Đằng sau ChatGPT (kỳ 1): OpenAI - công ty do Elon Musk hậu thuẫn đã tạo nên 'siêu AI' như thế...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – ChatGPT từng suýt bị OpenAI của Sam Altman khai tử trước khi trở thành hiện tượng gây sốt toàn cầu. 

Sam Altman, CEO của OpenAI, công ty chế tạo ra ChatGPT (Ảnh: New York Times)
Sam Altman, CEO của OpenAI, công ty chế tạo ra ChatGPT (Ảnh: New York Times)

'Cơn sốt' ChatGPT

Trình duyệt web đã có từ những năm đầu thập niên 1990. Nhưng phải đến khi Netscape Navigator xuất hiện vào năm 1994, người ta mới 'phát hiện' ra internet.

Vào ngày 30/11/2022, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) có lẽ đã có một khoảnh khắc tương tự như Netscape Navigator của riêng mình.

Khoảnh khắc đó được kiến tạo bởi Sam Altman, giám đốc điều hành của OpenAI, một công ty AI có trụ sở tại San Francisco được thành lập vào năm 2015 cùng với sự hậu thuẫn tài chính từ nhiều nhân vật quyền lực của Thung lũng Silicon, kể như: Elon Musk, Peter Thiel, đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman.

Ngày 30/11, khoảng 7 năm sau khi Open AI được thành lập, Altman viết trên Twitter: “Ngày hôm nay, chúng tôi cho ra mắt ChatGPT. Hãy thử nói chuyện với nó tại đây”. Đính kèm đoạn tweet là đường link cho phép bất cứ ai đăng ký mở tài khoản được phép trò chuyện miễn phí với chatbot (phần mềm tương tác) mới của OpenAI.

Có rất nhiều người tham gia thử nghiệm. Amjad Masad - kỹ sư phần mềm - đã yêu cầu ChatGPT kiểm lỗi một đoạn code và ứng dụng này đã làm được. Gina Homolka - blogger ẩm thực - được ChatGPT viết cho một công thức làm bánh quy chocolate. Roxana Daneshjou - bác sĩ da liễu tại Trường Y ĐH Stanford chuyên về ứng dụng AI trong dược phẩm - cũng đặt ra nhiều câu hỏi về dược cho chatbot này. Nhiều sinh viên sử dụng nó để làm bài tập về nhà.

Và đó mới chỉ là 24 giờ kể từ khi ChatGPT được công bố.

Bước tiến AI?

Chatbot của OpenAI đem đến nhiều trải nghiệm mới lạ. ChatGPT có thể duy trì các đoạn hội thoại một cách trôi chảy, kéo dài, trả lời câu hỏi và sáng tác gần như mọi loại văn bản viết mà một người dùng đề nghị - bao gồm kế hoạch kinh doanh, chiến dịch quảng cáo, thơ, chuyện cười, code máy tính và cả kịch bản phim.

Tuy nhiên, ChatGPT vẫn chưa hoàn thiện: Kết quả mà nó cho ra không phải lúc nào cũng chính xác, nó không thể dẫn lại nguồn thông tin của mình, nó gần như không có kiến thức về những sự kiện xảy ra sau năm 2021. Và nội dung mà nó cho ra không thể “mượt mà” như một chuyên gia con người làm ra.

Nhưng ChatGPT đưa ra nội dung chỉ trong vòng vài giây – dù không biết cụ thể về người dùng. Chỉ trong vòng 5 ngày kể từ khi ra mắt, hơn 1 triệu người đã sử dụng ChatGPT, một cột mốc mà Facebook phải mất 10 tháng mới đạt được.

Trong suốt thập kỷ qua, công nghệ AI đã len lỏi vào nhiều hoạt động kinh doanh và âm thầm cải thiện rất nhiều phần mềm mà chúng ta sử dụng hàng ngày nhưng những thay đổi ấy vẫn chưa gây nhiều hào hứng cho những người ngoại đạo, không am hiểu về công nghệ.

ChatGPT đã thay đổi điều đó. Đột nhiên, mọi người đều thảo luận về khả năng AI chiếm việc làm của họ, công ty, trường học và cả cuộc sống.

ChatGPT chỉ là một phần trong làn sóng công nghệ AI được gọi chung là “Generative AI” - với khả năng học từ kho dữ liệu để tạo ra nội dung chỉ từ một cụm từ ban đầu.

ChatGPT suýt bị khai tử

Ít ai biết rằng, chỉ mới cách đây vài tháng, dự án ChatGPT đã gần như bị OpenAI khai tử.

Giao diện chat cho phép người dùng đối thoại với AI bằng tiếng Anh (hay nhiều ngôn ngữ khác) ban đầu được OpenAI coi như một cách để cải thiện “các mô hình ngôn ngữ lớn” (large language models - gọi tắt là LLM) của nó.

Hầu hết các hệ thống AI đều có LLM trong phần lõi. Chúng được tạo nên bằng cách tiếp nhận các mạng nơ-ron nhân tạo rất lớn và áp dụng chúng vào lượng lớn văn bản do con người tạo ra.

Từ thư viện này, mô hình học một bản đồ phức tạp về khả năng các nhóm từ ngữ sẽ xuất hiện bên cạnh một nhóm khác trong bất kỳ một bối cảnh nào. Điều này cho phép các LLM thực hiện được hàng loạt các nhiệm vụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên – từ dịch thuật, tổng kết cho tới sáng tác.

OpenAI đã tạo ra một trong những LLM mạnh nhất thế giới. GPT-3 có hơn 175 tỉ tham số cấu thành và được huấn luyện trên khoảng 2/3 internet, tất cả Wikipedia và 2 bộ dữ liệu lớn về sách.

Nhưng OpenAI nhận thấy rằng GPT-3 khó có thể đưa ra được chính xác thứ mà người dùng muốn. Một đội của họ đã đưa ra ý tưởng sử dụng học tăng cường – trong đó hệ thống AI học từ các đợt thử nghiệm và mắc lỗi để tối ưu hóa kết quả - để hoàn thiện mô hình.

Đội ngũ phát triển tin rằng một chatbot sẽ là ứng viên phù hợp nhất cho phương pháp này, bởi phản hồi thường xuyên của người dùng sẽ giúp cho phần mềm AI này dễ nhận biết được khi nào nó đã làm tốt công việc, và khi nào cần cải thiện.

Bởi vậy, đến đầu năm 2022, đội ngũ OpenAI đã bắt tay vào xây dựng mô hình sẽ trở thành ChatGPT sau này.

Khi đã sẵn sàng, OpenAI để cho các kỹ sư thử nghiệm sử dụng ChatGPT. Thế nhưng nó không vận hành theo cách mà OpenAI hy vọng, theo Greg Brockman, người đồng sáng lập và hiện là chủ tịch của OpenAI. Đã có lúc, công ty này muốn chuyển sang dự án xây dựng chatbot chuyên gia để hỗ trợ các chuyên gia trong những lĩnh vực nhất định. Nhưng kế hoạch đó cũng gặp vấn đề - một phần là bởi OpenAI thiếu dữ liệu chuẩn để huấn luyện các chatbot chuyên gia.

Cuối cùng, OpenAI quyết định ngừng dự án ChatGPT và công bố nó ra bên ngoài để mọi người sử dụng. “Tôi phải thừa nhận rằng lúc bấy giờ tôi không biết mọi chuyện sẽ đi đến đâu,” Brockman nói.

“Cơn sốt” mà ChatGPT tạo nên sau đó khiến OpenAi bất ngờ. “Điều này thực sự là bất ngờ,” Mira Murati, giám đốc công nghệ của OpenAI, thừa nhận.

Sam Altman, CEO của OpenAI, công ty chế tạo ra ChatGPT (Ảnh: New York Times)

Sam Altman, CEO của OpenAI, công ty chế tạo ra ChatGPT (Ảnh: New York Times)

Chân dung 'cha đẻ' Open AI

Sam Altman, 37 tuổi, người đồng sáng lập kiêm CEO của OpenAI, được cho là nhân vật khiến cho bản chất của công ty này thêm phần khó hiểu.

Là một doanh nhân công nghệ vốn nổi tiếng vì thiên về kiếm tiền hơn là kỹ thuật, Altman đã giúp OpenAI có mức định giá tăng đột biến. Ông xem ChatGPT chỉ là một bước tiến đến sứ mệnh lớn hơn của mình: Phát triển 'siêu AI', hay còn gọi là trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI).

“AGI có lẽ sẽ cần thiết để giúp nhân loại tồn tại. Các vấn đề của chúng ta dường như quá lớn để có thể giải quyết mà không có những công cụ tốt hơn", Altman viết trên Twitter hồi tháng 7/2022.

Đối với một doanh nghiệp kiếm tiền thì đây là thứ triết lý bất thường, đặc biệt là khi một số nhà khoa học máy tính đã lên tiếng phản đối sự ám ảnh của Altman, coi đó là ảo tưởng. “AGI là thứ ngớ ngẩn,” Ben Recht, nhà khoa học máy tính đến từ Đại học California, nhận định.

Theo Fortune, Altman tham gia vào OpenAI ngay từ lúc khởi đầu, song phải đến khi công ty này chuyển đổi mô hình thành doanh nghiệp phi lợi nhuận vào tháng 5/2019, ông mới đảm nhiệm cương vị giám đốc điều hành.

Sự chuyển đổi của OpenAI từ một phòng thí nghiệm sang một “hiện tượng” trị giá hàng tỉ USD cho thấy khả năng độc nhất của Altman trong việc huy động vốn và định hướng sản phẩm.

CEO của OpenAI cũng có những nét tương đồng như những hình ảnh doanh nhân thành đạt ở Thung lũng Silicon: nam, trẻ tuổi, cuồng nhiệt, nói tiếng Hy Lạp trôi chảy, bị ám ảnh bởi năng suất và hiệu quả, nghiện công việc với mong muốn “thay đổi thế giới.”

Altman đã rời khỏi chương trình đào tạo khoa học máy tính của ĐH Stanford để đồng sáng lập Loopt, một công ty mạng xã hội. Công ty này làm ăn không tốt, nhưng số tiền mà Altman nhận được khi bán nó đã giúp ông gia nhập vào thế giới đầu tư mạo hiểm. Ông bắt đầu tạo dựng công ty đầu tư mạo hiểm nhỏ có tên Hydrazine Capital, huy động được 21 triệu USD.

Altman được cho là một doanh nhân chứ không phải nhà khoa học hay nhà nghiên cứu AI, và nổi tiếng về khả năng huy động vốn đầu tư mạo hiểm.

Tin rằng những thứ to lớn đều bắt nguồn từ tham vọng lớn và niềm tin không lung lay, Altman từng nói ông mong muốn tạo ra hàng nghìn tỉ USD giá trị kinh tế thông qua đầu tư “deep-tech”, trong các lĩnh vực như phản ứng hạt nhân hay máy tính lượng tử, khi mà khoản đặt cược phải mất thời gian dài mới đem lại lợi nhuận, nhưng lợi nhuận cực lớn.

“Sam tin rằng ông ta là người giỏi nhất trong mọi thứ mà ông ta tham gia,” Mark Jacobstein, nhà đầu tư công nghệ kỳ cựu và là cố vấn startup từng làm việc với Altman tại Loopt, nói. “Tôi dám chắc rằng, ông ta tin mình là tay chơi bóng bàn giỏi nhất ở công sở cho đến khi bị ai đó đánh bại".

Theo một số người trong cuộc, OpenAI đã bắt đầu chuyển đổi kể từ khi Altman nắm quyền điều hành: từ chỗ một phòng thí nghiệm có nhiều dự án nghiên cứu sang tập trung vào xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Altman bảo vệ quyết định của mình, cho rằng nó sẽ làm tối ưu nỗ lực nghiên cứu ở nhiều mảng có tiềm năng nhất để hướng tới AGI. Nhưng một số cựu nhân viên cho rằng, chính sức ép nội bộ sau khi Microsoft đưa ra khoản đầu tư đầu tiên đã khiến OpenAI tập trung hơn vào LLM, bởi những mô hình này có thể ứng dụng thương mại lập tức.

Một số nhà phê bình cho rằng, ban đầu được thành lập với mục đích thoát khỏi tầm ảnh hưởng của các tập đoàn lớn, giờ OpenAI đã trở thành một công cụ của gã công nghệ khổng lồ./.

Nguồn tham khảo: Fortune