Lấy ý kiến đánh thuế nhà và tài sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương về việc nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi các luật thuế, trong đó có việc đánh thuế đối với nhà và tài sản.
Bộ Tài chính tiếp tục xin ý kiến góp ý đánh thuế nhà và tài sản (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Bộ Tài chính tiếp tục xin ý kiến góp ý đánh thuế nhà và tài sản (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị các bộ ngành, địa phương góp ý nghiên cứu xây dựng Luật thuế tài sản và bổ sung đánh thuế đối với nhà trước ngày 15/4/2022.

Các nội dung góp ý có thể bao gồm đề xuất gộp Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản (nếu có).

Bên cạnh đó, các góp ý cũng cần đánh giá tác động của nội dung sửa đổi đối với kinh tế xã hội, doanh nghiệp, người dân và ngân sách Nhà nước, đánh giá tính cấp thiết của nội dung đề xuất sửa đổi.

Như VietTimes từng đề cập, trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt, việc bổ sung thêm thuế tài sản nhà ở được cho là giúp ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở và đảm bảo quyền lợi của nhà nước.

Được biết, các khoản thu đối với bất động sản hiện nay bao gồm: thu khi xác lập và đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; thu trong quá trình sử dụng tài sản gồm thuế sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng đất phi nông nghiệp; thu khi chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Bộ Tài chính cho rằng, việc đánh thuế bất động sản cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để đảm bảo tính khả thi, đồng thuận, góp phần hạn chế đầu cơ bất động sản.

Trước đó, vào năm 2018, Bộ Tài chính cũng từng lấy ý kiến xây dựng Luật thuế tài sản với đối tượng chính nhắm đến là nhà, đất. Tuy nhiên, dự thảo luật này nhận nhiều ý kiến trái chiều nên chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật./.