Người vừa bẻ khóa thành công chip M1 của Apple là Yang Changshun, một kỹ sư đến từ Quảng Châu, Trung Quốc. Changshun không công bố bảng giá chi tiết, nhưng khẳng định việc nâng cấp từng bộ phận sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc thay mới cả máy. Kỹ sư Trung Quốc này có thể nâng cấp RAM từ 8 GB lên 16 GB. Bộ nhớ trong từ 256 GB lên 1 TB.
Khác những model cũ, chip M1 được thiết kế như một khối thống nhất, bao gồm bộ xử lý, card đồ hoạ và bộ nhớ trong. Điều này có nghĩa là người dùng không thể tự nâng cấp từng chi tiết như RAM, ổ cứng của máy theo cách truyền thống.
Hình ảnh chip M1 của Apple với thiết kế liền mạch từ bộ xử lý đến RAM, ổ cứng, khiến người dùng gần như không thể thay thế, nâng cấp từng bộ phận. |
Ưu điểm của thiết kế mới là máy sẽ có mức tiêu thụ điện năng thấp và thời lượng pin lên đến 20 giờ. Nhược điểm là khách hàng không thể tự nâng cấp bộ nhớ, ổ cứng. Nếu muốn mở rộng không gian lưu trữ, người dùng buộc phải đặt mua chiếc máy tính hoàn toàn mới.
Giới công nghệ đánh giá việc bẻ khoá thành công chip M1 là bước tiến lớn vì trước đó nhiều thợ hay kỹ sư đã cố gắng nâng cấp RAM nhưng không thành công. Tuy nhiên, rủi ro của việc bẻ khoá chip là người dùng sẽ không còn được hưởng chế độ bảo hành. Apple có thể phát hiện ra những thay đổi bất thường trên máy và can thiệp bằng phần mềm. Những rủi ro về độ ổn định của máy sau khi tự động nâng cấp RAM, ổ cứng luôn được Apple cảnh báo, kể cả trên những dòng MacBook cũ.
Đây không phải lần đầu tiên chip M1 bị bẻ khóa. Tháng trước, Gu Yifan - kỹ sư phần mềm của Zensors - cũng đã mở khoá thành công chip mới của Apple để khai thác tiền điện tử Ethereum .
Chip M1 được Apple giới thiệu vào tháng 11/2020, dựa trên cấu trúc ARM. Đây được xem là chip mạnh nhất Apple từng thiết kế cho MacBook, dựa trên tiến trình 5 nm với 16 tỷ bóng bán dẫn. So với chip trên bản tiền nhiệm, M1 cho hiệu suất CPU nhanh hơn 3,5 lần, hiệu suất GPU nhanh hơn 6 lần và máy học nhanh hơn 15 lần.
Theo VnExpress