng ngày 12 tháng 6 đã ký tuyên bố chung tại Nhà Trắng về việc tăng cường hợp tác quốc phòng song phương.
Trong cuộc họp báo chung sau đó, ông Trump nói rằng Ba Lan đã đồng ý mua 32 máy bay chiến đấu F-35 và sẽ mua lượng khí hóa lỏng (LNG) trị giá khoảng 8 tỷ USD từ Mỹ. Ông Trump còn nói rằng Mỹ và Ba Lan cũng đã ký một hợp đồng nhằm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thì nói tại cuộc họp báo rằng Ba Lan không muốn bị đưa vào “phạm vi ảnh hưởng thế lực” của Nga; việc gia tăng sự có mặt của quân đội của Mỹ sẽ củng cố mối quan hệ của Ba Lan với các nước phương Tây.
Vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald Trump và vợ chồng Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda xem máy bay F-35A bay lượn trên bầu trời khu vực Nhà Trắng ra mắt khách Ba Lan hôm 12/6/2019. Ảnh: Đa Chiều
|
Ba Lan gia nhập NATO vào năm 1999, số quân lính Mỹ đóng tại Ba Lan hiện có khoảng 4.500 người và là lực lượng luân phiên đồn trú. Theo các nguồn tin, chính phủ Ba Lan hy vọng rằng NATO có thể tăng quân và đã mời Hoa Kỳ đóng quân vĩnh viễn ở Ba Lan. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov cho biết vào cuối tháng 4 rằng nếu Hoa Kỳ tăng thêm số lượng quân lính đồn trú tại Ba Lan, sẽ phá hoại các văn kiện cơ bản về quan hệ song phương đã ký giữa Nga và NATO, và việc tăng số lượng binh sĩ ở Mỹ sẽ không làm cho châu Âu trở nên an toàn hơn.
Trong dịp kỉ niệm 80 năm ngày xảy ra Chiến tranh thế giới thứ Hai mới đây, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đến thăm đồng minh quan trọng Ba Lan. Sau khi lên cầm quyền, ông Donald Trump đã thúc đẩy thực thi chính sách Buy American (mua sản phẩm của Mỹ) bằng việc bãi bỏ những hạn chế bán hàng, khuyến khích các quan chức chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc quảng cáo, tiếp thị cho các hãng chế tạo vũ khí Mỹ.
Hồi tháng 4/2019, Lầu Năm Góc đã thông báo với Quốc hội việc đang xem xét bán máy bay chiến đấu cho các nước thành viên NATO cùng Hy Lạp, Rumania, Tây Ban Nha và Singapore. Tuy nhiên, sau đó Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi kế hoạch bán F-35 của Mỹ vì Ankara bày tỏ ý định mua hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 của Nga.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 hiện đại của Mỹ được cung cấp cho một số nước đồng minh và đối tác của Mỹ.
|
Ngày 10 tháng 9, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn thương vụ bán F-35 này cho Ba Lan. Hiện phía Nga chưa chính thức đưa ra phản ứng gì trước thông tin về vụ mua bán này.
(Theo Đa Chiều, Sohu)