Mơ ước có mạng lưới 100 trạm refill ở TP.HCM và Hà Nội để thực hành sống xanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Người sáng lập doanh nghiệp xã hội One4One nỗ lực kêu gọi cộng đồng chung tay xây dựng mạng lưới 100 trạm refill ở TP.HCM và Hà Nội để thực hành sống xanh, bảo vệ môi trường.
Doanh nghiệp xã hội One4One mong muốn phát triển 100 trạm Refill để chung tay bảo vệ môi trường
Doanh nghiệp xã hội One4One mong muốn phát triển 100 trạm Refill để chung tay bảo vệ môi trường

Xây dựng hệ ý thức sống bền vững

“Đây là mô hình được xây dựng trên hệ ý thức bền vững, sáng tạo ra cái chúng ta muốn, nơi các bên tham gia trong chuỗi giá trị đều kết nối, tạo dựng và chia sẻ sự thịnh vượng chung, không có bóng dáng của cạnh tranh, sợ hãi, khan hiếm, chia cắt, tăng trưởng bất chấp” – Nguyễn Thị Thái Bình, người sáng lập doanh nghiệp xã hội One4One chia sẻ với VietTimes.

Đơn cử, có thể thấy thảm họa ô nhiễm rác thải nhựa đã diễn ra lâu nay. Thực tế là người Sài Gòn nhiều hôm đi làm về gặp triều cường phải “bơi” trong đống rác thải hôi thối để về nhà.

Xuất phát từ thực tế đó, người sáng lập One4One cho hay cố gắng đóng góp trong năng lực của mình, kêu gọi mọi người từ chối sử dụng nilon, nhưng sự thực rất thách thức trong việc thuyết phục những người bán hàng, hoặc nhiều khi còn bị kỳ thị.

Những nhà sản xuất có trách nhiệm sẽ tìm vật liệu thay thế nhựa, nilon, người tiêu dùng có trách nhiệm sẽ cố gắng mang theo giỏ từ chối túi nhựa.
“Mọi người đã cố gắng phân loại rác thải nhựa, nhưng chỉ một phần của chúng được các chị ve chai lựa chọn, còn lại sẽ vứt vào thùng rác hỗn tạp. Khi bán hàng, vận chuyển hàng hóa phải theo tiêu chuẩn 3 lớp bóng khí của đơn vị vận chuyển, bao bì chai lọ xả đầy ra môi trường”, Nguyễn Thị Thái Bình thở dài.

“Mình không thể tạo ra sự thay đổi triệt để khi trong một chuỗi giá trị như vậy chỉ vài yếu tố nhỏ thay đổi. Cái chúng ta cần không phải là cố gắng thay đổi từng người từng nhà, mà là một mô hình “không tạo vấn đề” và phát triển nó lớn lên từ từ. Nhựa không phải là vấn đề, nhựa là thứ chúng ta nên trân quý, cả trăm triệu năm hình thành dưới lòng đất để đổi lại trong vài thập kỉ mà gọi là rẻ, rồi bị kì thị, đổ lỗi. Vấn đề nằm ở thói quen xài một lần tiện lợi của chúng ta” – Người sáng lập One4One phân tích.

Hành trình của nhựa sẽ trở lại với thức ăn dưới dạng vi nhựa, đi vào cơ thể người
Hành trình của nhựa sẽ trở lại với thức ăn dưới dạng vi nhựa, đi vào cơ thể người

Đặt mục tiêu kêu gọi người dùng hãy cùng One4One giữ gìn 10.000 bao bì nhựa mỗi năm, bằng cách trả lại cho túi nhựa đúng chức năng được tái sử dụng để bảo vệ môi trường, vì đặc tính nhẹ và bền chắc của nó, Nguyễn Thị Thái Bình kêu gọi người dùng hãy giữ lại các túi nhựa One4One được sản xuất bằng nhựa nguyên sinh, có thể tái sử dụng nhiều lần.

“Người tiêu dùng sau khi sử dụng có thể gom 5 – 10 túi rồi gửi về bằng đường bưu điện cho One4One, hoặc liên hệ trạm refill gần nhất. Việc lưu trữ cũng gọn gàng, không chiếm không gian nhà. Túi nhựa tốt nên nếu có hư hỏng, có thể được tái chế thành nhiều sản phẩm khác sau vòng đời của nó, và lý tưởng hơn thì nó được sửa chữa để tiếp tục kéo dài tuổi thọ” - Nguyễn Thị Thái Bình nói.

Trạm refill có vượt quá mô hình thông thường?

“One4One cũng đã từng nhọc công sức tích hợp vào hệ thống phân phối bán hàng theo mô hình tối ưu tăng trưởng và chỉ lấy thất bại tràn trề, thất thoát, hư hỏng hàng hóa. Một kênh bán hàng xanh là điều cần thiết, để chuỗi giá trị xanh từ nhà sản xuất đến tiêu dùng hoạt động nhịp nhàng không tì vết” – Nguyễn Thị Thái Bình nói.

Hoạt động sản xuất và lưu thông tiêu dùng gây ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng
Hoạt động sản xuất và lưu thông tiêu dùng gây ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng

Tận dụng lợi thế địa lý để tiếp cận một cách nhanh và tiết kiệm nhất, One4One mong muốn phát triển những trạm refill ở mọi nơi, đặc biệt là hai đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM bởi nếu có cơ sở ở gần nhà để dễ dàng thu gom, mua mới đổi cũ, là phù hợp nhất cho tất cả những người hướng tới sống xanh.

Việc đăng ký trở thành trạm refill có thể thấy, gần giống với việc làm tự nguyện, khi tất cả mọi người có ý thức cùng chung tay bảo vệ môi trường, hoàn toàn không phải một việc phát sinh lợi nhuận tài chính hoặc làm tăng doanh số cho cửa hàng.

Để trả lời cho câu hỏi liệu mong muốn này có vượt quá so với mô hình kinh doanh thông thường đang diễn ra ở thì hiện tại? Người sáng lập One4One, Nguyễn Thị Thái Bình khẳng định: “Đã đến lúc một mô hình tiêu dùng mới diễn ra, hài hòa đồng điệu cùng môi sinh. Đây là mô hình từ sản xuất đến lưu thông và tiêu dùng tuần hoàn không phát thải, có như vậy, sự sống của chúng ta mới thật sự thịnh vượng cùng hành tinh. Sản phẩm được canh tác tự nhiên, sản xuất tuần hoàn sẽ được phân phối và tiêu thụ trong một mạng lưới các điểm bán “tự cân đong” hoặc “thu hồi bao bì”.

Các trạm refill của One4One có thể là một cửa hàng sẵn có, một trường mẫu giáo, hay một quán café. Hình chụp tại một trạm refill ở một trường mẫu giáo quận Tân Bình (TP.HCM)

Các trạm refill của One4One có thể là một cửa hàng sẵn có, một trường mẫu giáo, hay một quán café. Hình chụp tại một trạm refill ở một trường mẫu giáo quận Tân Bình (TP.HCM)

“Hãy nhớ lại giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành, mới chỉ một năm trước đây thôi, thời điểm đó, thậm chí còn không có đủ hàng để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Nay cuộc sống đã trở lại bình thường, từ thiếu thốn hàng hóa chúng ta đã có nền tảng tiếp cận đầy đủ để thương mại dễ dàng hơn. Nhưng không thể kéo dài “xã hội tiêu dùng” hơn được nữa, chúng ta sẽ phải đánh đổi quá nhiều sự hi sinh từ môi trường, đất mẹ nếu chỉ hướng tới doanh thu và giá trị tài chính” – Người sáng lập One4One nhấn mạnh.

Thời điểm này, ở nhiều thành phố, vùng miền đã xuất hiện nhiều hơn những nhà sản xuất xanh, người tiêu dùng cũng đã ý thức hơn và thực hành sống xanh. Tuy nhiên, những vấn nạn về sức khỏe và môi trường vẫn đang là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về xã hội tiêu dùng và vấn nạn rác thải nhựa ở các đô thị, mặt khác đây cũng chính là điều kiện sẵn sàng để có thể phát triển hệ thống mua hàng tương thích, cho một chuỗi giá trị xanh trọn vẹn từ đầu đến cuối.