Mạng lưới an ninh hàng hải ở biển Đông

Trung Quốc tiếp tục để lộ dã tâm bành trướng trắng trợn hơn nữa với dự án xây nhà máy điện hạt nhân di động tại biển Đông.
Hai tàu khu trục Ariake và Setogiri tại cảng vịnh Subic - Philippines đầu tháng 4 Ảnh: INQUIRER.NET
Hai tàu khu trục Ariake và Setogiri tại cảng vịnh Subic - Philippines đầu tháng 4 Ảnh: INQUIRER.NET

Biện hộ cho kế hoạch được Thời báo Hoàn Cầu tiết lộ hôm 22-4 này, chuyên gia hải quân Lý Kiệt của Trung Quốc nhấn mạnh “tầm quan trọng to lớn” của dự án với nhiệm vụ cung cấp nguồn điện ổn định cho các hải đăng, các thiết bị nghiên cứu - cứu nạn, các công trình quốc phòng, sân bay, cảng... tại vùng biển mà chính Bắc Kinh làm leo thang căng thẳng.

Để ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm biển Đông, nhiều quốc gia đang tiến gần hơn bao giờ hết tới một mạng lưới an ninh hàng hải. Theo tờ Nikkei (Nhật Bản), Mỹ đã lên kế hoạch bắt đầu tuần tra chung với Nhật Bản, Úc và Philippines tại biển Đông. Các mối quan hệ hợp tác song phương cũng được thúc đẩy.

Trong chuyến thăm tàu sân bay USS John C. Stennis tại biển Đông hôm 15-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh: “Việc tàu sân bay Mỹ hiện diện trong khu vực không phải điều gì mới mẻ. Cái mới ở đây là bầu không khí căng thẳng hiện hữu và đó là điều chúng tôi muốn làm giảm đi”.

Tuyên bố trên được đưa ra giữa lúc Mỹ và Philippines tiến hành cuộc tuần tra chung đầu tiên trên biển Đông. Thêm vào đó, lực lượng quân sự và máy bay Mỹ bắt đầu được triển khai luân phiên tại các căn cứ của Philippines theo thỏa thuận song phương năm 2014. Điều ấy có nghĩa là binh sĩ Mỹ sẽ trở lại quốc gia Đông Nam Á này sau khi rút đi cách đây 20 năm.

Nhật Bản cũng là một mắt xích quan trọng trong sự gia tăng hợp tác an ninh nêu trên. Tokyo đã ký một thỏa thuận hồi tháng 2 nhằm chuyển giao các thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Philippines, đặt nền móng cho khả năng xuất khẩu vũ khí trong tương lai. Hai tàu khu trục Ariake và Setogiri của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đã cập cảng vịnh Subic tại Philippines hôm 3-4.

Tàu ngầm Hakuryu của Nhật cũng trở thành tàu ngầm đầu tiên của nước này cập cảng Sydney (Úc) 3 ngày sau đó. Tokyo đang thương thảo bán loại tàu ngầm tương tự cho Canberra với hy vọng thương vụ này sẽ giúp tăng cường hợp tác quốc phòng song phương để đối phó Trung Quốc.

Cũng vì lý do lo ngại Trung Quốc, chính phủ các nước Đông Nam Á đang đẩy mạnh nỗ lực thay thế phi đội máy bay chiến đấu lỗi thời, mở đường cho những thỏa thuận trị giá nhiều tỉ USD sau 5 năm im hơi lặng tiếng. Hội nghị thương mại được tổ chức ở thủ đô Kuala Lumpur - Malaysia trong tuần qua sôi động chưa từng thấy với nhiều khách hàng tiềm năng và các “ông lớn” sản xuất máy bay từ Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ.

Một trong những khách hàng tiềm năng nhất khu vực là Malaysia, vốn đang muốn thay thế các máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga từ những năm 1990. Các nguồn tin cho hay Kuala Lumpur có thể mua tới 18 máy bay chiến đấu có giá trị lên đến 2,5 tỉ USD.

Theo NLĐ