Trận đánh bùng lên tại vùng Deir Ezzor, miền Đông Syria, ở một tiền đồn gồm 30 lính biệt kích Mỹ, bị một lực lượng hùng hậu khoảng 500 lính đánh thuê Nga và người Syria thân chính phủ bao vây. Trước những thông tin nhỏ giọt về sự kiện này, báo chí Mỹ, đi đầu là tờ New York Times, đã tìm hiểu kỹ lưỡng, tiến hành một loạt những cuộc phỏng vấn với các quan chức Lầu Năm Góc, thu thập thêm nhiều tài liệu mới và đã công bố kết quả điều tra trong bài viết mang tựa đề rất chi tiết: «Diễn tiến 4 tiếng đồng hồ giao tranh tại Syria giữa lính đánh thuê Nga và lực lượng biệt kích Mỹ».
Nhật báo Mỹ xác định chiến trường là một điểm tiền tiêu của một đơn vị lính biệt kích Mỹ, gần một khu khí đốt của tập đoàn Mỹ Conoco tại miền đông Syria.
Theo New York Times, dù Bộ Quốc phòng Mỹ không ra thông cáo chính thức, nhưng có thể xem đây là một lời thừa nhận công khai về một trận đánh đẫm máu nhất mà lực lượng Mỹ tại Syria phải trải qua từ lúc bắt đầu chiến dịch chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tại Syria vào năm 2014.
New York Times đã tiết lộ nhiều chi tiết được giữ kín từ trước đến nay: Trước hết là quân số ít ỏi của lực lượng Mỹ tại tiền đồn này, chỉ gồm 30 người, nhưng thuộc loại thiện chiến nhất của quân đội Mỹ hiện nay. Đó là những người lính biệt kích Delta thuộc Lực lượng Tác chiến Đặc nhiệm số 1 và Trung đoàn 75 Biệt động quân (Ranger) được triển khai tại đó để cố vấn và hỗ trợ lực lượng người Kurd gần một nhà máy khí đốt quan trọng của tập đoàn dầu khí Mỹ Conoco. Cho đến nay, chính quyền Mỹ không bao giờ thừa nhận là đã phái các đơn vị biệt kích Delta tới Syria.
Theo tờ New York Times, một trung đội Thủy quân cục chiến và Lực lượng Đặc nhiệm ở cách đó 20 dặm có nhiệm vụ cung cấp cho đơn vị biệt kích này mọi thông tin giám sát và tình báo cần thiết.
Chính nhờ vậy mà trong suốt ngày 7/2, đội biệt kích ở hiện trường được biết là họ đang bị một lực lượng đông hơn gấp chục lần bao vây : Hơn 500 tay súng của lực lượng thân Damas, 27 xe cơ giới khác nhau trong đó có 3 xe tăng T-72 do Nga chế tạo, và nhiều xe thiết giáp.
Nhận thấy các động thái bao vây của đối phương nhờ các máy bay không người lái ở khắp nơi trên bầu trời khu vực, lực lượng Thủy quân lục chiến và lực lượng Đặc nhiệm Mũ nồi xanh Mỹ tại căn cứ yểm trợ bắt đầu tập hợp một lực phản ứng nhanh để sẵn sàng ứng phó nếu tình hình ở tiền đồn Conoco xấu đi.
Đến khoảng 10 giờ tối ngày 7/2, lực lượng lính đánh thuê Nga và người Syria bắt đầu pháo kích vào tiền đồn Conoco.
Theo New York Times, trong vòng 15 phút đầu tiên, các quan chức quân đội Mỹ đã gọi cho các đối tác Nga và kêu gọi họ ngừng cuộc tấn công. Sở dĩ Mỹ đã gọi Nga là vì thông qua việc giám sát các liên lạc vô tuyến điện của đối phương, quân đội Mỹ đã nhận thấy rằng một thành phần trong lực lượng thân Damascus nói tiếng Nga,
Lo ngại rằng có thể nổ ra đụng độ giữa hai quân đội Nga và Mỹ, dẫn đến những hậu quả địa chính trị to lớn, dẫn tới xung đột giữa hai cường quốc, Lầu Năm Góc đã liên lạc với phía Nga, và Nga đã khẳng định rằng không hề có quân đội của họ trên hiện trường.
Tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã báo cáo với các thượng nghị sĩ: "Chỉ huy cao cấp của Nga tại Syria đã đảm bảo với phía Mỹ rằng đó không phải là người của họ". Ông Mattis cho biết là ngay sau đó ông chỉ đạo cho tướng Joseph Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, là phải tiêu diệt ngay lực lượng tấn công. Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy.
Trên hiện trường, các động thái của lực lượng bao vây tiền đồn Conoco cũng lọt vào tầm giám sát của Trung tâm Điều phối Các phi vụ hỗn hợp tại căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar. Và trung tâm này đã cử ngay máy bay đến yểm trợ cho đơn vị cố thủ tại tiền đồn khi chiến sự bắt đầu.
Theo New York Time, từng đợt chiến đấu cơ của Mỹ đã lao vào cuộc, từ UAV tấn công Reaper, chiến đấu cơ tàng hình F-22, tiêm kích F-15E, cho đến máy bay vũ trang hạng nặng AC-130 và trực thăng tấn công AH-64 Apache. Thậm chí pháo đài bay B-52 cũng được tung vào trận.
Theo các quan chức Mỹ, trong ba tiếng đồng hồ, lực lượng đối phương đã bị đánh tan tác, từ binh lính, xe tăng, cho đến các phương tiện khác.
Yếu điểm duy nhất của phía Mỹ là lực lượng phản ứng nhanh đã không đến nơi nhanh chóng được.
Toán Thủy quân lục chiến và Mũ nồi xanh Mỹ đã phải mất gần ba tiếng rưỡi đồng hồ để di chuyển trên một đoạn đường 20 dặm. Theo New York Times, lý do là tài xế lái xe không được dùng đèn pha mà chỉ được quyền sử dụng thiết bị nhìn ban đêm để tránh lộ vị trí, trong lúc đường đi thì đầy hố bom và chằng chịt dây điện do những cột điện ngổn ngang. Đi được giữa đường thì đội quân tăng viện phải tạm dừng, chờ không quân vô hiệu hóa pháo binh và xe tăng đối phương rồi mới đi tiếp.
Đội phản ứng nhanh cuối cùng đã đến được tiền đồn Conoco vào khoảng 1h30 sáng. Lính đánh thuê Nga liền rời bỏ các chiếc xe của họ đang bốc cháy và lao tới tấn công đoàn tiếp ứng. Hai bên giao chiến đến khoảng 2h30 sáng thì lực lượng lính đánh thuê bỏ cuộc và rút lui.
Nếu lực lượng Nga bao gồm chủ yếu là lính đánh thuê thuộc công ty tư nhân Wagner, thì bên phía Mỹ hầu như tất cả các quân chủng đều tham gia trận đánh (ngoại trừ Hải quân và Tuần duyên). Bên cạnh đó, cũng có một số nhỏ chiến binh người Kurdistan và Ả Rập đồng minh của Mỹ đến tăng viện.
Về số thương vong, phía tấn công ước tính có từ 200 đến 300 người thiệt mạng. Phía Mỹ được cho là không có một tổn thất nào. Sau một vài ngày phủ nhận vụ việc, cho rằng thông tin về vụ người Nga bị chết ở Syria là hoàn toàn thất thiệt, Matxcơva ngày 15/2 đã công nhận là "có 5 công dân Nga bị thiệt mạng ở vùng Deir Ezzor vì xung đột vũ trang", nhưng đó "không phải là quân nhân Nga".
Một số nguồn tin từ giới có quan hệ với lính đánh thuê Nga thì đã cho hãng tin Anh Reuters biết là có đến 550 tay súng thuộc công ty Wagner của Nga tham gia trận đánh Deir Ezzor, và khoảng 300 người trong số này đã bị chết hay bị thương.
Bài điều tra của New York Times là tài liệu rõ ràng nhất từ trước đến nay về trận đánh có quy mô chưa từng thấy giữa lính Mỹ và lực lượng lính đánh thuê Nga từ thời chiến tranh lạnh đến nay, một sự cố mà cả Washington lẫn Matxcơva đều không muốn làm lớn chuyện.