Kỳ họp 5, Hà Nội sẽ xem xét Nghị quyết thông qua đồ án Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc

VietTimes -- Theo Thông báo ngày 16/10 của HĐND TP. Hà Nội, kỳ họp cuối năm 2017 của HĐND dự kiến diễn ra từ ngày 4/12 đến ngày 8/12. Kỳ họp sẽ xem xét nhiều vấn đề quan trọng trong đó có việc xem xét bổ sung các dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 của Thành phố. Đặc biệt, xem xét Nghị quyết thông qua đồ án Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc.
Quy hoạch chung xây dựng ĐH Quốc gia tại Hòa Lạc - Ảnh minh họa, Q.V
Quy hoạch chung xây dựng ĐH Quốc gia tại Hòa Lạc - Ảnh minh họa, Q.V

Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1259/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Để cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000. Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập Đồ án.

Việc hình thành và phát triển Đô thị Hòa Lạc (một trong 05 đô thị vệ tinh của thành phố Hà Nội) là yêu cầu có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, Vùng Thủ đô và cả nước nói chung, là mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành xác định, đặc biệt quan tâm (đã hình thành 02 khu chức năng cơ bản tại Trung tâm đô thị Hòa Lạc là “Khu công nghệ cao” và “Khu đại học Quốc gia”).

Đồ án Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc với mục tiêu xây dựng khu đô thị vệ tinh hiện đại, sinh thái, khoa học giáo dục, văn hóa, thương mại, thể thao có giao thông kết nối với tầm nhìn dài hạn.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và đơn vị liên quan rà soát thủ tục pháp lý toàn bộ các dự án đầu tư đã giao đất, dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư trong ranh giới nghiên cứu lập Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc; làm việc với nhà đầu tư của từng dự án, đánh giá tình hình thực hiện, nhu cầu và năng lực nhà đầu tư chỉ đạo hướng dẫn các nhà đầu tư các dự án đủ điều kiện tiếp tục triển khai thực hiện theo đúng đinh hướng Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc được duyệt; đề xuất thu hồi đối với các dự án không đủ điều kiện tiếp tục triển khai.

Giao Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô kiểm tra, thống kê các khu đất, dự án để phân loại: dự án đã xây dựng đưa vào sử dụng; dự án đang xây dựng; dự án chưa xây dựng để có phương án quy hoạch theo nguyên tắc: hạn chế ít nhất việc thu hồi đất quốc phòng để đảm bảo yêu cầu quốc phòng, chỉ xem xét điều chỉnh nhỏ để đảm bảo quy hoạch và xây dựng HTKT, đối với các khu đất chưa xây dựng có thể xem xét, thỏa thuận với Bộ Quốc phòng phương án chuyển đổi vị trí diện tích đất khác.

Ngoài ra vào Kỳ họp cuối năm 2017 tới đây HĐND TP. Hà Nội cũng sẽ xem xét Nghị quyết về bổ sung danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020.

Về nội dung này, trước đó tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI mới diễn ra ngày 19/11, Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã thông tin về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục một số công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020.

Danh mục sẽ bổ sung dự án xây dựng cầu vượt nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - đường Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (vành đai 2,5), tổng mức đầu tư dự kiến 503 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Thành phố.

Bổ sung dự án xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (Quốc lộ 1A cũ), quận Hoàng Mai. Dự án sử dụng vốn ngân sách Thành phố, tổng mức đầu tư dự kiến 672 tỷ đồng.

Bổ sung dự án thứ ba là xây dựng Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 theo hình thức hợp đồng BT, theo đề xuất của Công ty cổ phần Tasco với tổng mức đầu tư dự kiến 550 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ điều chỉnh thông tin một số dự án như: Điều chỉnh từ “Ngân sách thành phố, ODA” thành “Ngân sách Thành phố và BT” đối với 4 tuyến đường sắt đô thị và hiện đang nghiên cứu cơ chế thực hiện. Riêng 2 dự án: Tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai vẫn giữ nguyên hình thức đầu tư “Ngân sách thành phố, ODA”.

Bên cạnh đó, 3 dự án: Cầu Thượng Cát (bao gồm đường hai đầu cầu); Vành đai 4: Từ quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Đuống 2 - đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh) sẽ được điều chỉnh từ hình thức đầu tư “BOT” thành "BOT hoặc BT”.

Đối với dự án Trung tâm phức hợp y học Bệnh viện Tim Hà Nội tại quận Tây Hồ, Thành phố sẽ điều chỉnh từ hình thức đầu tư “PPP đặc thù” thành “Xã hội hóa theo Nghị quyết 93 của Chính phủ”.