Đối với những nhà đầu tư tiền mã hóa, điều duy nhất đáng để ăn mừng trong năm 2022 chính là nó sắp qua đi.
Ngành công nghiệp tiền mã hóa đang phải chống chọi để sống sót sau hàng loạt vụ bê bối, phá sản, sự phẫn nộ của chính quyền một số nước liên quan tới cách hoạt động quá tự do và có dấu hiệu lừa đảo của nó. Thị giá của Bitcoin đã giảm 67% kể từ cuối năm 2021. Thị trường token 'bốc hơi' 2 nghìn tỉ USD trong cùng giai đoạn.
Thảm kịch này có thể tiếp diễn. 'Dư chấn' từ vụ sụp đổ của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX và những cáo trạng dành cho nhà sáng lập Sam Bankman-Fried có thể kéo dài sang năm 2023. Một số công ty tiền mã hóa đã đóng băng hoạt động rút tiền của khách hàng do vụ việc của FTX.
Tương lai bất định
Dù Bitcoin đã có dấu hiệu phục hồi, song bối cảnh vĩ mô đã gây sức ép cho thị trường tiền mã hóa trong năm 2022 - bao gồm tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ - vẫn chưa chấm dứt.
Những người ủng hộ tiền mã hóa nói rằng đây chỉ là đợt suy giảm theo chu kỳ, và là bước đệm cho đà hồi phục lên những tầm cao mới. Điều này từng xảy ra vào năm 2018 khi một “Mùa đông crypto” khiến Bitcoin giảm giá hơn 75%, nhưng sau đó tăng trở lại đến hơn 2.000%.
Nhiều người đã vạch sẵn một kịch bản cho tương lai cho thị trường tiền mã hóa: Một năm sau, những công ty tiền mã hóa có hoạt động mờ ám sẽ bị quét sạch. Sau khi FTX sụp đổ, chính quyền Mỹ sẽ siết chặt quản lý. Một khi bị quản lý nghiêm ngặt hơn, những sàn giao dịch và công ty tiền mã hóa có trụ sở tại Mỹ, bao gồm các công ty như Coinbase Global, sẽ trở thành bên thắng cuộc, tạo dựng nên những kênh thu nhập đa dạng trong lĩnh vực dịch vụ bán lẻ và tổ chức.
Theo những người ủng hộ ngành này, công nghệ blockchain cũng sẽ lên ngôi. Những ứng dụng và dịch vụ được xây dựng trên những mạng lưới đó sẽ chứng minh được tính hữu dụng của mình, như giao dịch xuyên biên giới, quyền tài sản số, video game, và tài chính phi tập trung, hay DeFi.
“Những gì xảy ra với FTX không liên quan gì tới blockchain và tiền mã hóa, ngoài thực tế rằng nó xảy ra với các tài sản tiền mã hóa”, Denelle Dixon - Giám đốc điều hành của Stellar Development Foundation - nói.
Nhưng để kịch bản về sự hồi sinh của tiền mã hóa thực sự diễn ra, nó sẽ phải trả qua những đợt xuống dốc thê thảm. Trên thực tế, nhiều người gọi đợt suy giảm này là “mùa Đông crypto”, nhưng những người khác lại gọi nó là “kỷ băng hà crypto".
Thách thức lớn nhất được cho là tiền mã hóa đã chịu tổn thất lớn về danh tiếng kể từ sau sự sụp đổ của FTX, và khó có thể sớm lấy lại được.
Công tố viên phụ trách vụ FTX, Damian Williams, đã mô tả sự sụp đổ của sàn giao dịch này là “một trong số những vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ".
Gary Gensler, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) gọi FTX là một “mô hình dễ sụp đổ.” John Ray, giám đốc điều hành mới của FTX phụ trách vụ phá sản, mô tả nó là “biển thủ kiểu cũ.” Bankman-Fried, hiện đang bị bắt giữ tại Bahamas và chống dẫn độ về Mỹ, nói rằng ông không hề có ý định lừa đảo ai.
Tiền mã hóa trải qua một năm tồi tệ với hàng loạt vụ phá sản (Ảnh: Barrons) |
Bankman-Fried cũng đang bị SEC và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn (CFTC) đâm kiện.
Hiệu ứng domino
Vụ việc của FTX kéo theo sự sụp đổ của một vài công ty tiền mã hóa. Hàng loạt công ty trong ngành công nghiệp này đã sụp đổ trong năm 2022, bao gồm quỹ bảo hộ Three Arrows Capital (3AC), stablecoin Terra/Luna và các hãng cho vay tiền mã hóa Voyager Digital, Celcius Network, BlockFi – 3 công ty đã phá sản.
Sự liên kết qua lại trong lĩnh vực tiền mã hóa giờ trở thành một vấn đề.
Khi FTX sụp đổ, Genesis Global Trading, một công ty trung gian và cho vay tiền mã hóa, đã cho ngừng hoạt động của đơn vị cho vay.
Hành động đó lại khiến cho Gemini, một hãng trung gian và cho vay khác, đóng băng hoạt động rút tiền trên nền tảng “kiếm tiền” của họ.
Cả hai công ty này đều nói rằng họ đang tìm kiếm giải pháp để nối lại hoạt động bình thường.
Một số nhà quan sát nói rằng toàn bộ ngành công nghiệp tiền mã hóa có lỗ hổng chết người, so sánh nó với hoạt động tiếp thị đa cấp hay mô hình Ponzi, một hình thức đầu tư gian lận.
“Tôi cho rằng đây là một mô hình Ponzi bởi nó bị phụ thuộc vào lượng tiền mới đổ vào để duy trì sự sống. Một khi xảy ra tình trạng rút tiền đồng loạt, sẽ không bao giờ có đủ tiền để đáp ứng được các yêu cầu rút tiền", John Reed Stark, cựu quan chức của Văn phòng Hành pháp Internet của SEC, nói.
Có một số người tranh luận rằng tiền mã hóa có thể được cứu rỗi nhờ nỗ lực siết chặt quản lý của Washington, nhưng không phải không có lỗ hổng.
Sự sụp đổ của FTX đang gây tác động xấu đối với động lực trong Quốc hội Mỹ thiết lập các quy định nhằm bảo vệ nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Một số dự luật đã được soạn thảo và có thể đem ra bỏ phiếu trong năm 2023, bao gồm các biện pháp bảo vệ tài sản của khách hàng trên các sàn giao dịch, định nghĩa một số token như chứng khoán và yêu cầu những bên phát hành stablecoin – những token neo với đồng USD – duy trì được 100 lượng tiền mặt dự trữ và sự đảm bảo các sản phẩm giống như ngân hàng thực thụ.
Một cuộc tranh luận khác cũng đang sôi nổi, đó là đâu sẽ là bên quản lý tiền mã hóa – SEC hay CFTC. Tuy nhiên, CFTC vẫn được xem là thân thiện hơn đối với lĩnh vực tiền mã hóa.
Dù theo cách nào, SEC rất có thể sẽ tiếp tục quản lý lĩnh vực này bằng quyền lực hành pháp – đưa ra cáo buộc đối với các công ty vi phạm luật chứng khoán hiện hành. Tính đến nay, cơ quan này từng thực hiện hơn 100 động pháp lý nhằm vào các công ty tiền mã hóa, và gần như giành phần thắng trong mọi vụ kiện.
“Cuối cùng, SEC sẽ giải quyết những vụ hành pháp gây tranh cãi và nỗ lực hết sức để thực thi pháp luật,” Tyler Gellasch, cựu ủy viên SEC và giờ là người đứng đầu tổ chức thương mại đầu tư Healthy Markets, nói.
Ngành công nghiệp tiền mã hóa vốn có tiền sử về việc chống lại các quy định các nhà quản lý. Nó từng cố chống lại một số điều khoản về quy định báo cáo thuế đối mới đối với những giao dịch cá nhân của Sở Thuế vụ.
Các tổ chức trong ngành tiền mã hóa cũng từng phản đối việc Bộ Tài chính Mỹ liệt một coin có tên Tornado Cash vào diện thực thể bị trừng phạt, với lý do là chính phủ đang đặt ra một tiền lệ nguy hiểm bằng cách cấm đoán một mã phần mềm tự hành.
“Cứ khi nào họ bị áp thêm một quy định mới, họ lại chống trả,” Stark cho hay.
Một số người trong ngành nói rằng, điều quan trọng là phải ghi nhớ về bản chất của FTX. Nó chủ yếu là một sàn giao dịch tiền mã hóa có trụ sở ở nước ngoài chuyên xử lý phái sinh, một lĩnh vực hết sức phức tạp nơi mà phần lớn các nhà đầu tư bán lẻ giao dịch.
Sự sụp đổ của FTX không gây ảnh hưởng tới uy tín của công nghệ blockchain, bao gồm sự phát triển của “tiền lập trình được” và các hệ thống DeFi để giao dịch, cho vay và các dịch vụ khác, theo Matt Hougan, trưởng nhóm đầu tư tại công ty Bitwise Asset Management.
Theo Hougan, sự sụp đổ của FTX có thể làm tăng tốc sự chấp nhận của cộng đồng đối với tiền mã hóa nhờ việc chính quyền siết chặt quản lý.
Tương lai bất định của tiền mã hóa trong năm 2023
Để nắm bắt tín hiệu phục hồi của tiền mã hóa, hãy nhìn vào Bitcoin - đồng tiền được ví như 'iPhone của lĩnh vực tiền mã hóa'.
Mặc dù có nhiều đồng tiền mã hóa khác, đáng chú ý là Ethereum, nhưng Bitcoin vẫn được xem là đồng tiền mã hóa tiêu chuẩn, và sự phục hồi của nó là cần thiết để nâng doanh thu của các sàn giao dịch.
Tuy nhiên, Bitcoin đã trải qua một năm quá khó khăn, một phần là do nền tảng cơ bản cho sự tồn tại của nó đã chịu tổn thương. Giá trị của nó bay hơi khi lạm phát tăng mạnh, khiến nhiều người không còn tin vào vai trò dự trữ giá trị vững chắc của nó so với các đồng tiền truyền thống vốn đang bị mất giá.
Luận điểm cho rằng Bitcoin không chịu sự tác động của chính quyền giờ cũng sụp đổ.
Nhưng nhiều nhà đầu tư sở hữu Bitcoin thông qua một trung gian, nền tảng giao dịch hay cho vay, nhưng giờ một số sàn hoặc công ty trong số này đã bị phá sản hoặc tạm ngừng cho rút tiền, khiến nhiều khách hàng bỗng dưng biến thành chủ nợ.
Bitcoin cũng trở nên dễ tổn thương với các lực lượng kinh tế vĩ mô, từ đó làm suy giảm vị thế của nó như một tài sản thay thế.
Mối quan hệ qua lại giữa Bitcoin và chứng khoán cũng trở nên chặt chẽ hơn trong năm nay. Khi Chủ tịch Fed Jerome Powell có bài phát biểu trong tháng 8, tuyên bố sẽ kiềm chế lạm phát, chỉ số S&P 500 đã giảm 3,4% trong một ngày, trong khi bitcoin sụt giá 4,6%. Ngược lại, giá Bitcoin gần đây tăng trở lại khi xuất hiện những đồn đoán về nới lỏng tiền tệ.
Bitcoin trải qua một năm sụt giá thê thảm (Ảnh: Bloomberg) |
Ông Hougan cho rằng khi môi trường vĩ mô bình ổn lại, sẽ có một “làn gió thuận” đối với tất cả các tài sản rủi ro, bao gồm tiền mã hóa. “Một khi bạn thấy tiền đổ về các tài sản rủi ro một lần nữa, tiền mã hóa sẽ lại có triển vọng lớn,” ông nói.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa có tín hiệu về nới lỏng tiền tệ, khi mà các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới vẫn tiếp tục nâng lãi suất, chỉ là với nhịp độ chậm hơn so với đầu năm 2022.
Với môi trường như vậy, viễn cảnh của các mã chứng khoán công ty tiền mã hóa trông có vẻ ảm đạm.
Các “thợ đào” Bitcoin cũng chịu ảnh hưởng. Cổ phiếu của Marathon Digital Holdings và Riot Blockchain đã sụt giá tới hơn 75%. Giá cổ phiếu của Core Scientific, một hãng đào Bitcoin khác, sụt thê thảm, bị coi là cổ phiếu penny và đối mặt với khả năng phá sản.
Chris Brendler, chuyên gia phân tích của hãng D.A. Davidson, cú sốc trong lĩnh vực tiền mã hóa sẽ khiến cho số lượng các “thợ đào” tham gia vào xử lý giao dịch trong mạng lưới ít đi, từ đó tạo thêm lợi nhuận cho những bên sống sót như Marathon và Riot.
Nhưng ở hiện tại, các hãng này đang báo cáo về tổn thất lớn: Marathon dự kiến sẽ lỗ 276 triệu USD trong năm nay. Riot dự kiến lỗ 372 triệu USD.
Sau khi FTX sụp đổ, các chuyên gia của Goldman Sachs Group khẳng định tiềm năng của công nghệ blockchain vẫn còn và có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực này. Fidelity Investments cho hay họ đang xây dựng các dịch vụ trung gian bán lẻ trong lĩnh vực tiền mã hóa.
Những người ủng hộ tiền mã hóa nói rằng, sự sụp đổ của FTX không hề phá hủy toàn bộ lĩnh vực này.
Liệu sự kiện này sẽ giúp cải thiện các mạng lưới hiện hữu hay không, đó là câu hỏi quan trọng được đặt ra trong lúc tiền mã hóa đang cố gắng vực dậy từ đống tro tàn, một lần nữa./.
Tiền mã hóa thêm một lần 'tự diệt': Đằng sau sự sụp đổ của đế chế FTX
BlockFi: Từ "kỳ lân" của ngành công nghiệp tiền mã hóa tới bờ vực phá sản
Cuộc khủng hoảng niềm tin trên thị trường tiền mã hóa kéo dài tới khi nào?
Theo Barron's