Đánh thuế nhà giàu, “bài toán khó” của Singapore

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đối với phần lớn thế giới bên ngoài, Singapore là một “thiên đường” với mức thuế thấp và thịnh vượng cho tất cả mọi người. Trên thực tế, đảo quốc này đang bắt đầu có những hoài nghi về mô hình được ngưỡng mộ của mình...
Biệt thự ở khu Caldecott Hill, một khu nhà giàu của Singapore - Ảnh: Bloomberg.
Biệt thự ở khu Caldecott Hill, một khu nhà giàu của Singapore - Ảnh: Bloomberg.

Theo hãng tin Bloomberg, người dân Singapore đang ngày càng lo ngại rằng di động xã hội (social mobility – vận động của con người từ một vị trí xã hội thấp hơn đến một vị trí xã hội cao hơn trong hệ thống phân tầng xã hội) đã chậm lại. Mối lo này đang buộc Chính phủ Singapore xem xét lại một số chính sách vốn đã giúp nước này trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới.

Lao động ngoại quốc là một trong những đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng. Tiêu chuẩn tuyển dụng được thắt chặt hơn sau khi cạnh tranh việc làm trở thành một chủ đề chính trong cuộc bầu cử 2020 của Singapore. Tại kỳ bầu cử đó, Đảng Nhân dân hành động (PAP) cầm quyền giành được tỷ lệ ghế thấp nhất trong Quốc hội Singapore kể khi bắt đầu lãnh đạo nước này vào năm 1965.

Tầng lớp nhà giàu có thể sẽ là đối tượng tiếp theo.

HỆ THỐNG ĐÃ ĐẾN LÚC CẦN CẢI TỔ

Chính phủ Singapore đang xem xét mở rộng hệ thống thuế tài sản ngoài những thuế đã có đánh vào bất động sản và ô tô, sau khi một số quan chức cốt cán gồm thống đốc ngân hàng trung ương và Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này lên tiếng cảnh báo về bất bình đẳng giàu nghèo. Thủ tướng Lý Hiển Long đã phát tín hiệu rằng việc điều chỉnh thuế có thể được đưa ra trong kế hoạch ngân sách hàng năm dự kiến được công bố vào ngày 18/2.

Những vết rạn trong mô hình kinh tế của Singapore, bao gồm khoảng cách giàu nghèo gia tăng và khó khăn trong việc mua nhà ở bình dân, vốn dĩ đã xuất hiện ở nhiều thành phố lớn trên thế giới. Đại dịch Covid-19 càng khiến những thách thức này thêm lớn do ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của nhiều người. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), có tới 150 triệu người trên toàn cầu bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực do Covid. Trong khi đó, tổng tài sản của 500 người giàu nhất thế giới tăng hơn 1 nghìn tỷ USD kể từ khi đại dịch xảy ra.

Một khu nhà ở xã hội ở Ang Mo Kio, Singapore - Ảnh: Bloomberg.
Một khu nhà ở xã hội ở Ang Mo Kio, Singapore - Ảnh: Bloomberg.

“Bất bình đẳng thu nhập đang gia tăng, nhưng chênh lệch giàu nghèo còn trở nên rõ ràng hơn nhiều, chủ yếu do giá tài sản tăng lên theo thời gian”, ông Ho Kwon Ping, một doanh nhân kiêm cựu nhà báo được coi là một trong những nhà trí thức được nể trọng nhất ở Singapore, phát biểu.

“Chế độ trọng dụng nhân tài ở Singapore không phải là một khẩu hiệu suông của giới tinh hoa quyền lực. Tuy nhiên, di động xã hội đang giảm so với trước đây. Chính phủ nhận thấy rằng cần phải cải tổ hệ thống”, ông Ho nói.

Sự giàu có của Singapore được xây dựng dựa trên địa vị một nền kinh tế ổn định, có độ mở lớn, tiến bộ về công nghệ, và mức thuế thấp. Tài sản thừa kế, cổ tức, thu nhập từ đầu tư, và tài sản gia tăng đều không bị đánh thuế ở nước này.

Nhờ đó, Singapore trở thành một nơi thu hút những người thuộc tầng lớn giàu nhất thế giới, từ nhà đồng sáng lập Facebook Eduardo Saverin cho tới tỷ phú Forrest Li – nhà sáng lập Sea Ltd., công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Shopee. Nhờ số người giàu lớn, Singapore phát triển mạnh các ngành ngân hàng phục vụ tư nhân, văn phòng đầu tư tài sản gia đình, và quản lý tài sản.

Dấu hiệu xa xỉ hiện diện khắp mọi nơi ở Singapore. Doanh số bán biệt thự dạng bungalow cao cấp ở nước này tăng gấp 3 lần trong năm 2021, theo số liệu của Knight Frank Singapore. Số thành viên câu lạc bộ golf tăng 40% so với mức trước đại dịch, dù giá thẻ là 350.000 Đôla Singapore, tương đương 262.000 USD, mỗi năm đối với cả người Singapore và người nước ngoài.

Tuy nhiên, trong năm 2020, thu nhập trung bình của hộ gia đình ở Singapore giảm lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ, với thiệt hại lớn nhất rơi vào nhóm 1/10 dân số nghèo nhất. Thu nhập thực tế giảm 6,1%, còn trung bình 560 Đôla Singapore/người/tháng trong năm 2020, trước khi phục hồi 4,7% trong năm 2021.

Lao động thu nhập thấp ở Singapore đang gặp nhiều khó khăn trong việc trang trải các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hàng ngày. Trong một vụ việc được nói đến gàn đây, một kỹ thuật viên kiểm soát côn trùng đã bị bắt giam vì từ chối xét nghiệm Covid. Người này sợ phải cách ly và mất 100 Đôla Singapore tiền trợ cấp đi làm hàng tháng. Vụ việc đã khiến Tổng thống Singapore Halimah Yacob lên tiếng kêu gọi tăng lương cho người lao động thu nhập thấp.

Sân golf ở khu Marina Bay, Singapore - Ảnh: Bloomberg.
Sân golf ở khu Marina Bay, Singapore - Ảnh: Bloomberg.

Và trong lúc những người giàu sở hữu nhiều bất động sản, những người thuộc tầng lớp nghèo nhất ở Singapore phải sống chen chúc trong những khu nhà ở công cộng với diện tích nhỏ hẹp.

Jalinah Jamaludin sống cùng chồng và 10 người con, tuổi từ 8-21, trong một căn hộ hai phòng ngủ rộng chưa đề 40 mét vuông được Chính phủ cho thuê. Người phụ nữ 45 tuổi này dành toàn bộ thời gian để chăm sóc chồng, một người không có đủ sức khoẻ để đi làm. Bởi vậy, thu nhập duy nhất của họ là khoản trợ cấp 1.900 Đôla Singapore mỗi tháng từ Chính phủ. Bà Jamadulin cho biết số tiền này không đủ để họ trang trải các nhu cầu thiết yếu.

“Chồng tôi và tôi chỉ ăn một bữa mỗi ngày, để các con có thêm cái ăn”, bà nói, và bày tỏ mong muốn Chính phủ có thể cho những gia đình đông người được thuê căn hộ lớn hơn. “Tôi vẫn nói với các con là việc học rất quan trọng. Nếu chúng học giỏi, chúng sẽ kiếm được công việc tốt và giúp được gia đình”.

GIÁO DỤC VÀ NHÀ Ở - HAI VẤN ĐỀ CHÍNH

Từ khi độc lập vào năm 1965, khẩu hiệu của Singapore là: hãy làm việc chăm chỉ và bạn sẽ đi lên. Giáo dục và sở hữu nhà được xem là hai yếu tố quan trọng nhất của di động xã hội. Dù khế ước xã hội của Singapore được neo buộc vào trách nhiệm cá nhân và gia đình – phản ánh giá trị Khổng giáo trong một xã hội mà người dân tộc Hoa chiếm đa số - Chính phủ sẽ giúp đỡ những người gặp khó khăn. Những câu chuyện từ nghèo khó vươn lên giàu có rất phổ biến trong lịch sử Singapore. Tỷ phú Goh Cheng Liang, 94 tuổi, một trong những người giàu nhất Singapore, khởi nghiệp bằng nghề bán lưới đánh cá và bán sơn tường chất lượng thấp. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Chan Chung Sing, một trong những ứng viên sáng giá kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long, được nuôi dạy bởi một người mẹ đơn thân làm một lúc hai công việc để kiếm sống.

Nhưng đối với nhiều người Sigapore, việc đi lên giờ đây có vẻ chậm hơn.

Chế độ nhân tài “thực sự phát huy hiệu quả khi Singapore còn là một nước đang phát triển”, ông Nydia Ngiow, Giám đốc công ty vấn chính ssachs chiến lược Bower Group Asia. “Nhưng những câu chuyện thành công bây giờ rất hiếm, và chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn”.

Giáo dục ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn ở Singapore, nhưng đồng thời cũng có sự phân tầng sâu sắc hơn. Những ngôi trường cao cấp được đặt tại những khu nhà giàu và trẻ em sống ở những khu đó hoặc có cha mẹ từng học ở trường đó được ưu tiên nhận vào trường. Những suất học bổng danh giá nhất của Chính phủ, đồng nghĩa với sự bảo đảm cong việc sau khi tốt nghiệp, thường được trao cho sinh viên của những trường tốt nhất, dù Chính phủ đã có những nỗ lực nhà đa dạng hoá đối tượng nhận học bổng trong những năm gần đây.

Nhà ở thậm chí còn quan trọng hơn trong an ninh tài chính của người Singapore. Gần 80% dân số nước này sống trong các khu chung cư công cộng – những căn hộ nhìn chung được bảo trì tốt – và mua được một căn hộ do nhà nước trợ giá là cách phổ biến để gia nhập thị trường bất động sản ở Singapore. Sau vài năm, người sở hữu căn hộ như vậy có thể bán kiếm lời và mua một căn nhà đắt hơn. Căn hộ nhà nước “không chỉ là một nơi ở mà còn là một tài sản đầu tư quan trọng”, ông Lý Hiển Long nói vào năm 2010.

Nhà ở xã hội tại quận Toa Payoh của Singapore - Ảnh: Bloomberg.
Nhà ở xã hội tại quận Toa Payoh của Singapore - Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, giá nhà tăng chóng mặt đồng nghĩa với giá bình quân của một bất động sản ở Singapore hiện nay tương đương 15 lần thu nhập trung bình hàng năm của một hộ gia đình ở nước này – theo một báo cáo của DBS Group hồi tháng 10 năm ngoái. Người mua nhà thuộc tầng lớp trung lưu bị đánh bật ra khỏi thị trường, và giá nhà được dự báo sẽ tiếp tục leo thang.

“Giá nhà tăng cao đã khiến nhiều người muốn mua nhưng không có đủ năng lực tài chính phải chuyển sang thuê nhà”, luật sư Jennifer Chia thuộc TSMP Law Corp. nhận định. Theo bà Chia, lạm phát cao cũng khiến cho việc tiết kiệm tiền trở nên khó khăn hơn đối với những người đang muốn dành dụm để mua nhà.

Từ trước đại dịch, bất bình đẳng đã trở thành một vấn đề nóng ở Singapore.

Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS) công bố vào năm 2017 cho thấy sự phân hoá xã hội sâu sắc nhất tại Singapore nằm ở tầng lớp thay vì sắc tộc hay tôn giáo. Năm 2017, nghiên cứu của OnePeople.sg – một tổ chức thúc đẩy hài hoà xã hội ở Singapore – cũng cho thấy giàu nghèo là vạch ranh giới xã hội lớn nhất tại nước này.

Khi đại dịch ập đến vào năm 2020, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân Singapore rất rõ rệt. Thu nhập trung bình của những hộ gia đình nộp đơn xin hỗ trợ tài chính từ quỹ từ thiện Beyond Social Services giảm 69% trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9/2020, từ 1.600 Đôla Singapore/người/tháng còn 500 Đôla Singapore/người/tháng.

Không phải là Singapore không có sự bảo vệ dành cho tầng lớp nghèo. Chính phủ nước này chi hơn 30% ngân sách hàng năm cho giáo dục, chăm sóc y tế và nhà ở bình dân. Nỗ lực nhằm mở rộng hơn cánh cửa của những trường học tốt nhất bao gồm tăng số vị trí cho những trẻ em không có mối liên hệ với trường và xoá bỏ việc lập nhóm học sinh dựa trên điểm số. Cùng với đó, những hộ gia đình sống trong các căn hộ nhà nước chỉ có 1-2 phòng ngủ được nhận nhiều trợ cấp hơn so với những gia đình sống trong các căn hộ lớn hơn.

SINGAPORE ĐƯỢC GÌ NẾU ĐÁNH THUẾ NGƯỜI GIÀU?

Tuy nhiên, Singapore có một số điểm yếu khiến cho việc giải quyết bất bình đẳng giàu nghèo trở nên khó khăn – theo nhà nghiên cứu cấp cao Ng Kok Hoe thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu. Chẳng hạn, hỗ trợ tài chính của Chính phủ đi kèm với những điều kiện nghiêm ngặt và không đủ để đáp ứng những nhu cầu căn bản – theo ông Ng.

“Sự hỗ trợ thường không hào phóng và việc lựa chọn đối tượng để hỗ trợ cũng rất nghiêm ngặt. Nói cách khác: quá ít, quá muộn”, ông Ng phát biểu và nói rằng ông nhận thấy “có dư địa đáng kể” để tăng thuế đánh vào tầng lớp giàu nhất.

“Những người giàu hơn nên đóng thuế tương xứng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore Lawrence Wong nói hồi tháng 10, cho biết Chính phủ đang nghiên cứu các lựa chọn tăng thuế đối với tầng lớp giàu có. Ông Ravi Menon, người đứng đầu Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), tức ngân hàng trung ương của nước này, cũng cho rằng Singapore nên dịch chuyển từ đánh thuế thu nhập sang đánh thuế tài sản, trong đó bất động sản và tài sản thừa kế là những lĩnh vực tiềm năng.

Ngay cả một số người thuộc tầng lớp giàu nhất ở Singapore cũng thể hiện quan điểm ủng hộ tăng thuế đánh vào người giàu.

“Thuế tài sản toàn cầu là rất cần thiết, vì không phải bất bình đẳng thu nhập mà chênh lệch giàu nghèo mới là sự chia rẽ sâu sắc nhất giữa những người siêu giàu và phần còn lại của thế giới, ông Ho – người nắm công ty Banyan Tree Holdings Ltd. điều hành các khách sạn và resort hạng sang tại 28 quốc gia – phát biểu.

“Vấn đề nằm ở chỗ chính sách kinh tế của Singapore một phần dựa trên thu hút những người siêu giàu. Thách thức là làm thế nào để đánh thuế họ nhiều hơn mà không khiến họ bỏ đi”, ông Ho nói thêm.

Thủ tướng Lý Hiển Long cũng từng chỉ ra rằng tài sản là thứ khó theo dõi hơn thu nhập. “Đó là một thứ vô định, bạn có thể tóm được nó ở đây, nhưng nó lại trồi lên ở một dạng khác ở một nơi khác”, ông Lý nói tại Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg hồi tháng 11. “Chúng ta cần một hệ thống thuế luỹ tiến và được mọi người chấp nhận, xem là hợp lý. Hợp lý có nghĩa là ai cũng phải đóng thuế. Nhưng nếu bạn có thể đóng thuế nhiều hơn, thì bạn nên đóng nhiều hơn”.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long - Ảnh: Bloomberg.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long - Ảnh: Bloomberg.

Đến nay, Chính phủ Singapore chưa phê chuẩn những đề xuất như tiền lương tối thiểu – một đề xuất được hậu thuẫn bởi đảng đối lập chính là Đảng Lao động. Thay vào đó, Chính phủ Singapore kêu gọi một “mô hình tiền lương luỹ tiến”, nhằm vào những ngành như ngành vệ sinh và cho phép người lao động được hưởng lương cao hơn nếu họ nâng cấp các kỹ năng.

Những ý tưởng được đưa ra ở Singapore trong những tháng gần đây bao gồm thuế đánh vào tài sản thừa kế hoặc bất động sản cao cấp, tương tự như đề xuất đang được đưa ra ở Anh. Ông Jamus Lim, một thành viên Đảng Lao động Singapore, đề xuất thuế 0,5% đánh vào tài sản ròng trên 10 triệu USD, tăng lên 2% đối với tài sản ròng trên 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, thuế tài sản thường không đóng góp được nhiều cho ngân khố quốc gia. Thuế này ở Thuỵ Sỹ chỉ mang về khoảng 3,5% thu ngân sách của Chính phủ - tỷ trọng cao nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Thuế tài sản với thuế xuất tương tự ở Singapore sẽ mang về khoảng 2,7 tỷ Đôla Singapore thu ngân sách mỗi năm, chỉ bằng 1/7 so với thu ngân sách từ thuế thu nhập doanh nghiệp ước tính trong tài khoá 2021 – theo chuyên gia cấp cao Christopher Gee thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS) của Singapore.

Tuy nhiên, thuế tài sản ở Singapore vẫn có thể giúp tăng nguồn quỹ cho những vực quan trọng như chống biến đổi khí hậu hoặc hỗ trợ người cao tuổi – ông Gee nói.

Ngoài ra, việc đánh thuế tài sản cũng cho thấy việc Chính phủ Singapore muốn thu hẹp khảng cách giàu nghèo – theo giáo sư Donald Low thuộc Viện Chính sách công thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông. Theo ông Low, tăng thu ngân sách không phải là mục tiêu chính của việc đánh thuế tài sản, ít nhất trong trường hợp Singapore, “mà là một tín hiệu về sự cam kết đạt bình đẳng xã hội”.

Một khu mua sắm ở Đại lộ Orchard, Singapore - Ảnh: Bloomberg.
Một khu mua sắm ở Đại lộ Orchard, Singapore - Ảnh: Bloomberg.

Cho dù thuế có tăng, Singapore vẫn còn nhiều thứ để hấp dẫn người giàu, nhất là người giàu từ các khu vực khác của châu Á. Biến động chính trị và các hạn chế nghiêm ngặt chống Covid đang làm suy giảm nghiêm trọng sức hút của Hồng Kông, đối thủ chính của Singapore trong khu vực về thu hút nhân tài và vốn. Trong khi đó, chủ trương “thịnh vượng chung” của Trung Quốc đang khiến nhiều doanh nhân giàu có của nước này lo lắng.

“Đưa ra thuế tài sản thấp và đơn giản sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến sức hấp dẫn của Singapore đối với giới tinh hoa toàn cầu”, ông Low phát biểu. “Ngược lại, không đánh thuế tài sản chẳng khác gì một sự lãng phí. Chúng ta đang cho đi quá nhiều để thu hút người giàu tới Singapore”.

Theo VnEconomy