Một phụ nữ ở Thái Nguyên nguy kịch vì nhờ thầy cúng "chữa bệnh"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bệnh nhân người Thái bị lở loét khắp vùng mặt, ngực, lưng và tay chân, nhưng thay vì đến bệnh viện thì gia đình lại mời thầy cúng "chữa bệnh". Hậu quả là bệnh nặng thêm và khi đến bệnh viện đã ở tình trạng "thập tử nhất sinh".

Hậu quả của việc "chữa bệnh" bằng thầy cúng

Mới đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận một phụ nữ người dân tộc Thái (ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) trong tình trạng bị bọng nước và lở loét khắp vùng mặt, ngực, lưng và tay chân.

"Gia đình cho biết, sau khi bệnh nhân phát bệnh, gia đình đã mời thầy cúng chữa cho bà vì tin lời thầy cúng nói bà bị "ma rừng" nên phải làm lễ cúng. Thầy cúng "chữa" bằng cách bắt bệnh nhân không được tắm, rồi uống thuốc lá, đắp thuốc lá liên tục để đuổi con "ma rừng", bất kể bệnh nhân đau đớn quằn quại.
Ba ngày trôi qua, bệnh vẫn không đỡ, thậm chí, bọng nước ngày một lan rộng, lở loét, mùi hôi... không ai dám lại gần. Vì thế, bệnh nhân đã được đưa đến bệnh viện.

Theo ThS.ĐD. Đào Thu Thủy - Bệnh viện Da liễu Trung ương - bệnh nhân bị Pemphigus - một loại bệnh về da gây bọng nước ở thượng bì, có thương tổn ở da và vùng niêm mạc.

"Bệnh Pemphigus thuộc nhóm bệnh bọng nước tự miễn do tự kháng thể kháng lại cầu nối liên gai gây hiện tượng ly gai ở thượng bì, không phải là căn bệnh truyền nhiễm, hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác làm khởi phát căn bệnh này" - theo ThS.ĐD. Đào Thu Thủy.

Các chuyên gia cho biết, bệnh này có thể điều trị, tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm hơn sẽ dẫn tới tử vong.

Những dấu hiệu nhận biết bệnh Pemphigus

nn-9507.png
Triệu chứng bên ngoài của bệnh Pemphigus

"Pemphigus thuộc nhóm bệnh da có bọng nước tự miễn, căn nguyên là do xuất hiện tự kháng thể IgG lưu hành trong máu, gây phá huỷ liên kết giữa các tế bào biểu mô sừng (keratinocytes) gây nên hiện tượng ly gai, hình thành phỏng nước trong lớp biểu bì da và niêm mạc" - CN.ĐD. Lê Thị Lài Tâm - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - thông tin.

Theo các bác sĩ, bệnh Pemphigus có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể với các triệu chứng chính:

- Vết loét trên các vùng da: Thường có kích thước nhỏ, màu đỏ hoặc trắng. Những vết loét này có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc thành từng nhóm, khi bị xước hay va đập sẽ để lại vết thương.

- Bọng nước: Có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể và khi bị xước sẽ để lại vết thương.

- Đau và ngứa da: Do các vết loét và bọng nước gây ra, người bệnh thường cảm thấy đau và ngứa trên da, đặc biệt là khi tiếp xúc với nước hoặc ánh nắng mặt trời.

- Sưng và đỏ da: da xung quanh các vết loét và bọng nước thường bị sưng và đỏ, tạo nên một vùng da bị viêm và khó chịu.

- Khó ăn và khó nói chuyện: nếu các vết loét xuất hiện ở miệng, người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc nuốt thức ăn và nói chuyện.

Ngoài ra, bệnh Pemphigus còn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng, chức năng thận bị suy giảm và có thể dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân gây bệnh

trieu-chung-3011.png
Tổn thương da do bệnh Pemphigus

"Bệnh Pemphigus thuộc nhóm bệnh bọng nước tự miễn do tự kháng thể kháng lại cầu nối liên gai gây hiện tượng ly gai ở thượng bì, không phải là căn bệnh truyền nhiễm, hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác làm khởi phát căn bệnh này" - theo ThS.ĐD. Đào Thu Thủy - Bệnh viện Da liễu Trung ương - chia sẻ.

Tuy nhiên, một số yếu tố có thể tác động đến bệnh lý này như:

- Các tác nhân gây kích ứng da: thuốc, hóa chất hay tia UV cũng có thể liên quan đến việc gây ra bệnh Pemphigus.

- Các bệnh lý khác: một số bệnh lý khác cũng có thể tác động đến như suy gan/thận, tiểu đường, các bệnh liên quan đến máu,...

Phương pháp điều trị bệnh Pemphigus

anti-pem-9050.png

Theo Bệnh viện Da liễu Trung ương, các phương pháp chính điều trị bệnh Pemphigus gồm:

- Thuốc kháng miễn dịch: sử dụng các loại thuốc đặc thù như corticoids, rituximab,... Những loại thuốc này có tác dụng làm giảm hệ thống hoạt động của miễn dịch, từ đó giảm sự tấn công vào các tế bào trong lớp biểu bì của da.

- Sử dụng thuốc kháng viêm: các loại này có tác dụng giảm viêm và sưng trên da, tránh các biến chứng của bệnh.

- Chăm sóc da: Đây là một khâu quan trọng trong quá trình điều trị bệnh Pemphigus. Bệnh nhân được với các bác sĩ vệ sinh da hàng ngày, tránh các tác nhân gây kích ứng da.

Ngoài ra, nếu bệnh chuyển biến nặng, bệnh nhân sẽ được sử dụng băng gạc tẩm vaselin để tránh nhiễm khuẩn và xước da.

Những lưu ý khi mắc bệnh Pemphigus

Khi phát hiện mắc phải căn bệnh này, người bệnh cần lưu ý:

- Chăm sóc, vệ sinh da đúng cách: Bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh da hàng ngày và sử dụng các sản phẩm phù hợp để làm lành các vết loét và bọng nước.

- Chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh: Bệnh nhân cần duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Trong sinh hoạt, cần hạn chế các hoạt va chạm với da làm bệnh nặng hơn. Khi da hồi phục, khuyến khích hoạt động thể dục, thể thao nhằm cải thiện thể trạng và sức đề kháng.

"Không sử dụng thuốc nam, thuốc bắc điều trị bệnh. Bệnh Pemphigus là một rối loạn tự miễn chứ không phải là căn bệnh truyền nhiễm, điều trị chính của bệnh sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch như: Corticoid, azathiprin,... Các thuốc nam, thuốc bắc thường không rõ nguồn gốc và thành phần thuốc nên điều trị sẽ không hiệu quả, ngoài ra bệnh nhân còn có thể gặp tác dụng phụ như dị ứng thuốc" - ThS.BS Nguyễn Thị Thảo Nhi - Bệnh viện Da liễu Trung ương - cảnh báo.

- Theo dõi và điều trị khi gặp các triệu chứng: Nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng nào, bệnh nhân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thăm khám. Tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, tái khám theo lịch hẹn.

Bệnh Pemphigus là bệnh mạn tính, khó chữa khỏi trong thời gian ngắn và dễ tái phát. Chính vì thế, người bệnh cần phát hiện và điều trị sớm, tránh các tổn thương ngoài da khiến bệnh tái phát nặng hơn.