Lọc dầu Dung Quất nhận ưu đãi khủng để lãi “tí teo“

PVN cho biết, từ năm 2010 - 2014, các cơ chế ưu đãi về thuế nhập khẩu đã cứu Dung Quất thoát lỗ 27.600 tỉ đồng.
Lọc dầu Dung Quất nhận ưu đãi khủng để lãi “tí teo“

Ưu đãi vẫn lỗ

Theo báo cáo của PVN gửi Chính phủ, kết quả sản xuất kinh doanh của Dung Quất chịu tác động rất lớn từ cơ chế ưu đãi.

Từ năm 2009, sau đó là năm 2012, Chính phủ đã ban hành và hoàn thiện cơ chế cho Dung Quất được giữ lại một “giá trị ưu đãi” theo mức thuế nhập khẩu (3% đối với sản phẩm hóa dầu, 5% đối với khí LPG, 7% đối với xăng dầu). Có nghĩa trước khi bán ra thị trường, sản phẩm của Dung Quất được cộng vào giá bán 3-7% thuế nhập khẩu (tùy sản phẩm)...

Và “giá trị ưu đãi” mà Dung Quất được giữ lại, theo PVN, là rất lớn. Cụ thể, năm đầu tiên khi đi vào hoạt động, Dung Quất được giữ lại tới trên 3.300 tỉ đồng. Năm 2011 thấp nhất cũng đạt 1.836 tỉ. Cao nhất là năm 2014, Dung Quất được giữ lại tới trên 7.000 tỉ. Từ năm 2010 - 2014, tổng “giá trị ưu đãi” mà Dung Quất được hưởng từ cơ chế lên tới trên 26.000 tỉ đồng.

“Nếu không có cơ chế này, Dung Quất chưa bao giờ có lãi, thậm chí liên tục thua lỗ, năm lỗ ít nhất trên 3.100 tỉ, cao nhất là năm 2014 lỗ tới 7.136 tỉ đồng. Tính chung năm năm qua (từ năm 2010-2014), nếu không có khoản ưu đãi trên, Dung Quất lỗ lên tới 27.600 tỉ đồng!...”, báo cáo của PVN cho biết.

Trước đó, Dung Quất đã được hưởng rất nhiều ưu đãi khác như: miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm; được hưởng ưu đãi mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm; trong đó được miễn 4 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% suốt đời dự án công nghệ cao; miễn thuế đất trong 15 năm; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho người có thu nhập cao…

Tờ Tuổi trẻ nhận định, dù được hưởng ưu đãi, nhưng khi nhà máy đi vào vận hành thương mại tháng 5/2010, hai năm sau đó nhà máy này liên tục lỗ khủng. Năm 2011 lỗ 2.959 tỉ đồng, sáu tháng năm 2012 lỗ 2.299 tỉ đồng. Nguyên nhân là thời gian này thuế nhập khẩu xăng dầu chung thấp hơn mức ưu đãi 3-7% nên Dung Quất không có nguồn để được trích lại.

Trước tình hình đó, ngày 26/7/2012, PVN kiến nghị lên Chính phủ và sau đó có quyết định cho Dung Quất được giữ lại mức 3-7% thuế nhập khẩu, ngay trong trường hợp Nhà nước quy định thuế suất thuế nhập khẩu thấp hơn mức ưu đãi, Dung Quất sẽ vẫn được cấp khoản tiền này.

Đầu năm 2015 thuế nhập khẩu xăng ở mức 35% cho các thị trường đang hưởng thuế suất ưu đãi được Bộ Tài chính điều chỉnh cho giảm xuống còn 20% cho các thị trường được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Thuế nhập khẩu dầu diesel đang ở mức 30% được giảm xuống còn 5% cho năm 2015 và sau đó giảm về 0% cho năm 2016 đến năm 2018. Các mức giảm này chỉ áp dụng cho xăng dầu có xuất xứ từ các nước ASEAN. Trước bối cảnh này, Dung Quất lo lắng doanh nghiệp đầu mối có hướng chuyển sang nhập khẩu, giảm mua hàng từ Dung Quất.

Vì vậy, PVN đề nghị Chính phủ cho Dung Quất được kéo dài thời hạn hưởng cơ chế ưu đãi đến năm 2027 nếu không Dung Quất có khả năng phải đóng cửa.

Thế nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy. Theo cơ chế tài chính đặc thù áp dụng cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, ngay cả khi thuế suất nhập khẩu xăng dầu giảm xuống 0%, Dung Quất cũng không bị ảnh hưởng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ phải bù 7% này cho Dung Quất và phải gánh khoản lỗ này.

Theo Đất Việt