Lãi khủng như Hyundai Thành Công Việt Nam

VietTimes – Việc các mẫu xe đô thị thay nhau bứt phá doanh số giúp Hyundai Thành Công Việt Nam (HTC) ghi nhận khoản lãi lớn trong năm 2019, tạo điều kiện để Thành Công Group lấn sân sang lĩnh vực bất động sản và tài chính – ngân hàng.
Nhà máy sản xuất ô tô của Huyndai Thành Công tại Ninh Bình (Nguồn: Thành Công Group)
Nhà máy sản xuất ô tô của Huyndai Thành Công tại Ninh Bình (Nguồn: Thành Công Group)

Thị trường ô tô Việt Nam từ nhiều năm qua chứng kiến cuộc đua “tam mã” giữa 3 nhà phân phối lớn là: Toyota, Thaco và TC Motor (Huyndai Thành Công). Trong đó, TC Motor là thương hiệu mới được Thành Công Group giới thiệu từ tháng 7/2019, phụ trách riêng các hoạt động trong ngành công nghiệp ô tô của tập đoàn này.

Là đối tác phân phối chính thức của hãng xe Hyundai tại Việt Nam, doanh số của TC Motor những năm gần đây liên tục tăng trưởng mạnh mẽ. Riêng trong năm 2019, sản lượng xe bán ra của TC Motor (không bao gồm xe thương mại) đạt 69.916 chiếc, tăng trưởng 24,8% so với năm 2018.

Doanh số bán hàng tăng trưởng mạnh giúp TC Motor chiếm 18,6% thị phần, xếp ngay sau Toyota Việt Nam.

Đà tăng trưởng này chủ yếu đến từ thành công của các dòng xe nhỏ đô thị với các mẫu Hyundai Grand i10 và Hyundai Accent với doanh số lần lượt đạt 18.088 và 19.719 chiếc trong năm 2019. Bên cạnh đó, dòng xe Hyundai SantaFe cũng được ưa chuộng với doanh số cả năm 2019 đạt 9.228 chiếc.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, TC Motor tạm vươn lên dẫn đầu với doanh số xe bán ra đạt 20.675 chiếc (không bao gồm xe thương mại).

Doanh số bán xe của Toyota, Thaco, TC Motor (Nguồn: VAMA, TC Motor)
Doanh số bán xe của Toyota, Thaco, TC Motor (Nguồn: VAMA, TC Motor)

Hoạt động kinh doanh thuận lợi giúp Công ty Hyundai Thành Công Việt Nam (HTC) ghi nhận doanh thu thuần năm 2019 đạt tới 43.187 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế của HTC cũng tăng vọt, đạt mức 4.202 tỷ đồng, cao gấp gần 7 lần so với năm 2018.

Một dữ liệu khác của VietTimes càng cho thấy sức tăng trưởng đáng nể trong lĩnh vực ô tô của Thành Công Group, khi doanh thu của HTC năm 2016 mới chỉ đạt mức 16.714 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.856 tỷ đồng.

So với một số doanh nghiệp khác cùng “hệ sinh thái”, HTC tỏ ra vượt trội về doanh thu và lợi nhuận, thể hiện mảng kinh doanh ô tô vẫn đóng vai trò quan trọng đối với “đế chế” kinh doanh của đại gia Nguyễn Anh Tuấn (ông Tuấn "Thành Công").

Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của HTC đạt 10.231 tỷ đồng. Trong đó, công ty ghi nhận lượng tiền mặt lên tới 2.882 tỷ đồng, hàng tồn kho chỉ đạt 741 tỷ đồng.

Khoản lãi của năm 2019 giúp nâng mức lợi nhuận lũy kế của HTC lên mức 7.393 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong cơ cấu nguồn vốn.

Đáng chú ý, tính đến cuối năm 2019, quy mô vốn điều lệ của HTC mới chỉ ở mức 160 tỷ đồng. Dữ liệu của VietTimes thể hiện, quy mô vốn điều lệ của HTC được duy trì từ cuối năm 2015, trong đó CTCP Tập đoàn Thành Công trực tiếp góp 60 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu đạt 37,5%.

Thế “kiềng ba chân” của Thành Công Group

Kết quả kinh doanh trong lĩnh vực ô tô giúp thắt chặt thêm mối quan hệ hợp tác giữa Thành Công Group và Tập đoàn Hyundai.

Tháng 2/2019, Thành Công Group và Hyundai E&C đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác liên doanh đầu tư trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam. Hai bên cho biết sẽ tập trung chủ yếu vào những công trình trọng điểm về cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, giao thông, đô thị.

Thành Công Group còn mở rộng sang lĩnh vực bất động sản với loạt danh mục dự án như: Shilla Stay Resort (5,4 ha), Khu căn hộ 345 Đội Cấn, Khu du lịch sinh thái Cầu Đôi (11,4ha), dự án nâng cấp Khách sạn Thủy Tọa thành tổ hợp Khách sạn 5 sao và khu biệt thự kinh doanh (Hà Nội), dự án Căn hộ - văn phòng - khách sạn tại 245 Hoàng Văn Thụ (TP.HCM).

Để mở rộng quỹ đất, Thành Công Group còn tích cực đẩy mạnh các hoạt động M&A. Trong đó, phải kể tới thương vụ thâu tóm CTCP Đầu tư PV-Inconess, qua đó giúp Thành Công Group sở hữu 2 dự án rất lớn tại Ninh Bình là tổ hợp Du lịch - sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng diện tích 670ha và dự án Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái quy mô 2.185ha. Hai dự án có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 472 triệu USD.

Sau ô tô và bất động sản, lĩnh vực tài chính ngân hàng là mục tiêu hướng tới của Thành Công Group. Theo ghi nhận của VietTimes, nhóm Thành Công Group đã bắt đầu mua gom cổ phiếu Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – Mã CK: EIB) từ đầu năm 2019.

Trong một văn bản gửi Chủ tịch HĐQT Eximbank (khi đó là ông Lê Minh Quốc) vào tháng 4/2019, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết nhóm Thành Công Group đã sở hữu tới 12,97% vốn điều lệ của nhà băng này.

Trong đó, CTCP Tập đoàn Thành Công đã sử hữu 60,54 triệu cổ phần EIB (chiếm tỷ lệ 4,9%), Hợp tác xã cổ phần Thành Công nắm 44,72 triệu cổ phần EIB (chiếm tỷ lệ 3,62%) và ông Nguyễn Tiến Dũng ủy quyền 54,97 triệu cổ phần EIB (chiếm 4,45%).

Tuy nhiên, những diễn biến rối ren nơi thượng tầng của Eximbank trong thời gian qua sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ cho vị đại gia đến từ Đông Anh (Hà Nội)./.