Chuẩn bị gì trước khi lưu thông?
Sương mù là hiện tượng phổ biến vào mùa đông và đầu xuân, thường xuất hiện khi có sự chênh lệch độ ẩm trong không khí và đa phần xảy ra vào sáng sớm hay chiều tối. Đặc biệt, ở một số khu vực vùng cao, hiện tượng sương mù xuất hiện rất thường xuyên.
Khi xuất hiện sương mù, tầm của người lái sẽ bị hạn chế, chỉ tốt nhất trong khoảng 5 - 7m. Thậm chí có những trường hợp chỉ 2-3 m. Bên cạnh sương mù làm hạn chế tầm nhìn thì sương mù còn khiến mặt đường bị trơn trượt hơn, khiến lái xe gặp khó khi xử lý các tình huống khẩn cấp, từ đó khiến nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Lái xe trong hoàn cảnh này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn, người lái cần có kinh nghiệm và các kỹ năng lái xe nhất định khi di chuyển trên đường sương mù.
Trước tiên, cần kiểm tra phương tiện trước khi khởi hành. Các chi tiết cần kiểm tra gồm: Đai an toàn; hệ thống đèn xe, kể cả xi nhan, đèn gầm, sương mù; kiểm tra phanh xe, còi xe; tình trạng làm việc của cần gạt nước; kiểm tra lốp xe; hệ thống điều hòa, nhất là hệ thống sấy kính; kiểm tra tình trạng nhiên liệu...
Trong các chi tiết cần chú ý, lái xe cần chú ý đến hệ thống đèn, phanh và lốp xe. Bởi lẽ, ngoài việc hỗ trợ tầm nhìn cho người lái, đèn xe còn làm nhiệm vụ báo hiệu cho các xe lưu thông nhận biết phương tiện của mình khi lưu thông trong điều kiện sương mù.
Làm gì khi đi vào đường sương mù?
Khi lưu thông vào cung đường có sương mù, điều trước tiên là bật đèn sương mù và đèn cảnh báo (công tắc hình tam giác) nhằm hỗ trợ tầm nhìn khi lái và cảnh báo cho phương tiện lưu thông nhận biết phương tiện của mình.
Nếu sương mù khiến trời tối, lái xe nên sử dụng đèn cos chiếu gần, không nên bật đèn pha, do đèn pha có cường độ ánh sáng mạnh và chiếu xa hơn nhưng trong điều kiện sương mù quá dày, ánh sáng của đèn sẽ không thể lọt qua được mà sẽ bị phản xạ ngược lại, khiến tầm nhìn của người lái càng bị hạn chế.
Tiếp đó, người lái cần giữ tốc độ, khoảng cách an toàn với xe phía trước. Vì trong điều kiện thời tiết sương mù, tầm nhìn của người lái sẽ bị hạn chế và mặt đường trơn trượt hơn. Để đảm bảo an toàn và kịp thời xử lý khi xảy ra tình huống bất ngờ, lái xe cần lái xe chậm, giữ tốc độ, khoảng cách an toàn, tránh bám đuôi quá sát với xe phía trước.
Việc duy trì tốc độ lưu thông và giữ khoảng cách đi kèm với việc hạn chế, thậm chí tránh phanh gấp và tránh chuyển hướng đột ngột để vừa đảm bảo an toàn cho chính mình vừa đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông khác. Việc này sẽ giúp cho chính lái xe và người điều khiển phương tiện khác dễ dàng xử lý kịp thời, tránh gây ra các sự cố, rủi ro tai nạn.
Một kinh nghiệm được nhiều người áp dụng là điều khiển phương tiện bám theo vạch kẻ đường. Nếu sương mù quá dày đặc, người lái nên chạy xe đúng với làn đường quy định và bám theo các vạch kẻ đường bên dưới để đảm bảo an toàn.
Trong một số tình huống, khi sương mù quá dày đặc, nhiệt độ bị hạ thấp khiến nhiệt độ ngoài trời và trong xe chênh lệch với nhau, gây ra hiện tượng kính lái bị mờ. Khi thấy hiện tượng này, lái xe cần bật tính năng sưởi kính lái.
Không chỉ lái xe trên đường có sương mù mà trong tất cả hành trình, lái xe cần tập trung quan sát. Đặc biệt, khi tầm nhìn sẽ bị hạn chế người lái cần tập trung quan sát xung quanh, nhất là quan sát mặt đường để tránh ổ gà, lầy lội, trơn trượt và điều chỉnh tốc độ cho phù hợp.
Bên cạnh đó, khi lái xe trong trời sương mù, tài xế không chỉ dùng tay lái xe, mắt quan sát mà cần dùng cả thính giác để nghe ngóng âm thanh khi di chuyển trên đường. Do đó, nên tắt hệ thống âm thanh trên xe, thỉnh thoảng mở hé cửa kính để có thể nghe âm thanh bên ngoài nhằm nắm bắt những gì đang diễn ra bên ngoài.
Khi lưu thông qua đoạn đường xuống dốc, có sương mù, để kiểm soát tốc độ và đảm bảo an toàn, người lái cần chuyển về số thấp khi đổ đèo. Bởi khi chuyển về số thấp, phương tiện sẽ được để hỗ trợ phanh động cơ, giảm áp lực cho hệ thống chân phanh, từ đó đảm bảo an toàn và tránh các rủi ro trơn trượt. Đối với xe số sàn, lái xe cần chuyển về số thấp; còn đối với xe số tự động, cần chuyển chế độ số tay hay thông qua lẫy chuyển số trên vô lăng, hoặc hạn chế đệm ga mà để xe tự động đưa về số thấp khi vòng tua động cơ thấp.
Trong một số tình huống đặc biệt khi sương mù quá dày đặc, thời tiết diễn biến xấu, tầm nhìn bị hạn chế hoàn toàn… lái xe cần tìm vị trí đỗ xe an toàn, dừng lại để xem xét tình hình, đồng thời bật đèn tín hiệu cảnh báo cho các xe đi sau khi tìm vị trí đỗ. Lưu ý, không được dừng xe quá đột ngột hay bất ngờ tấp vào lề đường khiến cho người lái phía sau không kịp xử lý.