Corona Care
Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP Dịch vụ và Đầu tư Lian (Lian) mới được thành lập vào tháng 5/2019, với quy mô vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 40 tỷ đồng.
Trong đó, nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên (“Shark” Liên) cùng Cty TNHH Đầu tư AAA Plus, do “Shark” Liên đảm nhiệm vai trò Giám đốc, góp tổng cộng 10 tỷ đồng, sở hữu 25% vốn điều lệ.
Số vốn góp còn lại tương đương với 75% cổ phần của Lian do CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS). Theo dữ liệu của VietTimes, VASS thậm chí đã có cam kết góp 37,5 tỷ đồng và Lian.
Tuy nhiên, tính đến ngày 31/12/2019, VASS mới chỉ góp được 38% số vốn đã cam kết vào Lian.
Đáng chú ý, do Lian kinh doanh lỗ trong năm 2019 nên VASS đã phải trích lập dự phòng 222 triệu đồng cho khoản đầu tư này.
Lian được biết tới là đơn vị phát triển ứng dụng di động cùng tên trên nền tảng iOS/Android nhằm giúp các cá nhân tìm hiểu và đăng ký các gói bảo hiểm của VASS.
Đây dường như là một trong những nỗ lực của ban lãnh đạo VASS nhằm kết hợp hình thức kinh doanh bảo hiểm truyền thống và trên ứng dụng phần mềm điện tử nhằm kích thích doanh thu.
Được biết, từ đầu tháng 2/2020, Lian bắt đầu triển khai bán gói bảo hiểm “Corona Care” với mức chi phí chỉ 200.000 đồng/người/năm. Quyền lợi bảo hiểm tối đa lên tới 100 triệu đồng/người cho bất kỳ khách hàng có xét nghiệm dương tính với Corona sau thời điểm mua bảo hiểm, mà không giới hạn độ tuổi.
Sản phẩm bảo hiểm Corona Care của Lian (Ảnh: lianvass.com)
|
Theo quảng bá từ công ty, khi mua gói bảo hiểm này, người dùng được hỗ trợ các chi phí y tế thực tế hợp lý liên quan đến việc điều trị bệnh Corona kể từ ngày đầu tiên khi nhập viện đến khi được điều trị khỏi bệnh.
Trường hợp bị tử vong do bệnh viêm phổi Corona thuộc phạm vi bảo hiểm, LIAN sẽ trả toàn bộ số tiền bảo hiểm ghi trong hợp đồng bảo hiểm hoặc Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Khi dịch bệnh Covid-19 do chủng mới của virus Corona gây nên có nhiều diễn biến khó lường, các gói bảo hiểm tương tự như của Lian đã nhận được sự quan tâm lớn của người dân.
Dù “Shark” Liên cho biết không tìm cách kiếm lời từ đại dịch này, song việc chào mời gói bảo hiểm đánh trúng tâm lý khách hàng đã cho thấy sự nhạy bén trong kinh doanh của nữ doanh nhân này.
Điều ấy phần nào được thể hiện rõ nét trong những thương vụ của một số công ty liên quan tới “Shark Liên” và VASS - nơi người em gái của nữ doanh nhân này là bà Đỗ Thị Minh Đức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và nắm sở hữu chi phối.
VASS và những thương vụ liên quan tới “người nội bộ”
Năm 2019, VASS đã hoàn tất việc mua lại khu đất rộng 291,68 m2 (cùng công trình xây dựng) tại địa chỉ số 19 Phùng Khắc Khoan (Phường Đa Kao, Quận 1, TP. HCM) từ chính “Shark” Liên.
Số tiền mà VASS đã phải bỏ ra để mua lại bất động sản này lên tới 380 tỷ đồng (tương ứng 1,3 tỷ đồng/m2).
Đáng chú ý, “thương vụ bạc tỷ” với bà Đỗ Thị Kim Liên được VASS thực hiện khi vẫn chưa xóa xong số lỗ lũy kế tích lũy từ nhiều năm trước. Hiện khu đất này đang được VASS và Lian sử dụng làm trụ sở chính.
Khu đất số 19 Phùng Khắc Khoan mà VASS mua lại từ "Shark" Liên (Ảnh: T.H.H)
|
Cũng trong năm 2019, VASS cho biết đã thu hồi toàn bộ hơn 5,1 triệu cổ phiếu trị giá 125 tỷ đồng là khoản đầu tư và CTCP Đầu tư Toàn Mỹ 14 (Toàn Mỹ 14) theo yêu cầu của Bộ Tài Chính. Được biết, VASS đã từng mua số cổ phần tại Toàn Mỹ 14 từ chính nữ Chủ tịch Đỗ Thị Minh Đức.
Bên cạnh đó, như VietTimes từng đề cập, VASS từng ký hợp đồng cho vay với CTCP Cấp nước Aqua One, với cam kết cho công ty của “Shark” Liên vay hạn mức không quá 50 tỷ đồng tại mọi thời điểm trong năm nhằm mục đích sản xuất kinh doanh.
Thương vụ hời của “shark” Liên tại Nhà máy nước mặt Sông Đuống |
Tính đến ngày 30/6/2019, dư nợ của khoản vay này là 32,1 tỷ đồng. Song đến cuối năm 2019, VASS không ghi nhận dư nợ khoản cho vay với Aqua One.
Thay vào đó, VASS dành hàng trăm tỷ đồng để cho vay dài hạn CTCP Đầu tư Thái Bảo, CTCP Bảo Đảm Vina, CTCP Animus Việt Nam với mức lãi suất chỉ 6%/năm, nhằm mục đích “kết nối kinh doanh”. Bên cạnh đó, VASS cũng dành 50 tỷ đồng để đầu tư trái phiếu của Chứng khoán Vietinbank.
Dấu hỏi về hoạt động liên tục của VASS
Năm 2019, VASS báo lãi sau thuế đạt 91,9 tỷ đồng (giảm 12.26% so với năm 2018). Tuy vậy, kết quả kinh doanh này chưa thật sự vững chắc.
Bởi lẽ, theo kiểm toán viên, VASS có khoản phải thu dài hạn giá trị hơn 84,6 tỷ đồng tồn tại từ năm 2010, 2011 được đánh giá không thể thu hồi. VASS mới chỉ tiến hành lập 60% số dư nợ gốc nên chưa dự phòng đầy đủ khoản phải thu khó đòi này.
Theo đơn vị kiểm toán, nếu tiến hành xử lý và trích lập dự phòng tỷ lệ 100% đối với các khoản phải thu khó đòi này, thì ảnh hưởng đến khoản mục tài sản trên bảng cân đối kế toán và nguồn vốn chủ sở hữu giảm là 33,85 tỷ đồng. Đồng thời, trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế cũng giảm một khoản tương ứng.
Thêm nữa, đến ngày lập báo cáo, đơn vị kiểm toán vẫn chưa nhận được các thư xác nhận số dư tại ngày 31/12/2019 cho các khoản phải thu và phải trả của hoạt động nhận tái và nhượng bảo hiểm của VASS.
Do đó, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến loại trừ và đưa ra lưu ý về tính hoạt động liên tục của VASS.
Báo cáo tài chính năm 2019 đã kiểm toán của VASS cho thấy, công ty có các chỉ số tài chính xấu hơn mức bình thường. Cụ thể, nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (-393,9 tỷ đồng) âm quá 78,8% vốn góp chủ sở hữu.
Đơn vị kiểm toán cho biết, đến 31/12/2019, Ban Tổng Giám đốc hiểu rõ tình hình VASS đang có các dấu hiệu ảnh hưởng tính hoạt động liên tục. Ban Tổng Giám đốc của VASS và cam kết công ty vẫn sẽ hoạt động liên tục trong tương lai dưa trên bảng kế hoạch về các hành động cải thiện khả năng hoạt động liên tục, cùng với sự hỗ trợ vốn từ cổ đông mới và sự hợp tác cơ cấu, giãn nợ từ các chủ nợ.
Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô vốn góp của VASS là 500 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Thủ Phủ Tre Bamboo (BCG) góp 260 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ sở hữu 52%. Được biết, việc tham gia góp vốn của BCG tại VASS có liên quan tới hợp đồng hợp tác đầu tư giữa công ty này và bà Đỗ Thị Minh Đức (Chủ tịch HĐQT của VASS).
Ngoài ra, báo cáo tài chính của VASS cũng cho thấy, công ty này còn ghi nhận khoản phải trả hơn 22,5 tỷ đồng với Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Đây là khoản nợ gốc tiền Vinataba nộp tăng vốn nhưng không phát hành thành công.
VASS cho biết đang tiến hành hoàn trả dần số tiền này thông qua việc hợp tác ký các hợp đồng bảo hiểm với Vinataba để cấn trừ nợ./.