Khi suy nghĩ trong não bộ của con người cũng bị máy móc đọc được

Làm thế nào để bảo vệ chúng ta trước sự tiến bộ của công nghệ?

VietTimes -- Trong kỷ nguyên công nghệ ngày một phát triển, ngay cả những suy nghĩ trong não bộ của con người cũng có khả năng bị kiểm soát.
Ảnh: Earth and Beyond
Ảnh: Earth and Beyond

“Không có gì là của riêng bạn ngoại trừ vài centimet khối bên trong hộp sọ của bạn”, đó là câu nói kinh điển trong một tiểu thuyết nổi tiếng của George Orwell được công bố vào năm 1949. Cuốn tiểu thuyết đã phơi bày một bức tranh trong đó, con người bị đàn áp, bị giám sát nhưng ít nhất suy nghĩ và bộ não của họ vẫn có sự tự do.

Thời gian gần đây, Neuralink, Facebook và Elon Musk đã tuyên bố rằng họ đang xây dựng một công nghệ mới có thể đọc được suy nghĩ của bạn -- công nghệ đọc não.

Facebook đang chi một số tiền khủng cho việc nghiên cứu giao diện máy-não (BCIs) có khả năng chuyển hóa những suy nghĩ trực tiếp thu thập được từ tế bào thần kinh của con người và chuyển chúng thành dạng ngôn ngữ. Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã xây dựng một thuật toán có thể giải mã các hoạt động của não người.

Công ty của Musk cũng tạo ra những “sợi” linh hoạt có thể được cấy vào não và trong một tương lai không xa, công nghệ này có thể cho phép bạn điều khiển điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng chỉ bằng suy nghĩ của mình. Tỷ phú Musk tham vọng sẽ thử nghiệm công nghệ BCIs ở người vào cuối năm sau.

Nhiều công ty AI khác như Kernel, Emotiv và Neurosky cũng đang nghiên cứu công nghệ máy - não nhằm phục vụ cho y học trong đó có việc giúp những người bị bại liệt có thể đi lại trở lại.

Ảnh: Computerworld
Ảnh: Computerworld

Nghe có vẻ như khoa học viễn tưởng nhưng công nghệ BCIs đã bắt đầu thay đổi cuộc sống của con người. Trong hàng chục năm qua, một số bệnh nhân bại liệt đã được cấy ghép thiết bị vào não giúp họ có thể sử dụng máy tính hoặc điều khiển cánh tay robot chỉ bằng suy nghĩ của mình. Tuy nhiên muốn thương mại hóa việc cấy ghép có thể đọc được suy nghĩ sẽ còn mất nhiều năm nữa mặc dù tiến trình này đang tiến triển rất nhanh.


Bộ não của bạn, biên giới quyền riêng tư cuối cùng có thể sẽ không còn nữa

Một số nhà khoa học về lĩnh vực thần kinh cho rằng khả năng các công nghệ BCIs bị lạm dụng là rất lớn và con người có thể sẽ phải sửa đổi luật nhân quyền trong tương lai. Có thể sẽ là một đạo luật mới về suy nghĩ và tâm trí để bảo vệ chính bản thân mình. Một ngày nào đó, công nghệ có khả năng can thiệp vào các quyền cơ bản của con người nhiều đến nỗi chúng ta còn không nghĩ đó là phải là một quyền, như suy nghĩ chẳng hạn. Luật hiện hành của chúng ta chưa có nội dung nào có thể giải quyết được vấn đề này.

Một số quốc gia trên thế giới đang xem xét lại quyền về tinh thần - “neurorights”. Tại Chile, hai dự luật về bảo vệ dữ liệu não người sẽ được đưa ra bỏ phiếu trước Quốc hội vào tháng 11 tới, dưới sự vận động của nhà thần kinh học Rafael Yuste. Tại châu Âu, OECD cũng dự kiến sẽ phát hành một bộ nguyên tắc mới nhằm điều chỉnh lại việc sử dụng dữ liệu não.

Một trong những nhân vật quan trọng góp phần thúc đẩy các quyền mới của con người là nhà khoa học Marcello Ienca, một chuyên gia nghiên cứu tại ETH Zurich, trường đại học khoa học và công nghệ hàng đầu châu Âu. Năm 2017, ông đã công bố một dự luật phác thảo gồm bốn quyền mới của con người trong thời đại mà công nghệ có khả năng can thiệp và kiểm soát suy nghĩ của con người.

“Tôi rất quan tâm đến việc thương mại hóa dữ liệu não người”, ông Ienca cho biết. “Tôi không nói về một tương lai xa bởi một số “neurotech” -- công nghệ thần kinh đã được áp dụng, nhiều người đã giao dịch dữ liệu não của họ trong một số dịch vụ của các công ty tư nhân. Một số trò chơi thực tế ảo đang hoạt động bằng não của bạn chứ không phải là một bộ điều khiển truyền thống nữa. Thậm chí bạn có thể tự theo dõi chính mình bằng một thiết bị đeo. Có khá nhiều người đang bị “cám dỗ” bởi thứ “chủ nghĩa thần kinh” này”.

Dưới đây là bốn quyền mà ông Ienca đưa ra để bảo vệ quyền riêng tư về dữ liệu não người.

1. Quyền tự do nhận thức

Chúng ta cần có quyền tự do quyết định đồng ý hoặc từ chối việc sử dụng công nghệ BCIs.

Ở Trung Quốc, chính phủ đã khai thác dữ liệu từ một số nhân viên của mình bằng cách cho họ đội mũ quét sóng não nhằm tìm hiểu những người đang trầm cảm, lo lắng, giận dữ hay mệt mỏi. Nếu nhà tuyển dụng muốn bạn đeo tai nghe EEG để theo dõi mức độ chú ý của bạn, điều đó có thể đủ để quy cho nhà tuyển dụng đã vi phạm nguyên tắc tự do nhận thức. Ngay cả khi bạn đồng ý đeo thiết bị theo dõi này, những áp lực ngầm vẫn sẽ xuất hiện trong tâm trí bạn vì không ai muốn bị mất lợi thế hay bị theo dõi.

Ông Ienca nói thêm rằng quân đội Hoa Kỳ cũng đang xem xét các công nghệ máy - não để khiến những quân nhân tập trung hơn vào công việc. Cuối cùng, BCIs có thể khiến những người lính trở nên vô cảm và hiếu chiến hơn. Các binh sĩ có thể bị gây áp lực buộc phải chấp nhận sự can thiệp này.

Một nghiên cứu cho thấy BCIs có thể “đọc” được mức độ chú ý và “sửa” lại trên não giúp tăng sư tỉnh táo thông qua quá trình điều tiết thần kinh. Bộ Quốc phòng Mỹ đang thực hiện nhiều dự án nhằm thực hiện được điều đó.

2. Quyền riêng tư về tinh thần

Bạn có toàn quyền sử dụng dữ liệu não bộ của bạn bao gồm việc chia sẻ hoặc công khai.

Ông Ienca nhấn mạnh rằng công nghệ tâm trí có ý nghĩa rất lớn đối với việc thực thi pháp luật và giám sát của chính phủ. Nếu các thiết bị đọc não có khả năng đọc được suy nghĩ, ông cho rằng chỉ trong một vài năm tới, các chính phủ sẽ quan tâm đến việc sử dụng công nghệ này để thấm vấn và điều tra.

Quyền giữ im lặng và nguyên tắc chống lại sự “tự buộc tội” - đã được ghi trong Hiến pháp Hoa Kỳ có thể trở thành vô nghĩa nếu chính phủ “nghe lén” trạng thái tinh thần của bạn mà không có sự đồng ý của bạn.

Đó là một kịch bản đen tối đã từng được một bộ phim khoa học viễn tưởng dựng lại, trong đó một bộ phận cảnh sát được giao thực hiện nhiệm vụ xác định và bắt giữ những kẻ giết người trước khi chúng họ thực hiện tội ác.

Ảnh: Vox
Ảnh: Vox

3. Quyền toàn vẹn về tinh thần


Bạn có quyền được bảo vệ cả thể chất và tinh thần trước những tác động của công nghệ thần kinh.

Sự phát triển của BCIs với chức năng “viết” có thể cho phép thực hiện các hình thức tẩy não mới. Về mặt lý thuyết, nó có thể cho phép người khác kiểm soát tâm trí của chúng ta. Sẽ thật nguy hiểm nếu BCIs bị biến thành công cụ để các nhà chính trị, tôn giáo truyền bá tư tưởng với người dân, hay xóa bỏ các bất đồng chính kiến, thậm chí là các nhóm khủng bố muốn tìm kiếm tân binh.

Thêm vào đó, các thiết bị máy não được xây dựng bởi Facebook và Neuralink có thể dễ dàng bị hack. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đang sử dụng chúng và có ai đó chặn tín hiệu Bluetooth hay tăng giảm điện áp của dòng điện đi đến não bạn… nhằm điều khiển tâm trí bạn?

4. Quyền được giữ quá trình tâm lý diễn ra thuận tự nhiên

Bạn có quyền được bảo vệ khỏi những thay đổi về ý thức của bản thân mình mà bạn không cho phép.

Trong một nghiên cứu, một người phụ nữ bị mắc bệnh động kinh đã được cấy một BCI vào não nhằm cải thiệc tình trạng bệnh tật. “Nó đã trở thành tôi”. Người phụ nữ này đã khóc và nói rằng cô ấy đang đánh mất chính mình.

Ienca cho rằng đây là một ví dụ tiêu biểu cho sự “liên tục tâm lý” có thể bị phá vỡ bởi việc áp dụng của các công nghệ thần kinh.

Dữ liệu não - nơi “ẩn náu” cuối cùng của sự riêng tư

Vì đây là công nghệ mới và việc thực hiện chúng khá đắt đỏ nên BCIs thực tế chỉ dành cho giới giàu có nên chúng có nguy cơ làm gia tăng sự bất bình đẳng xã hội. Ông Ienca đưa ra hai cách để ngăn chặn các công ty công nghệ phát triển BCIs gây ra các tác động xấu đối với cộng đồng. “Tôi nghĩ rằng nhà nước nên đóng một vai trò tích cực trong việc đảm bảo các công nghệ này không bị sử dụng sai mục đích và sai đối tượng.

Thật khó để khẳng định các giải pháp của Ienca hay của OECD hay Chile có đem lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát rủi ro của công nghệ BCIs. Nhưng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ máy não, có vẻ như chúng ta sẽ cần có luật mới để bảo vệ chính mình. Hãy để các chuyên gia phân tích quyền chính đáng của chúng ta bởi nếu chờ đến khi Facebook hay Neuralink tung các thiết bị BCIs ra thị trường mới hành động thì có lẽ đã quá muộn.

Theo VOX