Lo ngại về an toàn trên xe tự lái Tesla

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Cơ quan quản lý đang điều tra các vụ tai nạn của xe Tesla liên quan đến công nghệ Autopilot - sử dụng camera và radar quan sát môi trường xung quanh.

Hôm 17/4, cảnh sát thành phố Houston, bang Texas, phát hiện chiếc xe Tesla Model S đời 2019 bị cháy. Các nhân viên cứu hỏa mất bốn giờ để dập tắt đám cháy, nhưng họ trở nên bối rối khi nhìn vào trong xe: hai nạn nhân 59 và 69 tuổi tử vong ở ghế sau, phía trước không có tài xế. "Vợ của một trong hai nạn nhân đã chứng kiến chiếc xe rời đi. Trước đó, họ đã thảo luận về tính năng lái xe tự động Autopilot của Tesla", cảnh sát trưởng bang Texas, Mark Herman, nói với truyền thông.

"Đây là một bi kịch nhưng đây không phải là một bất ngờ", Phil Koopman, Giám đốc công nghệ của công ty nghiên cứu Edge Case Research, nhận định. "Bạn có thể xem nhiều video trên YouTube về cảnh người nhảy khỏi ghế lái xe Tesla. Đã có những người không may mắn".

Vụ tai nạn khiến tham vọng về một chiếc xe tự lái hoàn toàn của Elon Musk bị nghi ngờ.

Elon Musk có tham vọng lớn về xe tự lái. Ảnh: Telegraph.
Elon Musk có tham vọng lớn về xe tự lái. Ảnh: Telegraph.

Hệ thống xe Tesla có hai chế độ tự lái: Autopilot và Tự lái hoàn toàn. Autopilot đã được áp dụng từ lâu, nhưng Tự lái hoàn toàn mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm. Công ty của tỷ phú Elon Musk dự định sẽ triển khai rộng rãi tính năng này cuối năm nay. Hiện gói thử nghiệm phần mềm Tự lái hoàn toàn có giá 10.000 USD.

Hôm 19/4, Tesla lần đầu lên tiếng về vụ tai nạn. Elon Musk đã phá vỡ sự lim lặng khi tuyên bố Autopilot không phải là nguyên nhân. Ông đổ lỗi cho làn đường không có vạch chỉ dẫn - yếu tố khiến Autopilot không kích hoạt được điều hướng xe.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều có chung nhận định rằng trong vụ tai nạn này, tính năng Autopilot được bật hay không chưa hẳn là vấn đề chính. Điều đáng quan tâm hơn là các tài xế đang có xu hướng rời khỏi tay lái vì tin tưởng hệ thống tự lái của xe Tesla.

Tesla - công ty gần đây đã giải tán nhóm truyền thông của mình - tuyên bố rằng tài xế phải luôn ngồi sau tay lái và chú ý ngay cả khi tính năng Autopilot được bật. Hãng cũng nhấn mạnh chế độ Tự lái hoàn toàn vẫn yêu cầu một tài xế. Trong thư gửi đến Sở Quản lý Cơ giới (DMV) California, luật sư của Tesla cũng nhấn mạnh "Autopilot và Tự lái hoàn toàn không phải hệ thống tự hành".

Dù đã được khuyến cáo, những video ghi lại cảnh tài xế Tesla rời tay khỏi vô lăng rất lâu, ngủ gật trên tay lái hoặc không ngồi ở ghế lái, đang lan truyền mạnh mẽ trên YouTube và mạng xã hội. Bản thân Elon Musk cũng từng làm điều này khi bật Autopilot và rời tay lái trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình năm 2018.

Một chiếc SUV điện của Tesla đâm vào rào chắn cao tốc 101 ở Mountain View năm 2018. Ảnh: Reuters.
Một chiếc SUV điện của Tesla đâm vào rào chắn cao tốc 101 ở Mountain View năm 2018. Ảnh: Reuters.

Việc ngày càng nhiều video về tài xế phó mặc cho chế độ Autopilot và nhiều người không đọc hướng dẫn sử dụng xe Tesla khiến ngày càng có nhiều vụ tai nạn. Theo báo cáo an toàn do Tesla công bố, trong ba tháng đầu 2020, khoảng cách trung bình mỗi vụ tai nạn của xe hãng này là 4,19 triệu dặm, thấp hơn nhiều so với 484.000 dặm mà Cục An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia thống kê. Tuy nhiên, tỷ lệ trên đã không cải thiện trong hai năm qua.

Carla Bailo, Chủ tịch của tổ chức Center for Automotive Research ở Michigan, cho rằng Tesla đã không có những khuyến cáo cụ thể về chế độ Autopilot và FSD cho khách hàng. "Tôi không biết có bao nhiêu người đã đọc hướng dẫn sử dụng ôtô trước khi cầm lái", Bailo nói. "Nếu đại lý không làm điều này, ít nhất Tesla cũng phải có cảnh báo theo cách trực quan nhất để giúp tài xế có thể học nhanh".

Chuyên gia này cũng cho rằng Tesla cần cải thiện hoạt động tiếp thị, đặc biệt là phải giải thích chi tiết các tính năng như Autopilot và Tự lái hoàn toàn để tránh "gây hiểu lầm" cho công chúng. "Tesla đang đặt tên cho các công nghệ như Autopilot chưa chính xác. Điều này có thể khiến tài xế hiểu sai về tính năng", bà Bailo chia sẻ.

Ding Zhao, trợ lý giáo sư tại Đại học Carnegie Mellon, người làm việc với Uber, Toyota và Bosch, cho rằng cần có một quy chuẩn để đánh giá mức độ an toàn của các phương tiện thông minh được hỗ trợ bởi AI . "Việc ứng dụng công nghệ để giảm nguy cơ tai nạn cho xe tự lái là cần được đầu tư. Tuy nhiên, các công ty, viện nghiên cứu và các cơ quan quản lý cần phải làm việc cùng nhau để đưa ra các biện pháp an toàn cho công nghệ đó trước khi áp dụng lên xe", Zhao cho biết.

Theo VnExpress