Thế giới đang phải đối mặt với gánh nặng trả lãi 13 nghìn tỉ do lãi suất cao hơn (Ảnh: Getty) |
Áp lực trả lãi đè nặng
Thế giới càng vay nợ nhiều thì càng nhạy cảm hơn với các đợt nâng lãi suất. Để đánh giá về tầm ảnh hưởng của vay mượn và lãi suất cao hơn, tờ The Economist đã ước tính chi phí lãi vay của doanh nghiệp, hộ gia đình và chính phủ ở 58 nền kinh tế mới nổi và phát triển. Các nền kinh tế này chiếm tới hơn 90% GDP toàn cầu.
Trong quý 1/2021, lãi suất điều hành ở 58 nền kinh tế mà The Economist khảo sát chỉ ở mức trung bình 2,6%/năm. Đến quý 4/2022, con số này đã tăng lên tới 7,1%/năm.
Trong khi đó, tổng nợ ở các quốc gia được khảo sát đã đạt mức kỷ lục 300.000 tỉ USD - tương đương 345% GDP của 58 nền kinh tế cộng lại. Trước đại dịch Covid-19, chỉ tiêu này chỉ ở mức 255.000 tỉ USD - tương đương 320% GDP của các quốc gia được khảo sát.
Năm 2021, chi phí lãi vay của các nền kinh tế này ở mức 10.400 tỉ USD, tương đương 12% GDP cộng gộp. Đến năm 2022, con số này đã lên tới 13.000 tỉ USD, tương đương 14,5% GDP.
Theo The Economist, nếu lãi suất đi theo hướng được phản ánh trên các thị trường trái phiếu chính phủ, chi phí lãi vay của các nước có thể lên tới 17% GDP vào năm 2027.
Điều gì sẽ xảy ra nếu như thị trường đánh giá thấp về mức độ quyết liệt của các ngân hàng trung ương trong việc nâng lãi suất (?). Nó có thể khiến chi phí lãi vay lên mức tương đương với 20% GDP.
Con số này là rất lớn, nhưng không phải không có tiền lệ. Chi phí lãi vay ở Mỹ từng vượt qua con số 20% GDP trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, bùng nổ kinh tế giai đoạn cuối những năm 1990 và lạm phát tăng mạnh vào những năm 1980.
Tuy nhiên, chi phí trung bình ở mức độ quy mô như vậy sẽ che giấu đi sự khác biệt giữa các ngành nghề và quốc gia. Ví dụ, chính phủ Ghana, sẽ phải đương đầu với tỷ lệ nợ/doanh thu cao đến mức bắt buộc phải giảm sâu các khoản chi tiêu nhà nước để lấy tiền trả lãi.
Lạm phát có thể giảm bớt gánh nặng đôi chút, bằng cách thúc đẩy doanh thu thuế danh nghĩa, thu nhập hộ gia đình và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Và nợ tính theo tỷ lệ với GDP đã giảm từ mức đỉnh 355% trong năm 2021. Nhưng sự sụt giảm đó đã được bù lại bởi các đợt tăng lãi suất.
Ví dụ, ở Mỹ, lãi suất thực tính theo lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 5 năm ở mức 1,5%, so với mức trung bình 0,35% năm 2019.
Vậy ai sẽ phải chịu gánh nặng này (?).
Lãi suất cao hơn đang gây sức ép về chi phí lãi vay cho doanh nghiệp và hộ gia đình (Ảnh: iStock) |
Nguy cơ khủng hoảng nợ ở các nước nghèo
Khi xét về hộ gia đình, các nước giàu bao gồm Hà Lan, New Zealand và Thụy Điển dường như dễ chịu ảnh hưởng hơn bởi lãi suất cao. Tất cả 3 nước này đều có mức nợ cao gấp gần 2 lần so với thu nhập khả dụng của họ, và đã chứng kiến lợi suất trái phiếu chính phủ loại ngắn hạn tăng hơn 3 điểm phần trăm kể từ cuối năm 2019.
Những quốc gia có ít thời gian hơn để chuẩn bị cho các đợt nâng lãi suất có thể gặp thách thức hơn nếu so với các nước chịu gánh nặng nợ lớn hơn.
Ví dụ, tài sản thế chấp ở Hà Lan thường được áp dụng lãi suất dài hạn cố định, có nghĩa rằng các hộ gia đình ở nước này ít chịu tác động bởi diễn biến lãi suất trong ngắn hạn.
Ngược lại, ở những nước khác, các hộ gia đình thường có các khoản vay lãi suất cố định ngắn hạn hơn hoặc vay mượn với các điều khoản linh hoạt hơn.
Còn đối với doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng đang tăng đã làm tăng lợi nhuận của họ. Ở 33 trên tổng số 39 nước được nghiên cứu, tỷ lệ nợ/lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh đã giảm trong năm ngoái.
Trên thực tế, nhiều khu vực của thế giới đang có hoạt động kinh tế khỏe mạnh. Bất chấp vụ việc của tập đoàn Adani Group, Ấn Độ vẫn xếp hạng cao nhờ vào tỷ lệ nợ/thu nhập khá thấp là 2,4, và mức tăng lãi suất nhỏ.
Nghiêm trọng nhất chính là nợ chính phủ. Daleep Singh đến từ hãng quản lý tài sản PGIM, nói rằng một biến số quan trọng chính là phần bù rủi ro với nợ. Chính phủ ở các nước giàu hầu hết là thực hiện tốt biện pháp này.
Nhưng Italy, nước chứng kiến lợi suất trái phiếu tăng mạnh hơn bất cứ quốc gia nào khác ở châu Âu, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thắt chặt chính sách, họ đã ngừng mua trái phiếu quốc tế chính phủ, và sẽ bắt đầu thu hẹp bản cân đối kế toán trong tháng 3. Điều này có thể gây ra nhiều khó khăn.
Các nền kinh tế mới nổi ngày càng vay mượn nhiều hơn bằng chính đồng tiền của họ, nhưng những nước đang vật lộn với các khoản nợ bên ngoài có thể cần trợ giúp.
Argentina mới đây đạt được thỏa thuận cứu trợ, trong đó đòi hỏi những điều kiện “thắt lưng buộc bụng” đau đớn, với IMF. Quốc gia này từng vỡ nợ đối với nợ bên ngoài trong năm 2020.
Ai Cập, nước có lợi suất trái phiếu chính phủ cao hơn 4-5% so với mức tiền đại dịch, đang cố gắng theo sau Argentina.
Ghana, cũng đang gặp vấn đề tương tự, giờ đang phải thắt chặt tiền tệ để có thể đạt được thỏa thuận cứu trợ từ IMF./.
Xung đột Nga - Ukraine: Biến số khó lường của kinh tế toàn cầu năm 2023
Giới nhà giàu cũng lo suy thoái...
The Economist: Lạm phát sẽ khó giảm hơn thị trường nghĩ
Theo The Economist