Lợi nhuận khiêm tốn của các "đại gia" xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Khảo sát của VietTimes cho thấy, kết quả kinh doanh của nhiều ông lớn xăng dầu khiêm tốn đến bất ngờ, một số đơn vị - dù rất có số má - nhưng báo cáo tài chính lại cho kết quả thua lỗ triền miên. Vốn chủ sở hữu liên tục bị bào mòn nhưng...

Tổng kho xăng dầu DKC của TMD Group
Tổng kho xăng dầu DKC của TMD Group

Lĩnh vực bán lẻ xăng dầu bấy lâu nay vẫn được công chúng nhìn nhận là một ngành kinh doanh “màu mỡ”. Quan điểm ấy càng được củng cố nếu nhìn vào kết quả kinh doanh và biên lợi nhuận trong các năm gần đây của Petrolimex và PV Oil.

Nhưng đó mới chỉ là 70% “bức tranh” thị trường xăng dầu, được công bố bởi những doanh nghiệp do Nhà nước chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối.

Phần nhiều trong số những đầu mối xăng dầu khác, vốn chiếm trên dưới 30% thị phần còn lại, theo dữ liệu của VietTimes, có kết quả kinh doanh 4 năm gần nhất khá khiêm tốn, thậm chí thua lỗ. Ấy vậy mà nhiều đại gia xăng dầu vẫn không ngại ngần “khoe” độ giàu sang trước công chúng và vẫn có nguồn lực để liên tục mở rộng đế chế kinh doanh.

Trong đó có thể tới ông Ngô Văn Phát (Phát “dầu”) – vị đại gia nổi tiếng trong lĩnh vực xăng dầu phía Bắc, sở hữu hàng loạt biệt thự, lâu đài choáng ngợp trên địa bàn Hải Phòng và Thái Bình. Tuy nhiên, mới đây, vị "đại gia" này đã bị công an Hải Phòng bắt tạm giam để đều tra làm rõ hành vi lập công ty ma, mua bán trái phép hoá đơn.

Tìm hiểu sau đó của VietTimes cho thấy, tiếng là "đại gia xăng dầu" nhưng các doanh nghiệp của ông Phát “dầu” chỉ hạch toán lãi rất khiêm tốn, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Dữ liệu mở rộng thêm của VietTimes phát lộ, nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khác, có quy mô tài sản và doanh thu gấp nhiều lần so với hệ sinh thái của ông Phát “dầu” nhưng cũng chỉ báo lãi rất khiêm tốn, thậm chí thua lỗ triền miên, âm cả vốn chủ sở hữu. Nhưng... bất chấp lỗ, các đại gia này vẫn liên tục đẩy mạnh mở rộng sản xuất, lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác.

Nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ghi nhận doanh thu cả chục nghìn tỉ đồng, song báo lãi rất khiêm tốn...

Nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ghi nhận doanh thu cả chục nghìn tỉ đồng, song báo lãi rất khiêm tốn...

Những khoản lỗ “khủng” của TMD Group

Lĩnh vực xăng dầu là một trong những trụ cột quan trọng góp phần làm nên tên tuổi của CTCP Tập đoàn Thiên Minh Đức (TMD Group).

Như VietTimes từng đề cập, tập đoàn của gia đình bà Chu Thị Thành sở hữu hệ thống phân phối gồm 100 đại lý bán lẻ DKC Petro và khoảng 100 đơn vị mua hàng trực tiếp để phân phối trên toàn quốc.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm gần đây, doanh thu thuần của TMD Group có mức tăng trưởng đáng nể, tăng bằng lần trong giai đoạn 2016 – 2018.

Cụ thể, doanh thu thuần của TMD Group năm 2016 chỉ đạt 605,8 tỉ đồng thì năm 2017 đã tăng lên gấp 3,6 lần, đạt mức 2.180,9 tỉ đồng. Năm 2018, doanh thu của TMD Group đạt 6.175,6 tỉ đồng, cao gấp 2,8 lần so với năm 2017. Còn trong năm ngoái, TMD Group ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.836,9 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2018.

Doanh thu thuần tăng trưởng là vậy, song TMD Group lại liên tục báo lỗ, số lỗ qua các năm càng lớn. Như năm 2019, TMD Group báo lỗ 302,5 tỉ đồng, cao gần gấp 2 lần so với năm 2018. Khoản lỗ này kéo quy mô vốn chủ sở hữu của TMD Group từ mức 521,9 tỉ đồng (cuối năm 2018) xuống chỉ còn 346,4 tỉ đồng vào cuối năm 2019. Hay nói cách khác, TMD Group càng làm càng lỗ.

Dù thua lỗ triền miên, TMD Group vẫn tích cực mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư ngoài ngành.

Năm 2019, TMD Group đã đưa vào khai thác dự án “Tổng Kho xăng dầu DKC & các sản phẩm sau dầu mỏ”, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Đây là dự án tổng kho xăng dầu kết hợp cảng chuyên vận lớn nhất Bắc Trung Bộ, có trữ lượng 115.000 m3 (gồm kho ngoại quan và kho nội địa) và được kỳ vọng sẽ đóng góp ngân sách cho tỉnh Nghệ An hơn 1.000 tỉ đồng mỗi năm.

Không chỉ trong lĩnh vực xăng dầu, TMD Group còn có mối quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực bất động sản.

Cuối tháng 6/2020, TMD Group và ông Chu Đăng Khoa (SN 1982, con trai bà Chu Thị Thành) đã góp 250 tỉ đồng thành lập CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng khu công nghiệp Hà Nam (KCN Hà Nam). Công ty này đăng ký ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

“Ông trùm" xăng dầu Hải Linh

Xây lâu đài cũng là một trong những lựa chọn ưa chuộng của các “ông chủ” đầu mối xăng dầu. Không chỉ có ông Phát “dầu” mới có lâu đài, ông Lê Văn Tám (SN 1966), Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Linh (Hải Linh) cũng chung niềm đam mê với kiểu kiến trúc này. Toà lâu đài Hải Linh được đồn đoán là lâu đài lớn nhất Việt Nam với tổng mức đầu tư lên tới cả nghìn tỉ đồng.

Công ty Hải Linh được thành lập từ tháng 7/2002, có địa chỉ trụ sở chính tại Phú Thọ, hoạt động tích cực trong lĩnh vực xăng dầu và logistics.

Cập nhật tới tháng 6/2020, Hải Linh có quy mô vốn điều lệ ở mức 1.550 tỉ đồng. Trong đó, ông Lê Văn Tám góp 1.064,3 tỉ đồng, chiếm chi phối với tỷ lệ sở hữu 68,67% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại do bà Nguyễn Thị Hải (SN 1971), cùng địa chỉ thường trú với ông Lê Văn Tám, sở hữu.

Hải Linh là doanh nghiệp dẫn đầu về mặt doanh thu trong số các đầu mối tư nhân trong lĩnh vực xăng dầu.

Năm 2019, doanh thu thuần của Hải Linh đạt mức 18.879,6 tỉ đồng, tăng 6,8% so với năm 2018. Tuy nhiên, công ty này chỉ báo lợi nhuận thuần 46 tỉ đồng trong năm 2019.

Khoản lãi này khiến nhiều người không khỏi giật mình về độ khiêm tốn, đặc biệt là so với quy mô tài sản 12.258 tỉ đồng của Hải Linh tính đến ngày 31/12/2019.

Được biết, Hải Linh hiện đang sở hữu và đầu tư vào loạt dự án như Kho xăng dầu ngoại quan ở Cái Mép - Vũng Tàu có sức chứa 120.000m3 và đang được nâng công suất lên 320.000m3; Dự án xây dựng bể chứa khí hóa lỏng thiên nhiên sức chứa 220.000m3 tại Cái Mép Vũng Tàu; Nhà máy điện khí Hiệp Phước 1 (công suất 1.000MKW); Nhà máy điện khí Hiệp Phước 2 (công suất 1.500MKW).

Ngoài ra, trong số các đại gia xăng dầu, khó có thể bỏ qua Công ty Vận tải Thủy bộ Hải Hà (Hải Hà).

Doanh nghiệp có trụ sở tại Thái Bình là đơn vị nộp thuế lớn nhất tại địa phương, chỉ riêng năm 2019 đã đóng góp 2.100 tỉ đồng tiền thuế. Các năm trước đó, Hải Hà cũng đóng góp cho Thái Bình số thuế, phí khổng lồ, trên dưới 3.000 tỉ đồng mỗi năm, chiếm 30% số thu ngân sách của địa phương này. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh cũng không được khả quan.

Một đại gia khác cũng có doanh thu các năm gần đây lên tới cả chục nghìn tỉ là Công Ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng (Long Hưng).

Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 5/2005, có địa chỉ trụ sở tại TP. HCM, đăng ký ngành nghề chính là kinh doanh và vận tải xăng dầu.

Cập nhật tới tháng 3/2020, Long Hưng có quy mô vốn điều lệ đạt 500 tỉ đồng. Cơ cấu cổ đông đều là các cá nhân đăng ký cùng địa chỉ thường trú, bao gồm: bà Nguyễn Thị Hiền (70% VĐL), Nguyễn Tuấn Quỳnh (20% VĐL), Nguyễn Hoàng Bảo Long (5% VĐL) và Nguyễn Hoàng My (5% VĐL).

Long Hưng có nhiều mối hợp tác lớn như: Hợp đồng số 02/HĐ-EVNGENCO1 ngày 24/10/2018 với Tập đoàn Sumitomo – Nhà thầu EPC dự án NMNĐ Duyên Hải 3 Mở Rộng; Hợp đồng số: 37/HĐ/PVP.PVPE-LH/2019/HH ngày 14/08/2019 với Tổng công ty Điện Lực Dầu Khí Việt Nam./.