LPBank 'ra mặt' ở dự án D'. Saint Raffles?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sau biến cố của ông Đỗ Anh Dũng, Thaiholdings đã hủy thương vụ chuyển nhượng dự án 11A Cát Linh và hoàn tiền cho Tân Hoàng Minh, nhưng đó chưa hẳn là hồi kết cho mối hợp tác giữa nhóm này và ‘hệ sinh thái’ của ‘bầu’ Thụy.

Fanpage Delta Group – tự nhận là fanpage chính danh của Tập đoàn xây dựng Delta – mới cập nhật về lễ cất nóc dự án Cao ốc văn phòng tại số 43-45-47 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM. Dự án này được thị trường biết đến với tên thương mại D'. Saint Raffles do CTCP Đầu tư Bất động sản Ngọc Viễn Đông (Ngọc Viễn Đông) làm chủ đầu tư.

Đáng chú ý, hình ảnh trên tấm ‘backdrop’ của sự kiện này cho thấy, tòa nhà dự án có gắn logo ‘LPBank’ của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - Mã CK: LPB).

Thông tin này đã nhận được sự quan tâm lớn, bình luận sôi nổi ở nhiều diễn đàn và fanpage chuyên về bất động sản trên mạng xã hội.

cao-oc-van-phong-lpbank.jpg
Logo LPBank được gắn lên nóc tòa nhà phối cảnh dự án cao ốc văn phòng tại số 43-45-47 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, Tp. HCM

Thành lập tháng 10/2017, Ngọc Viễn Đông – doanh nghiệp phát triển dự án D'. Saint Raffles – nhiều năm qua vẫn được xem như là một trong những thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Sau biến cố của nhà sáng lập Đỗ Anh Dũng, vào tháng 7/2022, đại diện Tân Hoàng Minh cho biết đã tìm được đối tác nhận chuyển nhượng dự án trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Tp. HCM) để thu tiền bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư mua trái phiếu. Ở thời điểm đó, đại diện Tân Hoàng Minh không cung cấp thêm thông tin liên quan đến đối tác cũng như lộ trình chuyển nhượng dự án này.

Theo dữ liệu của VietTimes, vào tháng 4/2023, địa chỉ nhận thông báo thuế của Ngọc Viễn Đông được chuyển về số 210 Trần Quang Khải, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Đây cũng chính là địa chỉ tòa nhà LPBank - nơi nhà băng của ông Nguyễn Đức Thụy (‘bầu’ Thụy) đang đặt trụ sở chính.

Cập nhật đến ngày 27/4/2023, vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Ngọc Viễn Đông vẫn do bà Lê Hồng Trang (SN 1987) đảm nhiệm. Bà Trang còn đang đứng tên tại CTCP Quốc tế Hương Việt Bách, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Sài Gòn.

Trước đó, thị trường từng được biết tới một số thương vụ giữa nhóm Tân Hoàng Minh và các doanh nghiệp liên quan tới ‘bầu’ Thụy, nổi bật là thương vụ tại dự 11A Cát Linh (Hà Nội). Như VietTimes từng đề cập, sau khi ông Đỗ Anh Dũng bị bắt, năm ngoái, Thaiholdings đã hủy thương vụ 11A Cát Linh và hoàn trả lại 840 tỉ đồng cho nhóm Tân Hoàng Minh.

Lưu ý, ông Nguyễn Văn Thiện – anh trai ‘bầu’ Thụy – là thông gia với ông chủ Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng.

Mức định giá 2.500 tỉ đồng của Ngọc Viễn Đông

Giữa tháng 7/2021, CTCP Tổng Bách Hóa (Mã CK: TBH) – thành viên duy nhất của Tân Hoàng Minh niêm yết trên sàn chứng khoán – đã mua 33,84 triệu cổ phiếu của Ngọc Viễn Đông (tương đương 47% vốn điều lệ) từ bà Phùng Thị Mai và Lê Hồng Trang, với đơn giá 10.000 đồng/cp, tương đương giá vốn 338,4 tỉ đồng.

Đến tháng 10/2021, TBH đã bán toàn bộ số cổ phiếu này cho hai thể nhân khác là bà Trần Thị Hà và Lưu Hoàng Anh với giá 22.000 đồng, gấp 2,2 lần giá vốn. Đồng nghĩa, thương vụ "lướt sóng" cổ phiếu Ngọc Viễn Đông giúp TBH thu về khoản lãi 406 tỉ đồng.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, đầu tháng 3/2022, bà Lưu Hoàng Anh đã thế chấp toàn bộ 16,2 triệu cổ phần của Ngọc Viễn Đông tại CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KISVN), với mức định giá 35.215 đồng/cp (theo Báo cáo kết quả thẩm định giá số 0464/BC-ECOMAX tại ngày 6/12/2021). Cùng với đó, bà Phùng Thị Mai cũng đăng ký thế chấp 37,8 triệu cổ phần Ngọc Viễn Đông tại KISVN.

Nếu tính theo mức giá vừa nêu, với quy mô vốn điều lệ 720 tỉ đồng, tương đương 72 triệu cổ phiếu đang lưu hành, mức định giá của Ngọc Viễn Đông đạt 2.535,4 tỉ đồng.

LPBank mua Corebanking T24 của tập đoàn Thụy Sĩ

Ngày 22/9, LPBank và Temenos (Thụy Sĩ) đã ký hợp đồng hợp tác triển khai giải pháp hệ thống Corebanking T24. Hệ thống này hiện được sử dụng tại hơn 3.000 ngân hàng trên thế giới. Tại Việt Nam, Corebanking T24 cũng được nhiều nhà băng lựa chọn, sử dụng, kể như: MB, Sacombank, VPBank…

“Việc lựa chọn triển khai T24, nền tảng tương đồng với các ngân hàng lớn sẽ giúp LPBank phát triển nhanh chóng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành Ngân hàng bán lẻ hàng đầu – Ngân hàng của mọi người”, ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank nhấn mạnh.

Sau khi được triển khai, Corebanking T24 của Temenos được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tối đa việc tự động hóa quy trình, qua đó giảm thiểu lỗi tác nghiệp, nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số nhanh chóng, mạnh mẽ và hiệu quả tại LPBank./.