VN-Index ‘thủng’ đáy 16 tháng, khối tự doanh ‘short’ phái sinh cả nghìn tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Có 8.935 vị thế bán (short) hợp đồng tương lai chỉ số VN30 của khối tự doanh được khớp trong phiên giao dịch hôm nay (6/7), với giá trị lên tới 1.095 tỉ đồng.
Khối tự doanh ‘short’ phái sinh cả nghìn tỉ đồng
Khối tự doanh ‘short’ phái sinh cả nghìn tỉ đồng

Cụ thể, theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), khối tự doanh của các công ty chứng khoán đã mạnh tay mở vị thế ‘short’ đối với hợp đồng VN30F2207 với 8.865 đơn vị được khớp lệnh. Bên cạnh đó, nhóm này còn ‘short’ 69 hợp đồng VN30F2208.

Ở chiều hướng ngược lại, khối tự doanh mở vị thế mua (long) với hợp đồng VN30F2207, với khối lượng khớp lệnh đạt 3.810 đơn vị.

Tổng cộng, khối tự doanh đã giao dịch tới 12.744 hợp đồng phái sinh trong phiên giao dịch ngày 6/7, cao gấp 3,8 lần so với phiên trước.

Động thái đẩy mạnh ‘short’ phái sinh của khối tự doanh diễn ra trong bối cảnh chỉ số VN-Index giảm tới 31,68 điểm, đóng cửa ở mức 1.149,61 điểm. Với mức giảm này, VN-Index đã xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ cứng quanh vùng 1.160 điểm được thiết lập hồi tháng 5 và tháng 6 năm nay, lùi về mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Việc để mất ngưỡng hỗ trợ cứng được xem như là tín hiệu tiêu cực về mặt kỹ thuật, hàm ý VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm thêm trong các phiên tới.

Theo CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), VN-Index có thể kiểm định là vùng hỗ trợ (yếu) tại vùng 1.135 – 1.140 điểm trong phiên giao dịch ngày mai (7/7).

Lưu ý rằng, so với quy mô giao dịch của thị trường chứng khoán phái sinh, quy mô giao dịch của khối tự doanh vẫn tỏ ra khá khiêm tốn.

Trong phiên hôm 6/7, hợp đồng VN30F2207 được giao dịch khớp lệnh tới 399.286 đơn vị. Đây cũng là hợp đồng tương lai có mức thanh khoản cao nhất thị trường chứng khoán phái sinh trong ít tuần qua.

Theo tính toán của VietTimes, khối lượng giao dịch của khối tự doanh chỉ chiếm khoảng 2,2% thanh khoản của thị trường phái sinh trong phiên giao dịch ngày 6/7.

Thanh khoản của thị trường chứng khoán phái sinh tăng vọt kể từ tháng 4/2022, sau khi chỉ số VN-Index để mất mốc 1.500 điểm và bước vào nhịp điều chỉnh lớn.

Ngoài hoạt động đầu cơ, việc ‘short’ phái sinh cũng là một phương án để các nhà đầu tư phòng vệ, giảm thiệt hại cho danh mục cổ phiếu của mình khi thị trường chứng khoán lao dốc.

Tuy nhiên, như VietTimes từng đề cập, giải pháp này thường phù hợp các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, với lợi thế về nghiên cứu và phân tích thị trường so với các nhà đầu tư cá nhân./.