Microsoft và ván cược 13 tỉ USD ở OpenAI

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khoản đầu tư dồn tích của Microsoft vào OpenAI được cho là có giá trị lên tới 13 tỉ USD. Dù gây tiếng vang và được tích hợp vào ‘hệ sinh thái’ của Microsoft, OpenAI vẫn bị nghi ngờ về khả năng sinh lời.

Microsoft lần đầu tiên đầu tư vào OpenAI vào năm 2019. Dù có giá trị lên tới 1 tỉ USD, nó ‘chìm nghỉm’ giữa hàng loạt thương vụ đầu tư mạo hiểm khác. Khi ấy, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ là một trong nhiều lĩnh vực được quan tâm, bên cạnh xe điện và công nghệ vũ trụ.

Ba năm sau, sự sôi nổi ấy không còn.

Dòng vốn khởi nghiệp đã cạn kiệt sau hàng loạt nỗi thất vọng về các doanh nghiệp chỉ biết ‘đốt tiền’ mà không có khả năng sinh lời. AI có thể được xem là ngoại lệ, cụ thể là Generative AI, đề cập đến loại công nghệ tập trung vào việc tạo ra các phản hồi văn bản, hình ảnh và âm thanh tự động. Trong bối cảnh đó, không có cái tên nào hấp dẫn hơn OpenAI.

Tháng 11/2022, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco đã giới thiệu ChatGPT, một chatbot gây sốt nhờ khả năng tạo ra các câu trả lời giống con người cho các truy vấn của người dùng về hầu hết mọi chủ đề.

Khoản đầu tư từng được giấu kín của Microsoft giờ đây trở thành chủ đề thảo luận chính, cả trong giới đầu tư mạo hiểm và giữa các cổ đông đại chúng, những người đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của nó đối với giá trị tiềm năng của cổ phiếu của họ.

Khoản đầu tư của Microsoft vào OpenAI được cho là đã lên tới con số 13 tỉ USD, trong khi định giá của công ty khởi nghiệp này là ở mức 29 tỉ USD.

OpenAI cũng tạo nên ‘cơn sốt’ có lợi cho Microsoft. Các công ty khởi nghiệp và công ty đa quốc gia, bao gồm cả Microsoft, đang gấp rút tích hợp các sản phẩm của họ với OpenAI, nghĩa là khối lượng công việc khổng lồ đang chạy trên các máy chủ đám mây của hãng.

Microsoft đã tích hợp công nghệ này vào ‘hệ sinh thái’ của hãng, như công cụ tìm kiếm Bing, phần mềm GitHub, Microsoft 365 và dịch vụ đám mây Azure.

Michael Turrin, một nhà phân tích tại Wells Fargo, cho biết tất cả có thể giúp doanh thu của Microsoft tăng thêm 30 tỉ USD mỗi năm. Trong đó, khoảng một nửa đến từ Azure.

Nhưng việc định lượng những đóng góp về mặt tài chính của OpenAI đối với Microsoft có thể phức tạp hơn nhiều.

CEO Microsoft Satya Nadella (Ảnh: Getty Images)

CEO Microsoft Satya Nadella (Ảnh: Getty Images)

OpenAI – ‘vận may’ của Microsoft?

Thành lập từ năm 2015, OpenAI ban đầu là một tổ chức phi lợi nhuận. Mô hình này thay đổi vào năm 2019, khi hai giám đốc điều hành hàng đầu của công ty đăng một bài viết trên blog thông báo về việc thành lập một thực thể ‘có giới hạn lợi nhuận’ mang tên OpenAI LP. Cơ chế này hạn chế các nhà đầu tư đầu tiên của công ty khởi nghiệp kiếm được số tiền gấp 100 lần số vốn đã đầu tư, chẳng hạn như Microsoft.

Người phát ngôn của OpenAI cho biết sau khi khoản đầu tư của Microsoft hết hạn, họ sẽ nhận được một tỷ lệ phần trăm lợi nhuận của OpenAI LP theo thỏa thuận, phần còn lại sẽ được chuyển cho tổ chức phi lợi nhuận. Người phát ngôn của Microsoft từ chối bình luận.

Đó là một mô hình xa lạ ở Thung lũng Silicon – ‘nơi’ việc tối đa hóa lợi nhuận từ lâu đã là ưu tiên hàng đầu của giới đầu tư mạo hiểm.

Nó cũng không có nhiều ý nghĩa đối với Elon Musk, một trong những nhà đầu tư ‘F1’ của OpenAI. Không ít lần Musk đã tweet những lo ngại của mình về cấu trúc độc đáo của OpenAI và tác động của nó đối với AI, đặc biệt là với mức độ sở hữu của Microsoft.

“OpenAI được tạo ra để ‘mở’ (đó là lý do tại sao tôi đặt tên nó là ‘Open’ AI), một công ty phi lợi nhuận để làm đối trọng với Google, nhưng giờ đây nó đã trở thành một công ty ‘đóng’, tối đa hóa lợi nhuận với sự kiểm soát hiệu quả bởi Microsoft. Đó không phải những gì tôi dự tính”, Musk viết trên nền tảng Twitter hồi tháng 2/2023.

Greg Brockman, nhà đồng sáng lập OpenAI, chia sẻ trên Reddit rằng, nếu OpenAI thành công, nó có thể “tạo ra các đơn đặt hàng có giá trị lớn hơn bất kỳ công ty nào trong lịch sử”. Là một nhà đầu tư lớn của OpenAI, Microsoft sẽ được hưởng lợi.

Việc dựa vào OpenAI có khả năng giúp Microsoft chiếm thế thượng phong trong lĩnh vực AI. Gã khổng lồ công nghệ đã có vài thử nghiệm được xem là ‘thất bại’, rút trợ lý Clippy khỏi Word, Cortana khỏi thanh tác vụ Windows và chatbot Tay khỏi Twitter.

Không giống như các lĩnh vực như quảng cáo hay bảo mật, Microsoft không tiết lộ quá chi tiết về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực AI, mặc dù ông Satya Nadella - CEO Microsoft - cho biết vào tháng 10/2022 rằng doanh thu từ dịch vụ Azure Machine Learning của họ đã tăng gấp đôi trong 4 quý liên tiếp.

Vào tháng 2/2023, Microsoft đã tổ chức một sự kiện tại trụ sở chính ở Redmond, Washington, để công bố các bản cập nhật mới do AI cung cấp cho công cụ tìm kiếm Bing và trình duyệt Edge. Altman là một trong những diễn giả nổi bật.

Nhưng thành công không tới dễ dàng như vậy. Chatbot Bing đã không ít lần mắc lỗi và đưa ra các câu trả lời thiều chính xác. May mắn thay cho Microsoft, Google cũng chẳng thành công với Bard AI.

‘Chìa khóa’ LLM

Sự nhiệt thành dành cho các công nghệ mới dựa trên các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có thể cảm nhận rõ trong ngành công nghệ.

Cốt lõi của bot của OpenAI là một loại LLM có tên GPT-4 được học cách soạn văn bản nghe có vẻ tự nhiên sau khi được đào tạo về các nguồn thông tin trực tuyến phong phú.

Người phát ngôn của OpenAI cho biết Microsoft có giấy phép độc quyền trên GPT-4 và tất cả các mô hình OpenAI khác.

Có rất nhiều LLM khác có sẵn. Tháng trước, Google cho biết họ đã cấp cho một số nhà phát triển quyền truy cập sớm vào LLM có tên là PaLM .

Các công ty khởi nghiệp AI21 Labs, Aleph Alpha và Cohere cung cấp LLM của riêng họ, cũng như Anthropic do Google hậu thuẫn, công ty đã chọn Google là nhà cung cấp đám mây “ưa thích” của mình.

Giống như Altman và Musk, đồng sáng lập Anthropic Dario Amodei, người trước đây là phó chủ tịch nghiên cứu của OpenAI, đã bày tỏ lo ngại về sức mạnh không thể kiểm soát của AI.

“Chúng tôi đã và đang tập trung vào việc phát triển các cấu trúc đổi mới để cung cấp các khuyến khích cho việc phát triển và triển khai an toàn các hệ thống AI và sẽ có nhiều điều để chia sẻ về vấn đề này trong tương lai”, người phát ngôn của Anthropic viết trong một email phản hồi CNBC.

OpenAI sẽ IPO?

Quinn Slack, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp tìm kiếm mã Sourcegraph, cho biết ông chưa thấy bằng chứng nào cho thấy quan hệ đối tác OpenAI đã mang lại cho Microsoft một lợi thế đáng chú ý, mặc dù ông gọi OpenAI là nhà cung cấp LLM hàng đầu.

“Tôi không nghĩ mọi người nên nhìn vào Microsoft và nói rằng họ đã kiểm soát OpenAI và OpenAI đang thực hiện theo ý muốn họ,” Slack nói. “Tôi thực sự tin rằng mọi người ở đó có động lực để xây dựng công nghệ tuyệt vời và làm cho nó được sử dụng rộng rãi nhất có thể. Họ coi Microsoft là một khách hàng tuyệt vời nhưng không phải là người đang kiểm soát. Điều đó tốt, và tôi hy vọng nó sẽ tiếp tục như vậy”.

OpenAI vẫn nhận được nhiều sự hoài nghi. Cuối tháng trước, Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo và Chính sách Kỹ thuật số phi lợi nhuận đã kêu gọi Ủy ban Thương mại Liên bang (Mỹ) ngăn OpenAI phát hành các bản phát hành thương mại mới của GPT-4, mô tả công nghệ này là “thiên vị, lừa đảo và có rủi ro đối với quyền riêng tư và an toàn công cộng”.

Bằng cách tiếp tục là nhà đầu tư và không trở thành chủ sở hữu của OpenAI, Microsoft có thể tránh được những đánh giá bất lợi từ cơ quan quản lý cạnh tranh của Mỹ.

Microsoft liệu còn 'phương án' khác (?). Theo Scott Raney, giám đốc điều hành của Redpoint Ventures, OpenAI có thể thực hiện IPO. Dữ liệu của PitchBook cho thấy, doanh thu của OpenAI có thể lên tới 200 triệu USD trong năm 2023, tăng 150% so với năm 2022. Tới năm 2024, chỉ tiêu này có thể cán mốc tỉ USD – tương đương mức tăng trưởng lên tới 400%.

Trong khi đó, người phát ngôn của OpenAI thì cho biết không có kế hoạch IPO hoặc thương vụ mua lại nào./.

Nguồn tham khảo: CNBC