Lạm phát cao: Đầu tư cổ phiếu vẫn lãi hơn mua vàng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lạm phát khi kinh tế đang trong đà tăng trưởng thường là tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán. Thống kê cho thấy, cổ phiếu là nhóm chống lạm phát hiệu quả hàng đầu nhưng cụ thể là cổ phiếu ngành nào (!?).
Cổ phiếu vẫn là loại tài sản chống lạm phát hàng đầu?
Cổ phiếu vẫn là loại tài sản chống lạm phát hàng đầu?

Lạm phát đang là tâm điểm của kinh tế thế giới và giới đầu tư toàn cầu do lo ngại những ảnh hưởng lớn đến chính sách điều hành của mỗi quốc gia, về suy thoái kinh tế và dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK).

Các số liệu công bố gần đây cho thấy, lạm phát tại Mỹ và các quốc gia EU đang ở mức cao nhất trong 30 năm. Tại Việt Nam, lạm phát đang có những dấu hiệu gia tăng. Với nền kinh tế mở và chịu tác động từ những yếu tố “chi phí đẩy” và “cầu kéo” thì áp lực lạm phát giai đoạn tới có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

Trong khi việc dự báo lạm phát sẽ tốn nhiều nguồn lực và đang có nhiều quan điểm trái chiều từ các nhà kinh tế hàng đầu, việc chuẩn bị trước kịch bản xây dựng danh mục khi lạm phát tăng cao, sẽ giúp nhà đầu tư chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của nền kinh tế.

Trong báo với tựa đề ‘Đầu tư cổ phiếu khi lạm phát cao’ công bố mới đây, dẫn chứng số liệu lịch sử, bộ phận nghiên cứu của CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) cho biết, lạm phát tăng chưa chắc đã làm giảm giá chứng khoán.

Cụ thể, lạm phát xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trong đà tăng trưởng thường vẫn là tín hiệu tích cực cho TTCK, và ngược lại khi nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Đáng chú ý, báo cáo của AGR còn dẫn khảo sát của JP Morgan, thể hiện cổ phiếu là nhóm chống lạm phát hiệu quả thứ hai, sau nhóm hàng hoá. Không chỉ JP Morgan, nhiều tổ chức nghiên cứu lớn khác cũng có kết quả tương tự.

Thậm chí, theo thống kê của Bloomberg, vàng không phải là kênh đầu tư hấp dẫn trong môi trường lạm phát khi tỉ suất sinh lời của kênh tài sản này thấp hơn nhiều so với chỉ số S&P 500 và giá cả hàng hóa cơ bản như dầu, kim loại, mặt hàng nông sản.

Lạm phát dưới 10% vẫn không đáng ngại đối với TTCK?

Đối với TTCK Việt Nam, theo thống kê của Agriseco Research, chỉ số VN-Index ghi nhận mức sinh lời 1,8%/tháng khi lạm phát dưới 5%.

Đáng chú ý, mức lạm phát từ 5-10% lại mang đến tỉ suất sinh lời cao nhất cho VN-Index. Cụ thể, kinh tế Việt Nam đã trải qua 81 tháng có mức CPI từ 5- 10%, trong các tháng này VN-Index tăng trưởng trung bình 2,71%/tháng – cao nhất so với các mức độ lạm phát khác.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo, khi lạm phát tăng vọt lên vùng 2 chữ số, chứng khoán thường lao dốc rất mạnh và gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

VN-Index đã trải qua 37 tháng có mức lạm phát cao hơn 10%. Tỷ suất thị trường giai đoạn này sụt giảm tới 2,83%/tháng.

Đặc biệt, có những tháng giảm rất mạnh trên 20%/tháng như các tháng trong giai đoạn 2008-2009. Do hệ lụy của nới lỏng tiền tệ, tài khóa quá mức, lạm phát đã tăng vượt 10% từ cuối 2007 và tăng liên tục, tạo đỉnh giữa 2008 với mức gần 30%. VN-Index đã sụt tới 70% trong giai đoạn này.

Một ví dụ khác diễn ra vào năm 2011, khi lạm phát duy trì trong ngưỡng 12 - 23%, (chủ yếu do kích thích tài khóa không hiệu quả), chứng khoán đã sụt giảm gần như cả năm với mức sụt giảm lên tới 30% tính riêng trong năm 2011.

Theo số liệu thống kê từ Fiinpro, trong giai đoạn 2009 – 2014, một số nhóm ngành mang lại mức sinh lời cao bao gồm: Tiện ích (Gas, Nước); Du lịch & Giải trí; Kỹ thuật công nghiệp; Động cơ & các bộ phận. Ngược lại, nhóm ngành có tỷ suất thấp như Bán lẻ thực phẩm, dược phẩm; Hàng hóa dịch vụ giải trí.

Đối với môi trường lạm phát từ 5-10%, các nhóm ngành thể hiện sự tăng trưởng mạnh bao gồm Ôto & phụ tùng, công nghệ phần cứng và thiết bị; đầu tư và dịch vụ bất động sản; lâm nghiệp và giấy. Nhóm mang lại tỷ suất thấp là các cổ phiếu thuộc nhóm bảo hiểm nhân thọ, bán lẻ thực phẩm, dược phẩm, hóa chất, du lịch và giải trí./.