Trang tin này dẫn bài viết trên mạng quân sự sina (mil.sina.cn) ngày 17.4 viết rằng Không quân Trung Quốc sở hữu loại tiêm kích J-11B hiện đại, trang bị động cơ loại Taihang ưu việt.
Bài viết trên sina nói gần đây Việt Nam luyện tập cho tiêm kích Su-30 (mua của Nga) bay thấp để tăng khả năng thâm nhập và cho tàu ngầm Kilo 636 thường xuyên ra biển.
Bài viết cho hay báo chí Mỹ gần đây đưa tin Trung Quốc triển khai 16 tiêm kích J-11 ra đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm hồi năm 1974). Từ căn cứ trên đảo Phú Lâm cách bờ biển Việt Nam chỉ 280 hải lý, máy bay J-11 Trung Quốc chỉ mất 15 phút là bay đến nơi (?).
Trên đảo, Trung Quốc còn bố trí tên lửa phòng không HQ-9.
Bài viết trên sina khoe khoang rằng máy bay J-11B là mẫu chiến đấu cơ ưu việt, dùng nhiều thành phần nội địa hoá làm bằng vật liệu composite nên nhẹ, tiết kiệm nhiên liệu và khả năng tàng hình cao. Hệ thống điều khiển điện tử của J-11B còn hiện đại hơn cả loại Nga gắn trên Su-30 bán cho Việt Nam (?).
Như vậy J-11 Trung Quốc chỉ cần đánh một đòn là đủ diệt sạch lực lượng máy bay Su-30 ưu tú của không quân Việt Nam. Và với ưu thế trên không hoàn toàn thuộc về Trung Quốc, Việt Nam chỉ nghĩ đến là đủ “toát mồ hôi lạnh”, bài báo khoác lác nói.
Bài báo còn “hù” thêm rằng Trung Quốc còn máy bay J-11D trang bị radar mảng pha chủ động và mang tên lửa không đối không PL-10, ưu thế hơn hẳn Su-30 của Việt Nam.
Cuối cùng, Trung Quốc còn có máy bay cảnh báo sớm (AWACS) loại từ nhỏ như KJ-200, KJ-500 đến cỡ lớn KJ-2000, đủ sức phát hiện máy bay Việt Nam đang bay ở độ cao cực thấp và đó là ác mộng cho máy bay chiến đấu của Việt Nam. Vì vậy Việt Nam chỉ uổng công khi đối đầu với Trung Quốc, bài viết ngạo mạn nói, theo Militaryparitet.
Hình ảnh các cơ sở phi pháp của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm - Ảnh: Stratfor.com |
Hình ảnh vệ tinh của ISI cho thấy 2 chiến đấu cơ J-11 mới được Trung Quốc triển khai trên đảo Phú Lâm - Ảnh: ISI |
J-11, hàng nhái của Su-27 những năm 1980
Tiêm kích J-11 Trung Quốc thực chất là bản nhái tiêm kích Su-27SK của Nga, theo một bài viết trên website Đài truyền hình quân đội Nga ngày 30.5.2015. Theo đó, ngành công nghiệp sao chép vũ khí của Trung Quốc đã có hơn 50 năm nay, chủ yếu sản xuất các loại vũ khí, khí tài sao chép mẫu của Liên Xô và Nga.
Chẳng hạn MiG-21, tiêm kích phản lực nổi tiếng của Liên Xô khiến Không lực Mỹ phải sợ trong chiến tranh Việt Nam, được Trung Quốc sao chép thành máy bay J-7 nhưng mất đến 20 năm.
Năm 2013, Trung Quốc trình làng tiêm kích dùng trên tàu sân bay là chiếc J-15 mà nếu nhìn qua sẽ thấy đó là bản sao chép 100% từ chiếc tiêm kích Su-33 của Liên Xô. Và với loại tiêm kích hiện đại J-11 chẳng qua chỉ là chiếc Su-27SK của Nga. Tính ra J-11 chỉ là máy bay chiến đấu công nghệ của những năm 1980.
Máy bay cảnh báo sớm (AWACS) KJ-2000 của Trung Quốc, dựa trên thân máy bay IL-76 của Nga - Ảnh: airliners.net |
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, điện tử, nếu không có sự hỗ trợ nền tảng công nghệ và kiến thức từ các trường, viện kỹ thuật hàng không của Liên Xô thì các máy bay quân sự của Trung Quốc hiện nay có vẻ khá thảm hại.
Bài viết trên website Đài truyền hình quân đội Nga kết luận rằng sau vài thập kỷ, đến nay có thể tự tin nói toàn bộ vũ khí, khí tài quân sự của Trung Quốc có đến 95% là nhái từ các loại vũ khí của Liên Xô, Nga.
Gần đây tạp chí Mỹ The National Interest có bài viết rằng hàng thập niên nay Trung Quốc đầu tư mạnh nhưng vẫn chưa thể phát triển được loại động cơ phản lực đáng tin cậy để sản xuất hàng loạt.
Đầu năm 2016 chính phủ Trung Quốc còn phải tuyên bố việc chế tạo động cơ chưa phải là lúc ưu tiên. Ngay cả Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong lần trả lời Reuters đã nói rằng vẫn còn khoảng cách nhất định về công nghệ quốc phòng giữa Trung Quốc và một số quốc gia phát triển khác.
Có thể thấy nhiều loại máy bay Trung Quốc đến nay vẫn dùng động cơ do Nga cung cấp, và dù có chế tạo phỏng theo động cơ Nga thì động cơ Trung Quốc cũng không hiệu quả bằng, theo The National Interest.
Theo Thanh Niên