Lật lại thương vụ “kim cương bọc kem” của anh em ông Hà Văn Thắm

Thôn tính thành công Kem Tràng Tiền, chưa cần xét đến các tài sản khác, riêng việc “sáp nhập” khu trụ sở “kim cương”, OCH - doanh nghiệp thuộc sở hữu của anh em ông Hà Trọng Nam – Hà Văn Thắm đã “đại thắng”.
Lật lại thương vụ “kim cương bọc kem” của anh em ông Hà Văn Thắm

“Miếng kim cương” bọc trong Kem Tràng Tiền

Ngày 31/12/2013, Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (HNX: OCH) chính thức ghi nhận việc nắm quyền kiểm soát tại Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền với tỷ lệ sở hữu 78,4%. Giá trị đầu tư của thương vụ là 117,6 tỷ đồng.

Câu chuyện thâu tóm đáng lẽ chẳng có gì đáng nói, kể cả việc OCH là một doanh nghiệp địa ốc, lĩnh vực nghe có vẻ chẳng nhiều liên quan với chuyện “làm kem” nhưng trên thực tế, thương vụ đã từng khiến dư luận phải một phen nổi sóng, bởi lẽ, ngoài thương hiệu kem nức tiếng (và nhiều tài sản khác), Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền còn là chủ nhân của 1.500 m2 đất “kim cương” tại 35 Tràng Tiền.

Mua thành công 78,4% quyền sở hữu Kem cũng có nghĩa OCH đã nắm quyền định đoạt với tất cả các tài sản của công ty, bao gồm cả lô đất 35 Tràng Tiền, một tài sản vốn dĩ thuộc sở hữu của Nhà nước trước khi Kem Tràng Tiền được cổ phần hóa.        

Trước khi nói về giá trị của lô đất “kim cương” cần thiết phải sơ lược một vài nét lịch sử của con phố mà nó tọa lạc: Xuất phát từ 1 trường đúc tiền đầu thế kỷ 19 (phố nằm trên khu đất nguyên là nơi mở trường đúc tiền vào năm 1808, có tên gọi chữ Hán là “Bảo Tuyền Cục”) trải qua nhiều thời kỳ xây dựng mở mang, Tràng Tiền đã trở thành 1 con phố thương mại sầm uất và giá trị bậc nhất giữa lòng thủ đô Hà Nội.

Vị trí “đại đắc địa”, kéo dài từ đầu hồ Gươm (chỗ phố Hàng Khay) cho tới nhà hát Lớn Hà Nội, mỗi tấc đất Tràng Tiền đúng nghĩa là một “tấc vàng”, bởi, theo đánh giá sơ bộ, giá thị trường khu đất xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm, trung tâm thủ đô Hà Nội vào khoảng 1 tỷ đồng/m2 (tương đương với mức giá mà tập đoàn Tân Hoàng Minh phải bỏ ra cho một m2 đất tại khu vực 22-24 phố Hàng Bài năm 2011).

OCH chính thức nắm quyền kiểm soát CTCP Kem Tràng Tiền kể từ ngày 31/12/2013

Như vậy, chưa cần xét đến các tài sản khác, với thương vụ thâu tóm Kem Tràng Tiền, riêng việc “sáp nhập” bất động sản 35 Tràng Tiền, OCH đã “thắng lớn”.

Về mặt giấy tờ, Kem Tràng Tiền mới chỉ chính thức được ghi nhận là “con” trên các Báo cáo tài chính của OCH kể từ ngày cuối cùng của năm 2013, tuy nhiên, điều đó dường như chỉ là một hệ quả mang tính tất yếu, bởi, “cuộc tình” thực tế đã bén duyên từ rất lâu trước đó.

Thế lực bí ẩn và câu chuyện của 15 năm trước

Trở lại 15 năm về trước, “sóng” đã sớm nổi ngay khi Kem Tràng Tiền vừa mới hoàn thành công cuộc cổ phần hóa.

Theo ghi nhận của VnExpress vào thời điểm đó, Công ty này bắt đầu hoạt động với tư cách công ty cổ phần từ 1/1/2000 với số vốn điều lệ là 3,2 tỷ đồng. Số vốn này được hình thành thông qua việc góp cổ phần và phát hành cổ phiếu, với 32.000 cổ phần, mỗi cổ phần là 100 nghìn đồng và đều được cán bộ công nhân công ty mua hết.

Vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp thực sự đã làm dư luận dấy lên những hồ nghi khi mà tổng mức vốn phần hóa chỉ vỏn vẹn ở mức 3,2 tỷ đồng - một con số quá nhỏ bé nếu so sánh với khối tài sản khổng lồ mà Kem Tràng Tiền đang sở hữu, đáng kể nhất là khu trụ sở tọa lạc tại địa thế cực đẹp, 35 Tràng Tiền.

Tất nhiên, “miếng bánh ngon” này nhanh chóng được để ý (và cũng thể là đã nằm trong một kế hoạch dài hơi). Chưa đầy một năm sau khi được cổ phần hóa với giá “bèo”, thế lực “ngầm” đã bắt đầu lộ diện.

Ông Lê Kim Thắng- Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Tràng Tiền lúc đó - cho biết: "Có một nhóm cá nhân ngoài công ty có tiềm lực tài chính đang tìm cách thôn tính toàn bộ doanh nghiệp của chúng tôi. Đến 15.10.2011, họ đã dùng số tiền lớn mua ngầm khoảng 80% số cổ phiếu của công ty” (theo ghi nhận trong một bài báo của VnExpress vào hạ tuần tháng 10/2011).

Theo đó, đã có rất nhiều cổ đông trong công ty được cho là câu kết với người ngoài nhằm bán tháo một số lượng lớn cổ phần. Đáng lưu ý, khi ban lãnh đạo của Công ty Tràng Tiền cho biết bên mua đều thông qua một người có tên là Nguyễn Văn H và các cổ phần đều được chào mua với giá thường cao gấp 7-10 lần giá trị ban đầu.

Như vậy, có thể thấy, chỉ cần bỏ ra số tiền từ 20-30 tỉ đồng là đã có thể thôn tính được Công ty Tràng Tiền với ưu thế siêu lợi nhuận về kinh doanh cũng như cơ sở hạ tầng.

Vụ việc đã tạm lắng xuống sau đó khi ban lãnh đạo công ty kéo lực lượng thanh tra vào cuộc nhằm hạn chế tình trạng bán tháo cổ phần.

Thế lực nào đứng sau thương vụ? Kem Tràng Tiền đã về tay ai?” – các câu hỏi của dư luận cứ mãi chìm trong im lặng cho đến tháng 9.2008 khi lời giải được hé lộ sau Đại hội cổ đông bất thường của Công ty Tràng Tiền. Ông Hà Trọng Nam - người nắm giữ hơn 92% số lượng cổ phiếu – đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Kem Tràng Tiền. Tới lúc này, nhiều ý kiến đã tin rằng tân Chủ tịch HĐQT chính là nhân vật bí ẩn đã đứng sau những vụ mua bán cổ phần của Công ty Tràng Tiền trong nhiều năm qua.

OCH đã ứng trước cho ông Hà Trọng Nam 500 tỷ đồng trong thương vụ chuyển nhượng cổ phần CTCP Tràng Tiền

500 tỷ đồng “cần làm rõ” trong thương vụ Tràng Tiền

Sau khi chính thức “ra mặt” và đảm nhiệm cương vị lãnh đạo tối cao tại Công ty, Chủ tịch Hà Trọng Nam đã tích cực đẩy mạnh công cuộc sáp nhập Kem Tràng Tiền vào Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương – một doanh nghiệp được sáng lập và sở hữu bởi ông (2,94%) và em trai – “đại giaHà Văn Thắm (75% thông qua OGC).

Báo cáo tài chính 2010 của OCH đã lần đầu ghi nhận một khoản phải thu dài hạn trị giá tới… 500 tỷ đồng liên quan đến cá nhân ông Hà Trọng Nam. Theo đó, khoản tiền nửa nghìn tỷ này được OCH giải thích là khoản ứng trước cho ông Hà Trọng Nam theo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 2510/2010/HĐ-CNCP ngày 25/10/2010 về việc Công ty nhận chuyển nhượng 634.700 cổ phần của Công ty Cổ phần Tràng Tiền từ nhóm cổ đông bao gồm bà Nguyễn Thị Lan Hương, ông Hà Văn Thắm và ông Hà Trọng Nam.

Liên quan đến thương vụ, OCH đã thực hiện đánh giá lại tài sản Công ty Cổ phần Tràng Tiền quản lý sử dụng bằng việc thuê chuyên gia định giá đánh giá lại tài sản.

Ban Giám đốc tin tưởng rằng giá giao dịch chuyển nhượng này là phù hợp với thị trường”, lãnh đạo OCH khẳng định.

Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù khoản ứng trước 500 tỷ đã được chuyển cho ông Nam mãi từ năm 2010 như đã nói song sau rất nhiều năm, cổ phần của Tràng Tiền vẫn không được ông Nam chuyển nhượng cho OCH.

Phải đến ngày 31/12/2013, tức là hơn 3 năm sau hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, Kem Tràng Tiền mới chính thức được ghi nhận là “công ty con” của OCH với tỷ lệ sở hữu là 78,4%.

Đáng chú ý khi giá trị đầu tư của OCH vào CTCP Kem Tràng Tiền chỉ là 117,6 tỷ đồng, đồng thời, khoản 500 tỷ mà công ty tạm ứng cho ông Nam thì vẫn không hề suy suyển, thậm chí lãi lũy kế tính đến ngày 31/12/2013 của khoản ứng trước đã lên đến 104,5 tỷ đồng.

Tới Báo cáo tài chính gần nhất mới được OCH công bố – Báo cáo tài chính Quý I/2015, tính đến 31/3/2015, tức là 4,5 năm sau ngày OCH tạm ứng cho ông Nam 500 tỷ đồng để chuyển nhượng cổ phiếu của CTCP Tràng Tiền, khoản ứng trước vẫn chưa được hoàn trả và khoản lãi liên quan thì đã lũy kế lên đến 142 tỷ đồng.

Ông Hà Trong Nam đang có nghĩa vụ phải trả 642 tỷ đồng đối với Công ty OCH

Tổng cộng, tính đến cuối Quý I/2015, ông Hà Trọng Nam vẫn mang trên mình một nghĩa vụ trả nợ rất lớn, lên đến 642 tỷ đồng đối với Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương,.

CTCP Kem Tràng Tiền đã được ghi nhận là “công ty con” của OCH, 78,4% cổ phần của Kem Tràng Tiền đã được chuyển nhượng về OCH nhưng tại sao 500 tỷ đồng OCH ứng trước cho ông Nam để phục vụ việc chuyển nhượng cổ phần Tràng Tiền vẫy không hề suy suyển (?). Vấn đề này rất cần thiết được công ty làm rõ cho cổ đông và công chúng!

Theo ANTT