Lãnh đạo Techcombank: NIM năm 2024 sẽ được cải thiện, nhưng chỉ tăng nhẹ so với năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – Mã CK: TCB) đã cho biết như vậy tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư và công bố kết quả kinh doanh quý 4/2023 diễn ra chiều nay (24/1).

Ông Phùng Quang Hưng – Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và Định chế tài chính Techcombank – cho biết, năm 2023 là năm có nhiều "làn gió ngược" xảy ra đối với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trong bối cảnh đó, TCB vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, với tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 40.061 tỉ đồng. Riêng trong quý 4/2023, TOI của TCB đạt mức cao kỷ lục 11.000 tỉ đồng, tăng 5,7% so với quý trước.

Năm 2023, lợi nhuận trước thuế của TCB đạt 22.888 tỉ đồng. "Mặc dù giảm 10% so với năm trước nhưng vẫn vượt 4% so với kế hoạch đề ra", ông Hưng cho hay.

tcb-2-204.png
Ông Phùng Quang Hưng – Phó Tổng giám đốc Techcombank (Ảnh chụp màn hình)

Về tăng trưởng tín dụng, năm 2023, dư nợ cho vay của TCB tăng 21,5% so với đầu năm, với sự dẫn dắt bởi toàn bộ chuỗi giá trị của ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng.

Đáng chú ý, tỷ trọng cho vay mua nhà đối với khách hàng cá nhân giảm từ 84% về mức 77% do nhu cầu trả nợ trước hạn. Tuy nhiên, dư nợ cho vay mua nhà thứ cấp lại tăng 40%, đạt mức 57.000 tỉ đồng.

Theo ông Hưng, trong bối cảnh sức mua tiêu dùng của nền kinh tế giảm sút, TCB vẫn đảm bảo việc tăng trưởng tín dụng, biên lãi ròng (NIM) duy trì ở mức tốt, đồng thời duy trì việc giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng.

"Việc TCB cân bằng được giữa nhu cầu hỗ trợ khách hàng, nhu cầu cạnh tranh, tối ưu hiệu quả, đồng thời vẫn duy trì được tăng trưởng cho vay là một kết quả hết sức tích cực", ông Hưng nói.

Vị lãnh đạo này đánh giá, bất động sản và xây dựng là các lĩnh vực kinh tế quan trọng, có nhiều loại hình đầu tư khác nhau và toàn bộ chuỗi giá trị trong các lĩnh vực này như xây dựng, vật liệu xây dựng cũng đều có liên quan mật thiết.

"Do đó, TCB tăng trưởng tín dụng là tăng trưởng đều trong nhiều ngành kinh tế khác nhau, từ các ngành kinh tế trong nước đến ngành kinh tế liên quan tới xuất nhập khẩu", ông Hưng nhấn mạnh.

Về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA), ông Hưng cho biết sau sự suy giảm CASA chung của thị trường khi mặt bằng lãi suất tăng mạnh, tỷ lệ CASA của TCB đã phục hồi mạnh mẽ, cán mốc 39,9% vào cuối năm 2023.

Chia sẻ thêm về chỉ tiêu này, bà Lê Thanh Hằng – Cố vấn Quan hệ Nhà đầu tư Techcombank – tin rằng đây là tỷ lệ CASA cao nhất của ngành ngân hàng trong năm 2023.

"Điều này thể hiện rõ sự hiệu quả của các động lực tăng trưởng CASA của TCB. Trong thời gian tới, TCB sẽ tiếp tục chứng kiến đà tăng trưởng ngoạn mục của CASA", bà Hằng nói.

tcb-1-9567.png
Bà Lê Thanh Hằng – Cố vấn Quan hệ Nhà đầu tư Techcombank (Ảnh chụp màn hình)

Trong năm 2024, bà Hằng cho biết TCB sẽ sử dụng hết 'room tín dụng' được cấp. Đồng thời, chi phí vốn của ngân hàng sẽ giảm nhờ nền lãi suất thấp và cấu trúc nguồn vốn tối ưu.

Trong khi đó, theo bà Hằng, NIM ngân hàng có thể cải thiện trong năm 2024, nhưng chỉ ở mức tăng nhẹ so với năm 2023 do TCB có thể tiếp tục áp dụng xuyên suốt các chương trình hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền./.