MoMo và cái giá phải trả cho ngôi vương ví điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chạm mốc 20 triệu người dùng sau 10 năm ra mắt, MoMo được coi là ví điện tử có nhiều người dùng nhất thị trường Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

MoMo là một trong những ví điện tử xuất hiện sớm nhất tại Việt Nam. Ra mắt kể từ năm 2010, ví điện tử được quản lý và vận hành bởi CTCP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) chỉ thực sự bùng nổ số lượng người dùng trong giai đoạn từ năm 2015 – 2020.

Nếu đầu năm 2015, lượng người dùng ví MoMo ở mức 1 triệu người dùng, thì sau 5 năm, con số này đã tăng gấp 20 lần, đạt 20 triệu tài khoản.

Đây là con số đáng nể trong bối cảnh thiết bị điện tử thông minh của người tiêu dùng ngày càng chật chội khi trên thị trường có tới 34 ví điện tử đang hoạt động. Cuộc đua thị phần vì vậy ngày càng trở nên khốc liệt, kéo theo đó là cuộc đua “đốt tiền” giữa các ví. MoMo cũng không phải là ngoại lệ.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, song song với sự tăng trưởng số lượng người dùng MoMo, doanh thu của M_Service trong giai đoạn 2016 – 2019 cũng có sự tăng trưởng đáng nể. Riêng trong năm 2019, doanh thu của M_Service đạt mức 4.233,2 tỷ đồng, cao gấp 4,7 lần năm 2016.

Tuy nhiên, M_Service trong 4 năm gần đây chưa hề có lãi, thậm chí lỗ nặng. Khoản lỗ sau thuế hàng năm cứ ngày càng sâu thêm.

Các năm 2016 và 2017, M_Service báo lỗ lần lượt là 146,8 tỷ đồng và 242,7 tỷ đồng. Khoản lỗ ngày càng tăng trong 2 năm gần đây. Cụ thể, năm 2019, doanh nghiệp này báo lỗ 853,9 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với năm trước.

Ví MoMo của ai?

Doanh thu liên tục tăng trưởng, số người dùng gia tăng chóng mặt dường như là những điểm nhấn để MoMo tiếp tục hút thêm dòng tiền ngoại.

Tháng 3/2016, M_Service công bố khoản đầu tư 28 triệu USD từ các nhà đầu tư chiến lược là Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Goldman Sachs. Ít ai biết rằng, từ trước đó, các nhà đầu tư ngoại đã nắm 20% cổ phần tại đơn vị sở hữu ví MoMo.

Sau thương vụ, M_Service tăng vốn điều lệ lên mức 78,125 tỷ đồng. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 36% vốn với sự góp mặt của: Global Long Short Partners Holdings Offshore Luxembourg S.A.R.L (4,8% VĐL), Private Opportunities (LUX) S.A.R.L (8,892% VĐL) và Standard Chartered Private Equity Singapore Pte. Ltd (20% VĐL).

Sau nhiều lần điều chỉnh, tới cuối năm 2017, quy mô vốn điều lệ của M_Service ở mức 69,46 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng được nâng lên mức 43,55%.

Tới ngày 1/11/2018, M_Service tăng vốn lên 118,36 tỷ đồng, đồng thời ghi nhận bước ngoặt đáng chú ý trong cơ cấu sở hữu.

Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài vượt lên nắm giữ 65,71% cổ phần, chiếm tỷ lệ chi phối tại đơn vị quản lý ví điện tử MoMo.

Trong đó, có 7 nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm: Valence Private Investment Limited (4% VĐL), SCPE (16,97% VĐL), Private Opportunities (LUX) S.A.R.L (11,41% VĐL), Global Long Short Partners Holdings Offshore Luxembourg S.A.R.L (4,01% VĐL), Ganymede Holdings B.V (4,73% VĐL), E-Mobile VN Investment  SIB.V (24,17% VĐL) và Jonathan Charles Eames (0,42% VĐL).

Cập nhật tới tháng 8/2020, M_Service tăng vốn điều lệ lên mức 130,629 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 66,49% vốn điều lệ. Cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật vẫn do ông Phạm Thành Đức (SN 1978) đảm nhiệm.

Có thể thấy, quy mô vốn điều lệ của MoMo trong các năm vẫn thấp hơn nhiều so với quy mô vốn chủ sở hữu cùng thời kỳ.

Thông thường, bên cạnh nguồn vốn góp, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp còn bao gồm cả các khoản thặng dư vốn cổ phần, các khoản lãi/lỗ lũy kế và các khoản trích lập quỹ khác.

Mà các khoản thặng dư vốn cổ phần thường phát sinh khi doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho cổ đông bên ngoài. Điều ấy cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang kỳ vọng lớn vào cuộc chơi ví điện tử MoMo dù chưa hẹn ngày có lãi./.