Muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCOM, Chứng khoán Beta làm ăn ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bên cạnh kế hoạch niêm yết cổ phiếu, CTCP Chứng khoán Beta còn muốn tăng vốn điều lệ lên 520 tỉ đồng để bổ sung vốn kinh doanh, cho vay giao dịch ký quỹ, đầu tư.

CTCP Chứng khoán Beta (Beta) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (AGM 2022).

Theo đó, ban lãnh đạo Beta dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua việc đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM khi công ty này đáp ứng đủ điều kiện đối với công ty đại chúng.

Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty này được giao thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký công ty đại chúng với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCOM.

Cùng với đó, Beta cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, từ 400 tỉ đồng lên mức 520 tỉ đồng.

Cụ thể, công ty chứng khoán này sẽ phát hành 10 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu và 2 triệu cổ phần chào bán riêng lẻ cho tối đa 30 nhà đầu tư.

Nguồn vốn thu về sẽ được Beta dùng để bổ sung vốn kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cho vay giao dịch ký quỹ, năng lực đầu tư.

Trong thời gian chưa sử dụng, nguồn tiền sẽ được dùng để đầu tư trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi hoặc các hình thức đầu tư khác.

Thành lập từ tháng 12/2007, Beta ban đầu có vốn điều lệ ở mức 135 tỉ đồng. Đến năm 2018, công ty này thực hiện hai đợt tăng vốn điều lệ, lần lượt lên mức 270 tỉ đồng và 300 tỉ đồng. Tới năm 2011, Beta tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 400 tỉ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2021, ông Nguyễn Văn Cựu – Chủ tịch HĐQT Beta – nắm giữ 10,8 triệu cổ phiếu, chiếm 27,07% vốn điều lệ và cũng là cổ đông lớn nhất của công ty chứng khoán này.

Bên cạnh đó, Beta còn có 5 cổ đông lớn khác, bao gồm: bà Nguyễn Thị Minh Kỳ (14,72% VĐL); bà Nguyễn Thị Minh Quang (12,96% VĐL); Ngân hàng TMCP Nam Á (11% VĐL); bà Phan Thị Yên Hà (10,53% VĐL) và ông Huỳnh Văn Thọ (7,5% VĐL).

Khoản lãi bằng lần của Beta với cổ phiếu STB

Kết quả kinh doanh của Beta có nhiều khởi sắc trong năm 2021, với doanh thu thuần ở mức 94,03 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 45 tỉ đồng, lần lượt hoàn thành 203% và 143% so với kế hoạch đề ra.

Trong đó, nổi bật là hoạt động tự doanh. Tại thời điểm cuối năm 2021, các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) của Beta có giá trị hợp lý lên tới 84 tỉ đồng, cao gần gấp đôi so với giá trị ghi sổ. Các cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn trong danh mục là DPM (giá gốc 4,4 tỉ đồng; giá trị hợp lý 7,5 tỉ đồng) và STB (giá gốc 38,2 tỉ đồng; giá trị hợp lý 76,5 tỉ đồng).

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, Beta lại lên kế hoạch kinh doanh đi lùi với mục tiêu doanh thu hoạt động ở mức 45,7 tỉ đồng, lợi nhuận kế toán trước thuế 12,9 tỉ đồng, lần lượt giảm 51,3% và 71,3% so với cùng kỳ năm trước./.