Nghề sang trọng nhưng… căng thẳng và nguy hiểm
Gặp nhau bên lề diễn đàn CEO Talk của ngành du lịch sáng 25/4 (TP.HCM), Trần Thanh Vũ – CEO của Vinagroup Travel cho biết anh thường dậy từ 4 giờ sáng mỗi ngày, luyện tập thể thao, ăn sáng và chuẩn bị cho một ngày mới miệt mài trên đường, nhiều khi trở về nhà đã quá nửa đêm.
“Đừng nhìn bề ngoài áo quần bảnh bao sang trọng, suốt ngày đi gặp gỡ khách ở các khách sạn, nhà hàng, được trải nghiệm nhiều nền văn hóa trên thế giới, thưởng thức những thứ đặc biệt như món ăn dát vàng ở Dubai, thử tiêu tiền cho ly cafe đắt giá phủ vàng mang tên “The Ultimate Gold Cappuchino”, đứng… ngắm chiếc bánh cupcake phượng hoàng Golden Phoenix gây ấn tượng mạnh về nhãn quan với lớp vàng phủ bên ngoài và mức giá siêu “khủng” 28.000 USD... chụp hình selfie dưới chân tháp Eiffel ở thủ đô Paris hay ngước nhìn tượng thần tự do trên đất Mỹ. CEO của ngành du lịch không phải chỉ là cái bề ngoài sang chảnh đó đâu” – Trần Thanh Vũ cho biết.
“Nói cả ngày, cười cả ngày mỏi miệng với khách, nhưng đến tối còn phải tổ chức hội trại lửa trại, hò hét làm phong trào, mọi người mệt rũ nhưng mình vẫn phải tràn đầy năng lượng để “truyền lửa” cho xung quanh. Nếu lúc nào cũng được như thế thì còn vui. Đằng này, khách xin visa đi Hàn Quốc, Hong Kong… quá khó khăn, nhiều lần lãnh sự quán chỉ trả visa cho mình trước khi khởi hành có 1 ngày, nên tình trạng khách không hiểu, gọi điện chửi bới la mắng tùm lum là chuyện… cơm bữa” – CEO Vinagroup tự sự.
Hơn mười năm làm du lịch, quanh năm đi công tác, Trần Thanh Vũ xuất thân từ một hướng dẫn viên du lịch từng dẫn đoàn đi mấy chục nước ở tất cả các châu lục trên thế giới. Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm không thể nào quên. Có lần đi Trung Quốc, bị vướng bão tuyết quá lớn, máy bay không cất cánh được. May mà ngoài tiếng Anh, Vũ còn sử dụng tốt tiếng Trung nên có điều kiện để làm việc với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và hãng hàng không chặt chẽ nhất để đảm bảo quyền lợi cho các thành viên trong đoàn.
Mới đây nhất, ngày 8/8/2018, Vinagroup làm được một kỳ tích nhỏ trong ngành du lịch, cởi bỏ một nút thắt khá quan trọng cho cư dân Tây Ninh. Do trước đó có một sự rắc rối mà lãnh sự quán tạm ngưng cấp visa cho cư dân sinh ở Tây Ninh.
Để đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của người dân Tây Ninh muốn đến Hong Kong du lịch, Vinagroup đã phải “đánh cược” bằng cả uy tín của mình và hơn 300 triệu đồng tiền vé máy bay đã phải trả cho 80 du khách của Agribank chi nhánh Tây Ninh sẽ bị mất nếu như đoàn không được cấp visa. Cuối cùng, tin mừng cũng tới khi visa được cấp chỉ 1 ngày trước khi khởi hành. Và kể từ ngày đó, lệnh cấm nhập cảnh Hong Kong đối với cư dân Tây Ninh đã bãi bỏ.
“Hiện nay, mỗi tháng Vinagroup có từ 30-40 đoàn đi tour nước ngoài, còn các tour trong nước, chúng tôi chỉ ưu tiên cung cấp dịch vụ cho khách đoàn, không chú trọng phát triển số lượng để đảm bảo chất lượng phục vụ tốt nhất. Đi công tác nhiều quá, sự thật là, nhiều khi máy bay cất cánh trong thời tiết xấu, nhắm mắt lại nghĩ sẽ không thể biết trước được chuyến bay có thật sự an toàn hay không? Thôi thì, đã không biết trước được tương lai thì hãy sống tốt nhất với hiện tại của mình” – Trần Thanh Vũ tâm niệm.
Thừa và thiếu của du lịch Việt
Vì sao Vinagroup chú trọng phát triển du lịch ra nước ngoài hơn hẳn du lịch trong nước? Trần Thanh Vũ lý giải: “Từng đi rất nhiều nước và biết được các nền văn hóa khác nhau, tôi rất mong đưa được càng nhiều càng tốt người Việt ra nước ngoài. Có đi mới hiểu, có trải nghiệm mới thấu. Mỗi chuyến đi đều là bài học tốt cho cả hướng dẫn viên và du khách”.
“Việt Nam mình trải dọc từ Bắc vào Nam có quá nhiều cảnh đẹp, chúng ta dư thừa tài nguyên thiên nhiên. Nhưng chúng ta đang lãng phí tài nguyên này, thậm chí ngang nhiên xâm hại nó. Và rất thiếu một sự đồng bộ giữa các ban ngành để có thể xử lý bất kỳ vấn đề gì. Chẳng hạn như có lần đi chung cáp treo với khách nước ngoài, thấy người Việt mình hồn nhiên xả rác xuống cảnh đẹp ngất ngây của Bà Nà, họ tức quá mắng xa xả. Mặc dù không phải lỗi của mình nhưng tôi vẫn nhã nhặn xin lỗi khách và nói sẽ giải thích lại cho người Việt mình hiểu. Chuyện cỏn con như thế, ở ta không có ai giải quyết. Chỉ là vì là người làm trong ngành du lịch và thấy xấu hổ nên mình không thể không xin lỗi. Người Nhật đi xem bóng đá ở sân vận động, tan trận đấu thì sân cũng sạch bong, rác của ai mang về nhà nấy tự xử lý. Đơn giản là nếu họ vi phạm thì chế tài sẽ được áp dụng ngay mức phạt hành chính khá nặng. Còn người Việt ta, cứ sau lễ hội là rác ngập đầu. Việc người giàu quanh ta để con cái mở cửa xe hơi xả rác thẳng xuống đường phố diễn ra còn ngang nhiên hơn. Đưa khách nước ngoài đến Việt Nam, không thể không cảnh báo họ về nạn cướp giật. Vì nếu xảy ra chuyện này, sẽ rất tệ hại, họ sẽ rất mất niềm tin vào Việt Nam, ảnh hưởng danh dự uy tín quốc gia. Nhưng nếu cảnh báo, họ sẽ dè chừng, có tâm lý không thích… ” – Trần Thanh Vũ tâm huyết nói.
Vinagroup Travel không sợ cạnh tranh với các "ông lớn" trong ngành, đặt mục tiêu vươn tới top 10 thương hiệu lữ hành tốt nhất TP.HCM trong 5 năm tới
|
Không sợ cạnh tranh cùng những “ông lớn” trong ngành, CEO Trần Thanh Vũ cho biết toàn đội ngũ trong công ty đã cam kết đặt ra mục tiêu cho 5 năm tới là phải vươn lên trở thành một trong mười thương hiệu tốt nhất của đơn vị lữ hành tại TP.HCM, sau đó sẽ là bước tiến tới top mười thương hiệu trên quy mô cả nước. Hiện tại, cũng khá nhiều thương hiệu lớn trong nước đã là khách hàng thân thiết của Vinagroup Travel như Eximbank, Agribank, TPBank, Sunhouse, VNPT...
“Trên trang web của công ty, chúng tôi đã công khai mục tiêu tiến tới top 10 trong phần giới thiệu, coi khát vọng đó là cam kết để cả đội ngũ cùng thực hiện. Ngoài ra, để xây dựng văn hóa công ty, chúng tôi cũng công khai đưa lên các quy tắc ứng xử nội bộ, quy tắc phải đảm bảo với đối tác, khách hàng… yêu cầu toàn thể nhân viên phải tuân thủ thực hiện và nâng cao giá trị cốt lõi của công ty” - CEO Trần Thanh Vũ nói.