Gần nhất, hôm 30/6/2020 vừa rồi, Eximbank “vỡ” cả hai đại hội: ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 (buổi sáng) và ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 (buổi chiều). Đều chung một lý do: không đủ túc số để tiến hành.
Một HĐQT bất tín nhiệm
Tại ngày chót để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên theo luật định, đáng buồn, những tay chơi lớn nhất ở Eximbank đều không muốn đại hội được diễn ra. Bằng chứng là, đến sát giờ khai mạc dự kiến, ban tổ chức chỉ ghi nhận có 131 cổ đông tham dự, đại diện cho 7,69% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Dời giờ khai mạc thêm hơn nửa tiếng để chờ đợi, động viên và thuyết phục, ban tổ chức ghi nhận thêm 2 cổ đông nữa. Đó là 2 cổ đông “gần lớn”, đại diện cho 9,85% cổ phần Eximbank. Căn cứ theo tỷ lệ này, 2 cổ đông đó hẳn là VOF Investment Limited (4,93%) và MR Exim Investments Limited (tên cũ: Mirae Asset Exim Investments Limited; 4,52%).
Với chỉ 133 cổ đông tham dự, đại diện cho 17,54% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Eximbank không đủ điều kiện để tiến hành.
Tỷ lệ "check-in" thấp kỷ lục tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 phần nào cho thấy sự bất tín nhiệm của cổ đông với HĐQT Eximbank. |
Tỷ lệ “check-in” thấp đến kỷ lục này còn cho thấy một vấn đề khác lớn hơn. Đó là sự bất tín nhiệm của phần lớn các cổ đông Eximbank với những người triệu tập và lên kế hoạch cho đại hội này. Cụ thể là HĐQT đương nhiệm, với sự đứng đầu của ông Cao Xuân Ninh, người kế nhiệm Yasuhiro Saitoh và những thành viên ủng hộ.
Trong số ấy hẳn có cả những nhóm đã đưa họ lên.
Với túc số chỉ đạt 17,54%, khả năng cao nhóm cổ đông nắm giữ 10,36% cổ phần Eximbank gồm bà Ngô Thu Thúy, ông Trần Công Cận và Lafelle Limited đã không tham dự. Tương tự là nhóm của đại gia Tuấn “Thành Công”, với tỷ lệ sở hữu từng được tuyên bố là 12,97% vốn điều lệ Eximbank.
Khá thú vị khi theo ghi nhận của PV VietTimes, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công Lê Ngọc Đức có xuất hiện ở hành lang bên ngoài hội trường đại hội vào sáng ngày 30/6 nhưng có vẻ nhóm Thành Công đã không “check-in” (hoặc chỉ một phần rất nhỏ). Nhóm này khả năng vẫn muốn “tọa sơn quan hổ đấu” trong phiên chiều, bởi không thấy vị TGĐ của họ ở hội trường.
Nhóm VOF Investment Limited, MR Exim Investments Limited từng gửi văn bản yêu cầu Eximbank không tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường trong năm 2019, để tập trung chuẩn bị tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Còn nhóm bà Ngô Thu Thúy, ông Trần Công Cận và Lafelle Limited cũng từng có văn bản yêu cầu Eximbank suy xét cẩn trọng việc nên hay không tổ chức ĐHĐCĐ bất thường trong thời điểm các cổ đông chưa tìm được tiếng nói chung. Do đó, sẽ không bất ngờ khi các cổ đông này không đến phiên ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 vào buổi chiều 30/6/2020.
Đáng nói là nội bộ HĐQT Eximbank dường như cũng có người chưa muốn phiên ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 được tổ chức. Họ muốn “câu giờ” càng lâu càng tốt?!. Đến mức, ít tháng trước, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng (NHNN) phải kết luận việc HĐQT Eximbank không triệu tập ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 được xem như là sự vi phạm của Thành viên HĐQT. Các thành viên HĐQT không đồng ý tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường đã bị lập biên bản xử phạt hành chính cá nhân.
Ban tổ chức chẳng buồn thay đổi "backdrop" cho phiên chiều.
|
Chả rõ có phải ban tổ chức đã tiên liệu được kết cục của phiên chiều này hay không mà không thấy họ thay “backdrop” sân khấu. Nó vẫn đề: “ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG NĂM 2020”.
“Câu giờ” được bao lâu?
Không thể tiến hành như phiên ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vào buổi sáng, nhưng phiên ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 cho thấy cục diện khả dĩ hơn, với sự tham dự của 129 cổ đông, đại diện cho 51,92% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Cũng không thể tiến hành, nhưng phiên ĐHĐCĐ bất thường chiều 30/6 lại cho thấy cục diện khác.
|
Kết quả này chứng tỏ nghị trình đại hội bất thường đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các cổ đông, bất chấp sự đứng ngoài của một số tay chơi. Là bên đề nghị triệu tập và quyết liệt đốc thúc HĐQT Eximbank để có đại hội này, cổ đông chiến lược Sumitomo Banking Corporation (SMBC) đã đưa vào chương trình nghị sự các nội dung: xem xét bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh, bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên HĐQT và cắt giảm quy mô HĐQT.
Động thái kiên quyết của cổ đông Nhật Bản SMBC trong việc “loại” đồng hương Saitoh và trước đó là Moriwaki - những người mà chính họ đã tín nhiệm đề cử và bỏ phiếu bầu – là một ví dụ điển hình cho sự thất vọng của các cổ đông với người thực hiện quyền của họ ở thượng tầng Eximbank. Và phần nào đó là về sự khó lường của một số thành viên HĐQT Eximbank.
Việc ngay trước thềm hai phiên đại hội, nhóm 6 thành viên HĐQT Eximbank bất ngờ đưa ông Yasuhiro Saitoh lên thay ông Cao Xuân Ninh ngồi ghế Chủ tịch HĐQT – vị trí mà đến nay vẫn bị không ít cổ đông vẫn phản đối về tính hợp pháp trong quá trình chuyển giao trước đó – bất chấp kiến nghị của SMBC càng cho thấy sự mâu thuẫn sâu sắc giữa nhóm cổ đông lớn và nhóm cầm quyền trong HĐQT Eximbank.
Cổ đông chiến lược SMBC nhiều lần đề nghị thanh lọc HĐQT Eximbank.
|
Tuy vậy, việc ĐHĐCĐ bất thường 2019 Eximbank chưa thể tiến hành trong hôm 30/6 cũng chỉ có thể giúp ông Saitoh và một số đồng minh “câu giờ” chuyện bỏ phiếu bất tín nhiệm thêm một thời gian ngắn. Bởi lẽ, theo luật định và Điều lệ Eximbank, 30 ngày sau phiên đại hội bất thành, phiên ĐHĐCĐ bất thường lần 2 sẽ được tiến hành, với túc số yêu cầu chỉ là 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Mà như đã biết, phiên bất thành chiều 30/6, túc số đã đạt 51,92%.
Hậu phiên này, cơ cấu HĐQT Eximbank hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi. Dù rằng đó chỉ là một sự kiện toàn “hoàng hôn”, khi nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) của HĐQT Eximbank cũng đã đến ngày mãn. Nhưng dẫu sao, một HĐQT có chất lượng hơn, có sự tín nhiệm cao hơn từ cổ đông sẽ giúp Eximbank có sự ổn định và đồng thuận hơn để bước vào nhiệm kỳ VII (2020 - 2025).
Một nhiệm kỳ thất vọng…
Sẽ là không quá lời nếu đánh giá Eximbank đã trải qua một nhiệm kỳ thất vọng bậc nhất lịch sử. “Cuộc chiến vương quyền” không hồi kết của các cổ đông, sự “đồng sàng dị mộng” của thành viên HĐQT đã khiến Eximbank trượt ray trong giai đoạn mà đáng ra nó phải nỗ lực nhất, tập trung nhất.
Tổng tài sản Eximbank tăng trưởng chưa đầy 26% trong suốt 5 năm nhiệm kỳ (từ cuối 2015 cập nhật đến cuối tháng 3/2020), trong khi cũng quãng thời gian cạnh tranh quyết liệt ấy, các đối thủ một thời của nó – những Techcombank, VPBank – đã tăng trưởng bằng lần. Lợi nhuận đì đẹt thua cả những nhà băng tầm trung, từ vị thế một ngân hàng top đầu trong nhóm TMCP, Eximbank đánh mất chính mình, thường hóa và trở thành thành viên bất ổn bậc nhất hệ thống.
Các cổ đông Eximbank mòn mỏi với Eximbank.
|
Không có nỗ lực đột phát, sản phẩm đột phá, chuyển đổi đột phá, Eximbank thậm chí còn đang mất dần thị phần vào tay những ngân hàng từng được xem là bé, nhưng đã lớn rất nhanh trong thời gian qua, như OCB, TPBank, VIB, Nam A Bank.
Dĩ nhiên, Eximbank là một ngân hàng cổ phần, cuộc chơi và tương lai của nó do các ông bà chủ của nó quyết định – theo luật. Nhưng rõ ràng, đang có sự lệch pha lớn giữa các cổ đông Eximbank và giữa cả cổ đông với nhóm cầm quyền ở Eximbank.
Eximbank lúc này cần sự đồng thuận, đồng lòng và đoàn kết thực sự của các cổ đông và các thành viên ban lãnh đạo
|
Hoạt động trong lĩnh vực đặc thù như lĩnh vực ngân hàng, con số vốn góp hơn 12.000 tỷ đồng của các cổ đông Eximbank là rất lớn nhưng nhớ rằng, nguồn lực hoạt động của nó – phần huy động từ dân, từ doanh nghiệp, từ các tổ chức, từ thị trường – mới lớn, gấp hàng chục lần số vốn góp.
Bất kể sự mất ổn định của thành viên nào, nhất là lại ở quy mô như Eximbank, đều có tác động khôn lường đến tính ổn định, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Bối cảnh bế tắc kéo dài ở Eximbank đặt ra câu hỏi nên chăng các cơ quan quản lý, trước hết là NHNN, phải có những biện pháp quyết liệt và thực chất hơn./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu