Lý do không nên 'bán khống' một cổ phiếu đang tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc đặt cược chống lại một cổ phiếu đang tăng giá có thể đem lại cho nhà đầu tư cảm giác đầy phấn khích như trong bộ phim kinh điển ‘The Big Short’. Nhưng…

'Bán khống' (short selling) thực chất là hoạt động bán cổ phiếu mà người bán không sở hữu vào thời điểm thực hiện giao dịch. Theo đó, nhà đầu tư sẽ ‘mượn’ chứng khoán từ tài khoản của nhà môi giới và bán trong trường hợp dự đoán giá chứng khoán giảm, sau đó mua lại với giá thấp hơn trong tương lai nhằm thu lợi.

Không phải ai cũng ủng hộ việc 'bán khống', chẳng hạn như huyền thoại đầu tư Warren Buffett. Dù rằng, ‘nhà hiền triết xứ Ohama’ từng sử dụng nghiệp vụ này để phòng ngừa rủi ro cho danh mục trong những năm đầu đầu tư.

Tại cuộc họp thường niên của Berkshire Hathaway vào năm 2001, Warren Buffett cho biết việc 'bán khống' chỉ mang lại lợi nhuận hạn chế nhưng khả năng thua lỗ là không giới hạn. “Nó có thể khiến bạn cháy túi”, ông nói.

Theo Warren Buffett, nhà đầu tư sẽ phải sử dụng ‘đòn bẩy’ (vay nợ) để thực hiện vị thế 'bán khống' và họ có thể ‘cạn tiền’ trước khi những người muốn đẩy giá hết cách để cổ phiếu tiếp tục tăng điểm.

short co phieu.png

Rủi ro của giao dịch 'bán khống'

Để 'bán khống' cổ phiếu, nhà đầu tư cần mở tài khoản ký quỹ (tài khoản margin), có tiền mặt hoặc vốn cổ phần trong tài khoản đó làm tài sản thế chấp.

Các công ty chứng khoán sẽ quy định tỷ lệ ký quỹ duy trì bắt buộc (maintaince margin), đồng nghĩa, nhà đầu tư phải giữ đủ vốn chủ sở hữu trong tài khoản làm tài sản thế chấp cho khoản vay margin nhằm duy trì vị thế bán.

Khi giá cổ phiếu giảm, nhà đầu tư đóng vị thế bán bằng cách mua số lượng cổ phiếu đã vay với giá thấp hơn, sau đó trả lại cho công ty chứng khoán. Để có lợi nhuận, nhà đầu tư cần phải cân nhắc mức lãi suất margin, hoa hồng và phí phải trả cho giao dịch.

Tuy nhiên, khi thị giá cổ phiếu tăng, người giao dịch 'bán khống' rất dễ bị lỗ, thậm chí khoản lỗ là không giới hạn.

Giả sử, nhà đầu tư muốn 'bán khống' 100 cổ phiếu X tại giá 50 USD/cp (tương đương với tổng giá trị giao dịch là 5.000 USD) nhưng vốn tự có chỉ có 2.000 USD, họ sẽ phải vay margin 3.000 USD, tương ứng với tỷ lệ ký quỹ ban đầu (initial margin) là 40%.

Trong trường hợp tỷ lệ ký quỹ duy trì bắt buộc (maintance margin) ở mức 25%, công ty chứng khoán sẽ yêu cầu nhà đầu tư bổ sung tài sản đảm bảo (hay còn gọi là margin call) nếu giá cổ phiếu tăng lên mức 56 USD/cp (margin call price).

Với tỷ lệ ký quỹ ban đầu và tỷ lệ ký quỹ duy trì như trên, thay vì ‘short’, nếu nhà đầu tư thực hiện mua cổ phiếu bằng cách vay ký quỹ (buy on margin), giả sử giá cổ phiếu X rơi xuống mức 40 USD/cp thì họ mới bị margin call.

Như vậy, cùng với mức giá khởi điểm của cổ phiếu X là 50 USD/cp và các tỷ lệ ký quỹ giống nhau, nếu nhà đầu tư thực hiện lệnh mua, giá cổ phiếu phải giảm tới 10 USD/cp họ mới bị margin call. Trong khi, nếu thực hiện ‘short’, chỉ cần giá cổ phiếu X tăng 6 USD/cp, nhà đầu tư đã bị công ty chứng khoán margin call.

Tại Việt Nam, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chưa cho phép áp dụng hình thức giao dịch bán khống trên thị trường chứng khoán cơ sở. Nhà đầu tư có thể thực hiện bán khống trên thị trường chứng khoán phái sinh dựa vào phương thức giao dịch hai chiều của thị trường này. Khi đó, nhà đầu tư có thể bán chứng khoán (hợp đồng tương lai chỉ số VN30) mặc dù không sở hữu cổ phiếu cơ sở, miễn là có đủ tiền ký quỹ.

Chốt phiên giao dịch ngày 25/8, cổ phiếu VFS của VinFast Auto đóng cửa ở mức 68,77 USD/cp, tăng gấp 3 lần kể từ khi chào sàn Nasdaq. Sự thăng hoa của cổ phiếu VFS khiến VinFast nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư tài chính Mỹ và Việt Nam.

Theo Bloomberg, ở thời điểm hiện tại, việc đặt cược chống lại cổ phiếu VinFast là quyết định đầy mạo hiểm và rủi ro. Hãng thông tấn này trích dẫn dữ liệu của công ty phân tích S3 Partners cho biết, các nhà bán khống (short sellers) đặt cược cổ phiếu VFS sẽ lao dốc tạm lỗ gần 1 triệu USD (trên giấy tờ) kể từ khi VinFast hoàn tất sáp nhập với Black Spade và niêm yết trên sàn Nasdaq.

Nguyên nhân là vì tỉ lệ cổ phiếu tự do lưu hành (free - float) của VinFast rất thấp. CEO VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thủy từng cho biết, sau phiên chào sàn, chỉ có khoảng 4,5 triệu cổ phiếu VFS (trên tổng số 2,3 tỉ cổ phiếu) đang giao dịch tự do trên sàn Nasdaq.

Nguồn cung cổ phiếu VFS ‘khan hiếm’ khiến các nhà bán khống sẽ phải chịu chi phí lên tới 3 chữ số nếu muốn thực hiện vị thế ‘short’. Trong khi, việc có tỷ lệ free – float thấp cũng khiến cổ phiếu VFS dễ biến động mạnh.