Hậu quả của hiện tượng này là gây ra tình trạng lãng phí tiền, vật tư, vật liệu, nhiên liệu, công sức, trí tuệ và mất thời gian của nhiều người. Vậy, đâu là nguyên nhân và cách giải quyết của tình trạng này?
Cách đây gần một năm, đầu năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành công văn số 3689/SGDĐT-VP hướng dẫn thực hiện triển khai phần mềm “sổ liên lạc điện tử” có tên gọi tắt là PINO miễn phí.
Phần mềm PINO chạy trên môi trường mạng ra đời nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của dư luận vì giúp phụ huynh nắm được kết quả học tập, rèn luyện của học sinh chính xác, nhanh nhất. Điểm ưu việt nữa khi triển khai PINO là sẽ giúp phụ huynh tiết kiệm được tiền do phải chi cho mua tin nhắn SMS hằng tháng như trước đây. Đối với nhà trường, việc triển khai PINO sẽ tránh được hiện tượng tiêu cực như xin điểm, mua điểm...
Sổ liên lạc điện tử PINO dù được cung cấp miễn phí và rất kỳ vọng nhưng chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu
|
Tuy nhiên, sau thời gian triển khai không lâu, phần mềm ứng dụng này đã không mang lại lợi ích như kỳ vọng, vì chạy chậm và có lúc đưa ra thông tin sai lệch, khiến các giáo viên gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai sổ điểm điện tử, cũng như gây bất tiện cho người truy cập. Đến nay, sau phản ảnh của dư luận, phần mềm PINO dù đã có sửa chữa nhưng vẫn chưa cải thiện chất lượng được nhiều.
Theo một số chuyên gia về công nghệ thông tin, sở dĩ phần mềm PINO hoạt động không tốt là do vấn đề kỹ thuật viết phần mềm còn yếu. Điều muốn nói ở đây là, rõ ràng trong dự án này, cơ quan chức năng của Hà Nội dù đã thử nghiệm nhưng chưa đánh giá kỹ chất lượng, chưa chỉnh lý các thiếu khuyết mà đã mang ra áp dụng giống như để báo cáo thành tích
Như vậy, trong tương lai, chi phí nâng cấp hoặc phải viết lại phần mềm này là khó có thể tránh khỏi.
Tương tự như số phận của phần mềm PINO, nhiều phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin khác của Hà Nội và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước cũng ở trong tình trạng này. Đặc biệt, không chỉ ở lĩnh vực CNTT mà ở nhiều lĩnh vực khác, nhất là trong thực thi dự án xây dựng các công trình công cộng phúc lợi cũng nằm trong tình trạng làm đi, làm lại và làm lại mãi.
Cụ thể như vỉa hè đường phố được lát gạch vài năm đã triển khai bóc gỡ và lát lại. Nhà làm việc, trường học, bệnh viện... sử dụng chưa được bao lâu đã sửa chữa, thậm chí đập đi xây mới.
Cá biệt, chuyện những tuyến đường cao tốc nghìn tỷ vừa đưa vào sử dụng đã lún nứt, xuống cấp, gây bất bình lớn trong dư luận. Nhiều chuyên gia chua xót khi cho rằng, “làm đi, làm lại và sẽ làm lại mãi” đang là cái mốt hợp thời, hợp xu thế và trở thành thương hiệu của Việt Nam.
Vỉa hè lát đi lát lại nhiều lần nhưng chất lượng thì vẫn khó đánh giá và kiểm soát. |
Nguyên nhân xảy ra hiện tượng này có rất nhiều, nhưng sâu xa nhất vẫn là trình độ thiết kế, quản lý, giám sát thực thi công việc của đội ngũ cán bộ ở ta về mặt nào đó còn non yếu và nóng vội.
Ngoài ra, dư luận cũng không loại trừ nguyên nhân yếu kém, phải làm đi làm lại nhiều lần là do sự thông đồng có chủ định giữa chủ đầu tư với đơn vị thi công, nhằm rút tiền nhà nước để chi tiêu vào các việc khác.
Tuy thực tế nhiều bất cập, nhưng việc phát hiện xử lý những sai phạm ở ta thường rất chậm muộn, kéo dài và đã làm mất đi ý nghĩa của tính thời sự. Cơ quan chức năng chỉ phát hiện ra gian dối sau khi sự việc được thanh tra, kiểm tra hoặc do báo chí và người dân tố cáo. Thậm chí có những việc phải thanh tra, kiểm tra nhiều lần mới phát hiện ra những trò gian lận của những “bộ óc vĩ đại” câu kết với nhau để hưởng lợi riêng.
Thế nên, để không phải làm đi làm lại một công việc gây lãng phí thì rõ ràng là cần có những giải pháp quản lý căn cơ và mang tính khả thi.
Về phía thể chế, vấn đề quan trọng nhất là Nhà nước phải có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi gian dối của cán bộ. Dư luận hết sức đồng tình với việc tăng chế tài, xử phạt thật nặng những cán bộ, công chức lợi dụng cơ chế chính sách, lợi dụng vị trí công tác để tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng trong thực hiện các dự án đầu tư.
Về phía quản lý, việc lựa chọn, giao nhiệm vụ cho cán bộ thực thi công vụ dù to hay nhỏ cũng phải có sự tính toán đến mức độ hoàn thành công việc, đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra tiến độ, chất lượng qua từng phần việc. Việc này phải được tiến hành song song giữa công tác thực thi trên thực tế với việc hoàn thiện hồ sơ. Làm như vậy là để tránh tình trạng đơn vị thực thi dự án có nhiều thời gian hợp thức và hoàn thiện các thủ tục quyết toán tài chính, nhằm nâng giá, nâng khối lượng, rút khống tiền của Nhà nước.
Rõ ràng là, để triển khai công việc mà không phải làm đi làm lại nhiều lần, dễ gây lãng phí, tốn kém và bức xúc trong dư luận thì việc nâng cao chất lượng quản lý của cán bộ là rất quan trọng nếu như không muốn nói là có ý nghĩa quyết định. Thế nên, làm trong sạch cán bộ là trọng trách lớn với Đảng, Nhà nước ta hiện nay trong công cuộc đổi mới.