Malaysia tịch thu 244 triệu USD của DN Trung Quốc: “Chúng tôi đâu có lấy lại tiền đã chi cho những gì họ đã làm kia chứ!”

VietTimes -- Người đứng đầu Chính phủ Malaysia Mahathir Mohamad đã dõng dạc tuyên bố như vậy khi chính thức xác nhận việc nước này đã tịch thu một khoản tiền trị giá 243,5 triệu USD từ một doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc, vì lý do tiến độ thực hiện dự án không tương thích với số tiền được nhận. “Tôi không hiểu tại sao người Trung Quốc lại không hài lòng về điều này, vì chúng tôi đâu có lấy lại tiền đã chi cho những gì họ đã làm kia chứ!”, vị Thủ tướng 94 tuổi nói.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.

Trang tin Đa Chiều dẫn nguồn hãng tin Reuters ngày 16/7: Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ngày 15/7 đã xác nhận rằng Malaysia đã tịch thu hơn 1 tỷ ringgit (khoảng 243,5 triệu USD) tài sản trong tài khoản ngân hàng của Công ty hữu hạn công trình Cục Kỹ thuật đường ống dẫn dầu (CPP) – một công ty quốc doanh của Trung Quốc vì chưa hoàn thành một dự án xây lắp đường ống.

Mahathir nói với các phóng viên rằng ông tìm hiểu được biết, phía Malaysia đã chi trả 80% chi phí của dự án đường ống này, nhưng dự án mới chỉ hoàn thành được 13% công việc. “Vì vậy, chính phủ (Malaysia) có quyền thu lại số tiền này vì dự án đã bị hủy bỏ”.

Tuyến đường ống dẫn dầu do CPP thi công đã bị hủy bỏ khi đã được thanh toán 80% số tiền nhưng chỉ hoàn thành được 13% công việc
Tuyến đường ống dẫn dầu do CPP thi công đã bị hủy bỏ khi đã được thanh toán 80% số tiền nhưng chỉ hoàn thành được 13% công việc

Thông tin này được tờ The Straits Times (Thời báo Eo biển) của Singapore đăng tải đầu tiên vào ngày 14/7. Theo báo này, vào đầu tháng 7, chính phủ của Liên minh Hy Vọng (Pakatan Harapan) ở Malaysia đã ra lệnh cho tập đoàn ngân hàng toàn cầu HSBC chuyển toàn bộ các khoản tiền trong tài khoản của Công ty hữu hạn công trình Cục đường ống dẫn dầu Trung Quốc (China Chemicals Pipeline Engineering Co., Ltd – CPP) đến tài khoản của Công ty hữu hạn Năng lượng chiến lược Suria Strategic Resources Sdn Bhd - một công ty thuộc sở hữu hoàn toàn của Bộ Tài chính Malaysia. Các luật sư và chuyên gia ngân hàng cho biết hành động này của Malaysia có liên quan đến việc họ đình chỉ hai dự án đường ống dẫn dầu khí hồi tháng 7/2018.

Vào tối ngày 15 tháng 7, Công ty CPP Trung Quốc đã lên tiếng cho biết trong một email rằng công ty đã biết việc Ủy ban Chống tham nhũng của Malaysia đã ra lệnh chuyển tiền và việc chuyển tiền được thực hiện mà không thông báo cho công ty. CPP cho biết, khi công ty có thêm thông tin, họ sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết và thích hợp để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Trong khi đó, ngân hàng HSBC đã lấy lý do bảo vệ bí mật của khách hàng, từ chối đưa ra bất cứ bình luận gì.

Cựu Thủ tướng Najib Razak (thứ ba, từ trái sang) tại lễ khởi công công trình đường ống
Cựu Thủ tướng Najib Razak  (thứ ba, từ trái sang) tại lễ khởi công công trình đường ống

Ngày 15/7, Thủ tướng Mahathir Mohamad cho biết, ông không lo lắng về việc thu giữ tiền từ một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sẽ có tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc. Ông nói: “Tôi không hiểu tại sao người Trung Quốc lại không hài lòng về điều này vì chúng tôi đâu có lấy lại tiền đã chi cho những gì họ đã làm kia chứ!”.

Việc Malaysia tịch thu tài sản trị giá 243,5 triệu USD từ một doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc đã gây nên sự lo ngại rộng rãi. Phía Trung Quốc đã lên tiếng về vấn đề này. Ngày 16 tháng 7, tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Cảnh Sảng (Geng Shuang) đã nói: các hạng mục liên quan được thực hiện theo hợp đồng giữa hai bên, luật pháp liên quan và thông lệ quốc tế. Giữa Trung Quốc và Malaysia đã duy trì quan hệ hợp tác thân thiện lâu dài. Quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại song phương cũng duy trì đà phát triển tích cực.

Liên quan đến những vấn đề phát sinh trong quá trình hợp tác, ông Cảnh Sảng nhấn mạnh rằng hai bên nên giải quyết ổn thỏa thông qua bàn bạc thân thiện. Theo bản tin của Reuters ngày 16/7, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã xác nhận rằng Malaysia đã tịch thu của Công ty CPP thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc hơn 1 tỷ ringgit (khoảng 243,5 triệu USD) tài sản được giữ trong tài khoản do một dự án đường ống chưa hoàn thành. Về lý do, ông Mahathir Mohamad nói: “Theo như tôi biết, 80% số tiền được sử dụng để xây dựng tuyến đường ống năng lượng đã được thanh toán, nhưng toàn bộ dự án mới chỉ hoàn thành 13% khối lượng công việc”. Ông nói: “Vì vậy chính phủ chúng tôi phải lấy lại số tiền tương ứng. Đặc biệt là khi mà dự án liên quan đã bị hủy bỏ”.

Cựu Thủ tướng Najib Razak đã bị bắt và điều tra vì tội tham nhũng
Cựu Thủ tướng Najib Razak đã bị bắt và điều tra vì tội tham nhũng

Công ty TNHH công trình Cục đường ống Dầu khí Trung Quốc CPP là một công ty con của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (China National Petroleum Corporation – CNPC) – người khổng lồ của ngành năng lượng Trung Quốc. Cách đây gần một năm, Malaysia đã đình chỉ hai dự án đường ống dẫn dầu trị giá khoảng 2,3 tỷ USD. Công ty hữu hạn công trình Cục đường ống Dầu khí Trung Quốc CPP chính là đơn vị đã thắng thầu các công trình này.

Được biết, năm 2016, CPP đã giành được từ chính phủ của cựu Thủ tướng Najib Razak (nắm quyền từ 4/2009 – 5/2018) hợp đồng xây dựng tuyến đường ống dài 600km ở bờ biển phía Tây Malaysia và đấu thầu một tuyến đường ống khác dài 662km dự kiến xây dựng ở Sabah. Tuy nhiên sau khi “Liên minh Hy vọng” của ông Mahathir Mohamad giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018, cả hai dự án này đã bị dừng lại. Ông Mahathir từng tuyên bố sẽ đàm phán lại hoặc hủy bỏ những công trình “không công bằng” mà chính phủ của người tiền nhiệm đã trao cho người Trung Quốc. Điều này đã gây nên quan hệ căng thẳng suốt một dạo giữa Malaysia với Trung Quốc – đối tác mậu dịch lớn nhất.

Một dự án hợp tác khác, công trình xây dựng Tuyến đường sắt Bờ biển phía Đông Malaysia (East Coast Rail Line) trị giá hàng chục tỷ USD đã được hai bên đồng ý khôi phục lại vào tháng 4/2019 sau mấy tháng đàm phán. Tuy nhiên kết quả của việc đàm phán này là tổng số tiền chi cho công trình này đã giảm đi tới 1/3 so với dự toán ban đầu.