Được xây dựng từ năm 2005 với định hướng làm thay đổi vị thế của Việt Nam, một nước chỉ chuyên xuất khẩu dầu thô trước đó, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được vận hành sau đó 4 năm với nguồn dầu thô chế biến từ mỏ Bạch Hổ. Khi đó, tổng vốn đầu tư của dự án đã vượt 3 tỷ USD.
Giữa năm 2015, dự án nâng cấp và mở rộng nhà máy đã được thông qua với vốn đầu tư 1,82 tỷ USD, dự kiến hoàn thành năm 2021. Như vậy, tổng vốn đầu tư cho công trình này lên tới gần 5 tỷ USD.
Không ưu đãi lỗ 27.600 tỷ đồng, có ưu đãi lỗ 1.048 tỷ đồng
Năm 2008, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được thành lập với 100% vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), mục đích là tiếp nhận và vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Bắt đầu từ 30/5/2010, Dung Quất chính thức chuyển sang giai đoạn vận hành thương mại.
Đầu tư lớn, công sức bỏ ra cũng không nhỏ, đồng thời nhận được hàng loạt ưu đãi của Nhà nhước nhưng Dung Quất vẫn khiến dư luận hoài nghi về hiệu quả thực của dự án khi doanh nghiệp thua lỗ triền miên.
Trong một báo cáo gửi lên Chính phủ giữa năm 2015, PetroVietnam đã tiết lộ mức lỗ "khủng" của nhà máy này từ khi đi vào vận hành. Năm 2010, công ty lỗ gần 3.200 tỷ đồng, năm 2011 lỗ gần 4.800 tỷ đồng. Năm 2012, năm 2013 lần lượt lỗ trên 6.400 và 6.000 tỷ đồng. Năm 2014 Lọc hóa dầu Bình Sơn lỗ 7.136 tỷ đồng. Lũy kế từ khi đi vào vận hành thương mại, đơn vị này lỗ khoảng 27.600 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,2 tỷ USD).
Tuy nhiên, khoản ưu đãi giữ lại thuế nhập khẩu đã giúp gánh bớt lỗ cho Dung Quất, khi đơn vị này chỉ còn lỗ 1.300-3.000 tỷ đồng vào năm 2011 và 2012, trước khi hạch toán lãi gần 3.000 tỷ vào năm 2013 nhờ được giữ lại tới 8.856 tỷ đồng.
Năm 2014, doanh nghiệp cũng được giữ lại gần 7.200 tỷ đồng song do giá dầu thô lao dốc mạnh, công ty phải trích lập 1.900 tỷ đồng nên hạch toán chỉ lãi gần 150 tỷ. Như vậy, dù có ưu đãi nhưng Bình Sơn vẫn lỗ tổng cộng 1.048 tỷ đồng kể từ khi đưa vào vận hành.
Năm 2015, công ty thông báo lãi 6.000 tỷ đồng, song con số này cũng phần nhiều đến từ việc nhận ưu đãi thuế.
Những ưu đãi được hưởng
Cơ chế ưu đãi cho Dung Quất được đánh giá là rất lớn. Tháng 11/2009, Chính phủ đã ban hành quyết định cho phép Lọc hóa dầu Bình Sơn được giữ lại số tiền tương đương 3% thuế nhập khẩu mỗi năm đối với sản phẩm hóa dầu, 5% đối với LPG và 7% đối với các sản phẩm xăng dầu. Dung Quất sẽ không được cấp bù trong trường hợp thuế suất nhập khẩu thấp hơn mức ưu đãi.
Tuy nhiên, với ưu đãi này, năm 2011-2012, Dung Quất vẫn lỗ lớn do thuế suất nhập khẩu xăng dầu thời điểm đó thấp hơn mức giá trị ưu đãi. Trước tình hình đó, tháng 7/2012, PetroVietnam kiến nghị Chính phủ và sau đó có quyết định cho Dung Quất vẫn được giữ lại mức 3-7% thuế nhập khẩu, ngay trong trường hợp Nhà nước quy định thuế suất thuế nhập khẩu thấp hơn mức ưu đãi, doanh nghiệp sẽ vẫn được cấp bù khoản tiền này, kéo dài đến năm 2018.
Dung Quất còn được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% trong vòng 30 năm, trong đó miễn thuế hoàn toàn trong vòng 5 năm đầu, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo.
PetroVietnam có trách nhiệm xác định, phê duyệt và cấp bổ sung vốn điều lệ cho Dung Quất theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, tập đoàn sử dụng nguồn lãi dầu, khí chia cho nước chủ nhà được để lại hằng năm để cấp bổ sung vốn điều lệ cho Công ty Bình Sơn.
Tháng 6/2015, PetroVietnam tiếp tục kiến nghị lên Chính Phủ khi muốn gia hạn những ưu đãi trên đến năm 2027. Nếu được thông qua, các chính sách "đỡ đầu" cho Dung Quất sẽ kéo dài tới 17 năm.
Đầu năm 2016, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu với diesel, nhiên liệu bay Jet A1 về 0% trong khi của Dung Quất là 10%. Doanh nghiệp cho rằng mình thua thiệt, không thể cạnh tranh được với hàng nhập do thuế cao hơn.
Tuy nhiên, thực chất với ưu đãi hiện tại, doanh nghiệp chỉ phải nộp thuế nhập khẩu 3% với diesel và Jet A1, còn với xăng chỉ là 13%, thay vì mức 10-20% như họ phản ánh. Đặc biệt với mặt hàng xăng, Dung Quất đang có lợi thế so với sản phẩm nhập khẩu, do được giữ lại 7% thuế.
Bất cập về năng lực sản xuất, hiệu quả của Dung Quất càng lộ rõ nếu so sánh với các cơ sở trong khu vực như tại Singapore, khi các nhà máy này phải nhập dầu thô, sản xuất và mất thuế tại nước sở tại, cộng với chi phí vận chuyển, thuế chênh lệch… Do vậy, việc sản phẩm của nhà máy này tồn kho do không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, dẫn đến nguy cơ đóng cửa có thể "cấp bách" như Chủ tịch Lọc hóa dầu Bình Sơn - Nguyễn Hoài Giang nói. Tuy nhiên, với kết quả lỗ triền miên dù được ưu đãi lớn những năm qua, mấu chốt của vấn đề có lẽ không hẳn nằm ở chính sách thuế.
Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) hiện có vốn điều lệ 35.000 tỷ đồng, là một trong 6 doanh nghiệp quy mô lớn nhất Việt Nam. Lũy kế từ khi đưa vào vận hành đến cuối năm 2015, công ty đã sản xuất 36 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại, đạt doanh thu thuần khoảng trên 710.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 120.000 tỷ đồng.
Theo VnExpress