Lý do các ngân hàng trung ương gom vàng mạnh nhất 55 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Năm 2022, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào tới 1.135 tấn vàng - mức cao nhất kể từ năm 1967, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).

Các ngân hàng tăng cường mua vàng dự trữ trong năm 2022 (Ảnh: WEF)
Các ngân hàng tăng cường mua vàng dự trữ trong năm 2022 (Ảnh: WEF)

Nhu cầu nắm giữ vàng đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ trong năm 2022, với động lực từ các giao dịch 'khủng' của các ngân hàng trung ương, qua đó cho thấy sức hấp dẫn của tài sản trú ẩn trong thời kỳ biến động chính trị, theo Financial Times.

Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) ghi nhận, lượng vàng mà các ngân hàng trung ương đã mua vào trong năm 2022 lên tới 1.135 tấn - cao nhất kể từ năm 1967.

Theo Reuters, báo cáo của WGC cũng thể hiện sự thay đổi thái độ đối với vàng của các ngân hàng trung ương.

Cụ thể, giai đoạn 1990 - 2000, các ngân hàng trung ương, đặc biệt là các ngân hàng ở Tây Âu đã bán ra hàng trăm tấn vàng mỗi năm. Tuy nhiên, kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, các ngân hàng châu Âu đã ngừng bán ra trong khi các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế mới nổi như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đẩy mạnh việc mua vào.

Tờ Nikkei Asia trích dẫn số liệu của Satoru Yoshida - chuyên gia phân tích hàng hóa của Rakuten Securities - cho thấy dự trữ vàng của Nga tăng gấp đôi trong vòng 10 năm (tính đến năm 2022), lên mức 2.298 tấn. Tiếp sau là Trung Quốc với lượng dự trữ tăng thêm 950 tấn.

Làn sóng tích trữ vàng trong năm 2022 được cho là bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Cuộc đối đầu giữa Moscow với phương Tây “đã cho thấy những tài sản đến từ các nền kinh tế phương Tây, như đồng USD, là quá rủi ro để nắm giữ”, Koichiro Kamei - chuyên gia phân tích tài chính và kim loại quý - nhận định.

Việc các ngân hàng trung ương tăng mua vàng cũng được xem là tín hiệu cho thấy họ đang muốn giảm thiểu sức ảnh hưởng của đồng USD. Đồng bạc xanh chiếm hơn 70% lượng dự trữ ngoại hối ở các ngân hàng trung ương trong năm 200, nhưng tỷ lệ này giờ đã suy giảm xuống còn 60%.

USD vẫn duy trì được vị thế đồng tiền thống trị, chiếm khoảng 88% tổng lượng giao dịch toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đã mua dầu bằng đồng NDT từ Nga và Iran, và đồng tiền này đang vươn lên vị trí thứ 5 xét về tổng lượng giao dịch toàn cầu.

“Việc các ngân hàng trung ương tăng mua vàng là tín hiệu cho thấy vị thế thống trị của USD đang suy yếu”, Yuichi Ikemizu, chủ tịch Hiệp hội Thị trường Vàng Nhật Bản, nói. Nếu các nước tiếp tục giảm sự phục thuộc vào đồng USD, các lệnh trừng phạt tài chính mà Mỹ và châu Âu áp đặt sẽ giảm hiệu quả. Và điều này được cho là có thể gây thêm chia rẽ./.

Nguồn tham khảo: Reuters, Financial Times, Nikkei Asia